Cô gái sáng tạo đồ chơi Trung thu dân gian tí hon

An Thanh| 27/09/2023 20:06

Lấy cảm hứng từ nét đẹp truyền thống của dân tộc trong các dịp lễ, Tết, Phan Ngọc Thiên Thanh (sinh năm 1990, TP HCM) đã tự tay làm nên những món đồ chơi Trung thu dân gian bé xinh nhưng vô cùng sinh động và bắt mắt.

Lồng đèn nhiều loại, từ đèn ông sao đến đèn cá chép, con gà, bánh dẻo, mâm cỗ hay con lân… là những món đồ chơi Trung thu dân gian được cô gái trẻ Thiên Thanh mô phỏng với kích thước tí hon, chừng vài ba centimet, vô cùng tinh xảo. Thoạt nhìn, không ai nghĩ được làm từ đất sét.

z4731477399877_a1d07069c93ff52eac37b7353ff96d08.jpg
Lồng đèn con gà tí hon  nhưng vô cùng sinh động và bắt mắt. (Ảnh: NVCC).
z4731430577921_46ff7bd3ecebaa4239a9f1ebf0df6e44(1).jpg
Mân quả ngày Trung thu nhỏ bé, xinh xắn. (Ảnh: NVCC).
z4731430566627_f0ec031dfc1d20fd01ccc2ea3400c0f7(1).jpg
Chiếc đèn ông sao gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ. (Ảnh: NVCC).

Thiên Thanh cho hay, ý tưởng tạo nên những món đồ chơi Trung thu dân gian được chị bắt đầu thực hiện trong thời gian phải cách ly do dịch Covid 19. “Mình biết, vì dịch bệnh nên nhiều người không thể ra ngoài để mua sắm hay vui chơi, mình muốn mang lại cho họ một chút niềm vui và sự bất ngờ qua những món đồ chơi xinh xắn và đáng yêu. Trong quá trình làm đồ chơi với rất nhiều thể loại, mình nhận thấy bản thân luôn thích thú và có nhiều cảm hứng đối với những gì liên quan đến truyền thống dân tộc nên cứ đến dịp Trung Thu và Tết là mình lại có nhiều thành phẩm để khoe với mọi người”, chị nói.

Làm đồ chơi Trung thu mini cũng rất công phu. Để hoàn thiện được một thành phẩm đồ chơi cần rất nhiều công đoạn, yêu cầu người làm khắt khe từ khâu chọn nguyên vật liệu đến tạo hình, lên màu phải thật tỉ mỉ và chính xác. Tùy theo cấu trúc của từng món đồ mà thời gian hoàn thành có thể mất vài ngày hoặc cả tháng.

“Theo mình, phức tạp hay không sẽ phụ thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm đối với từng món. Những món mình chưa có kinh nghiệm thì cần thêm thời gian để hiểu cấu trúc và tính toán, lược bỏ những công đoạn không cần thiết mà vẫn đầy đủ chi tiết khi thu nhỏ sản phẩm. Mâm trái cây nhìn phức tạp nhưng mình chỉ mất 2 ngày để hoàn thành, mặt nạ thì 5 ngày bởi vì mình chưa làm bao giờ nên phải dành thời gian nghiên cứu, lồng đèn thì tùy cái sẽ mất từ 4-5 ngày”, Thanh cho hay.

Khác với mọi năm được làm bằng giấy dán kiếng và khung kẽm, nguyên liệu tạo khung lồng đèn năm nay được Thiên Thanh đặc biệt tạo thành từ tre thật. Do kích thước bé, chỉ từ 3-4cm nên các bước trước khi tạo khung cũng khá vất vả. Công đoạn cưa và chẻ nan vô cùng quan trọng, đây chính là bước quyết định độ chắc chắn của khung. Khi vót tre cần phải chắc tay để nan đạt được độ mỏng nhất định, đều và đẹp. Như vậy, khung làm nên mới không bị gãy.

untitled-2artboard-1-copy-2.jpg
Khung lồng đèn được Thiên Thanh làm bằng tre thật, kích thước chỉ 3-4cm. (Ảnh: NVCC).

Ngoài các loại lồng đèn, chị còn làm nhiều loại bánh Trung thu. Thanh chia sẻ, để hoàn thành một chiếc bánh, thông thường sẽ trải qua 4 bước. “Đầu tiên là chọn “bột”, đây là bước khó nhất. Mình phải chọn hoặc pha đất phù hợp để khi hoàn thành sẽ thấy chất liệu bánh nhìn như thật. Bước thứ hai là chọn khuôn. Điều mình quan tâm nhất là độ sắc nét của khuôn, để lúc ấn ra, các khối hoa văn không bị chìm, nhìn rõ ràng và đẹp mắt.

Công đoạn “nướng” (lên màu) phụ thuộc vào kỹ năng cảm nhận và kỹ thuật tán màu. Để chiếc bánh có màu chân thực, tự nhiên nhất thì mình phải quan sát kỹ bánh thật, lựa chọn những chiếc bánh không quá công nghiệp, có tính thô, giống cảm giác bánh được làm bằng tay. Cuối cùng và quan trọng nhất, thành phẩm. Phải để cho bản thân và người xem cảm nhận tính chân thực của bánh, ví dụ, phần nhân khi cắt ra phải có độ tơi xốp, trứng muối hòa vào nhân hay phần rìa bánh hơi cháy cạnh nhẹ, độ rổ của vỏ bánh”.

z4731430585275_776d64f3551073717ba825d2d59dccff(2).jpg
Bánh Trung thu mini đáng yêu giống phiên bản thực đến 99%. (Ảnh: NVCC).

Thiên Thanh cho biết, chị đã tiếp cận với bộ môn chơi mô hình thu nhỏ (miniatures) từ 2011. Khi đó, tình cờ biết môn nghệ thuật này trên mạng internet, lại là người yêu thích handmade, chị Thanh quyết định theo đuổi, tìm tòi, học hỏi qua các trang web và tạo được nhiều mô hình hấp dẫn. Ngoài thời gian làm công việc chính là Art Director, chị dành thời gian rảnh và các ngày nghỉ để nghiên cứu, tạo ra những món đồ chơi tí hon vừa xinh xắn vừa độc đáo.

Đa số các sản phẩm của Thanh làm ra đều xoay quanh cuộc sống. “Cảm hứng đến từ tất cả mọi thứ hiện diện trong cuộc sống của mình. Chỉ cần mình thích là mình sẽ tìm cách để thực hiện”, chị bày tỏ.

z4731520865491_0bdbbe733fc5f0bc758e06b65df2dce9.jpg
Các sản phẩm được chị Thanh lấy cảm hứng từ đời sống hằng ngày. (Ảnh: NVCC).
z4731495333215_61afef5a3632b37c7f336c6773bda17a.jpg
Cá kho tộ được lên màu bắt mắt. Thoạt nhìn, không ai nghĩ được làm từ đất sét. (Ảnh: NVCC).
z4731497208112_437c85f00f5401cef0329374b7542b18.jpg
Mô hình dưa món được làm từ đất sét. (Ảnh: NVCC).

Không chỉ là một mô hình trò chơi, với Thiên Thanh, đây còn là cách giúp chị thư giãn và rèn luyện tính kiên nhẫn. Bởi cái khó của làm đồ chơi tí hon là đòi hỏi sự chịu khó và không nóng vội, phải tập trung cao độ, tỉ mẩn đến từng chi tiết mới có thể hoàn thiện được sản phẩm đẹp mắt.

Chị tâm sự rằng: “Làm đồ thủ công mini mang lại cho mình là cảm giác tuy một mình nhưng tự do. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mình. Từ ngày chơi môn này, nhận thức của mình thay đổi rất lớn, góc nhìn đa chiều, linh hoạt hơn. Mình luyện được sự kiên nhẫn, học cách cảm nhận và tính tỉ mỉ, cẩn thận trong mọi việc”.

Bằng việc tái tạo hình ảnh bằng các sản phẩm mini, Thiên Thanh muốn giúp mọi người hiểu thêm về lịch sử, phong tục và nét đẹp của các vùng miền qua từng chi tiết. “Thông qua các mô hình, mình muốn gợi nhớ, lan tỏa, truyền tải những giá trị văn hóa dân tộc như trong các dịp Tết, Trung thu hay góc nhìn giữa xưa và nay,... đến mọi người. Đồng thời, lưu giữ được kí ức tinh thần khó tìm lại cho người xem hoặc người mua qua các sản phẩm, hình ảnh mà mình đăng tải trên mạng xã hội”, Thanh bộc bạch.

z4731495330242_b82fef1c90748e77a5c521bdefdc32a8(1).jpg
Góc sạp báo cũ được Thiên Thanh mô phỏng bằng đất sét. (Ảnh: NVCC).
z4731529493069_046d4e2f13fc85298e794db7ce712148.jpg
Làm đồ chơi tí hon đòi hỏi phải tập trung cao độ, tỉ mẩn đến từng chi tiết mới có thể hoàn thiện được sản phẩm đẹp mắt. (Ảnh: NVCC).
z4731529499496_429ba837453309d34e808aaed49dd79c.jpg
Xe bánh mì quen thuộc trên các nẻo đường được chị Thanh tái hiện bằng đất sét với kích thước tí hon. (Ảnh: NVCC).
Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cô gái sáng tạo đồ chơi Trung thu dân gian tí hon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO