Cô giáo cấp 2 'bêu' chương trình, sách giáo khoa mới, Vụ trưởng phản bác

Hoàng Hồng| 25/05/2023 17:09

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cho rằng bài viết của cô giáo ở Gia Lộc, Hải Dương về 3 năm thực hiện chương trình giáo dục mới không phản ánh đúng thực tế.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT vừa có bài phát biểu đáng chú ý tại hội nghị báo cáo viên tham gia tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 bộ sách Cánh diều diễn ra sáng 25/5 tại Hà Nội.

Trong nội dung phát biểu của mình, ông Nguyễn Xuân Thành ba lần đề cập tới bài viết của một cô giáo cấp 2 ở Gia Lộc, Hải Dương đang được chia sẻ trên mạng xã hội nhận định về 3 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bài viết này được lan truyền dưới tên Nguyễn Thị Hải Yến - giáo viên THCS ở Gia Lộc, Hải Dương.

Với tựa đề "Giáo dục Việt Nam - trồng người từ ngọn", bài viết nêu nhận định, có 7 lỗ hổng của chương trình giáo dục cải cách, trong đó có việc dùng nhiều bộ sách giáo khoa và môn tích hợp.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng bài viết phản ánh không đúng bản chất của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô giáo cấp 2 bêu chương trình, sách giáo khoa mới, Vụ trưởng phản bác - 1

Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 rất cởi mở, trao quyền tự chủ cho giáo viên (Nguồn ảnh: VIPEC)

Theo ông Thành, chương trình cải cách được ví như "khoán 10 trong giáo dục", trao quyền tự chủ cho các trường và giáo viên, khuyến khích giáo viên sáng tạo, đổi mới phương thức dạy học.

"Nếu như trước đây, việc phân phối chương trình do Bộ GD&ĐT làm thì giờ các tổ chuyên môn của các trường tự làm, sắp xếp sao cho phù hợp với đội ngũ giáo viên tại cơ sở. Đặc biệt với môn tích hợp, không bắt buộc phải dạy tất cả các tuần, không bắt buộc chia đều số tiết/tuần", ông Thành cho hay.

Về việc các bộ sách giáo khoa không triển khai chương trình đồng nhất như cùng một nội dung kiến thức, có bộ sách thiết kế dạy ở kỳ I, có bộ sách thiết kế dạy ở kỳ II, ông Thành cho rằng, sự khác nhau này không ảnh hưởng đến việc giảng dạy bởi các trường "có quyền sắp xếp, phân phối chương trình sao cho phù hợp".

Ông Thành cũng đề nghị các chuyên gia tập huấn cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa hiểu rõ, hiểu sâu hơn về chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hội nghị báo cáo viên tham gia tập huấn giáo viên sử dụng SGK các lớp 4, 8, 11 bộ sách Cánh diều có sự tham gia của 300 báo cáo viên là các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả, chuyên gia viết bộ sách này.

2 phiên thảo luận với 26 phòng thảo luận được tổ chức nhằm chuẩn bị tốt nhất tài liệu bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa 4, 8, 11 gồm: sách giáo khoa đã được lựa chọn, tài liệu hướng dẫn sách giáo khoa, các clip bài học minh họa; học liệu điện tử bộ sách Cánh diều…

Sự kiện này cũng giúp chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên triển khai tập huấn, bồi dưỡng cho tất cả giáo viên dạy học lớp 4, 8, 11 năm học 2023-2024 và cán bộ quản lý theo tiến độ thời gian quy định.

Đây là năm đầu tiên công tác tập huấn được thực hiện trực tiếp sau hai năm tập huấn trực tuyến do dịch bệnh. Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo công tác tập huấn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo cấp 2 'bêu' chương trình, sách giáo khoa mới, Vụ trưởng phản bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO