Có đến 80% bệnh nhân sỏi mật không có triệu chứng

TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng, BS Nguyễn Huy Du, Khoa Phẫu thuật tiêu h| 08/09/2023 15:13

Sỏi túi mật là một vấn đề sức khỏe phổ biến, ngày càng nhiều bệnh nhân được chẩn đoán mắc sỏi túi mật với 22,6 - 80% bệnh nhân sỏi mật không có triệu chứng.

Có đến 80% bệnh nhân sỏi mật không có triệu chứng
Với sỏi túi mật không triệu chứng, lựa chọn phẫu thuật cắt túi mật có nên không? Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng, BS Nguyễn Huy Du, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, sỏi túi mật là bệnh lý thường gặp.

Có khoảng 8-10% dân số Việt Nam mắc căn bệnh này. Nhiều bệnh nhân khi được phát hiện mắc sỏi túi mật chưa có triệu chứng (22,6 - 80%). Sỏi mật sẽ không hòa tan hoặc biến mất theo thời gian, khi đã hình thành sẽ tồn tại, tiến triển tăng. Sau 9 - 20 năm 11,7% - 23,7% sẽ xuất hiện triệu chứng, nguy cơ bị biến chứng lên tới 30,3%.

Triệu chứng phổ biến nhất là đau dưới sườn phải. Nếu không phát hiện, điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm túi mật cấp hoại tử, tắc mật, viêm tụy cấp, thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc mật... Cho đến gần đây, phẫu thuật cắt túi mật chỉ được thực hiện sau khi các triệu chứng hoặc biến chứng đã xảy ra, tuy nhiên khi đó hậu quả đã có thể rất nặng nề.

Có nên thực hiện phẫu thuật cắt túi mật do sỏi túi mật từ khi chưa có triệu chứng?

Trước đây, việc cắt túi mật do sỏi khi chưa có triệu chứng không được khuyến cáo vì phẫu thuật có rủi ro nhất định do gây mê, kĩ thuật phẫu thuật liên qua đến chảy máu, rò mật, tổn thương đường mật... Ngoài rủi ro trong mổ, sau mổ cắt túi mật, người bệnh có thể gặp hội chứng sau cắt túi mật: Đau bụng, khó tiêu, vàng da do sỏi ống mật chủ, hội chứng mỏm ống cổ túi mật, hẹp đường mật, rò mật, chít hẹp cơ Oddi.

Vết mổ nội soi cắt túi mật. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
Vết mổ nội soi cắt túi mật. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Tuy nhiên, những biến chứng này lại thường liên quan những khó khăn kĩ thuật khi mổ những trường hợp sỏi túi mật để muộn, có biến chứng, hay gặp nhất là viêm túi mật cấp và khi đó, thường phải mổ cấp cứu, nguy cơ biến chứng tổn thương đường mật chính cao gấp 2 - 8 lần. Việc này đồng nghĩa với gia tăng chi phí điều trị và ảnh hưởng vĩnh viễn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh về sau.

Chỉ 1,5% bệnh nhân phải chuyển mổ mở, qua đó ngăn ngừa các nguy cơ liên quan đến mổ mở (đau, chậm phục hồi, thoát vị vết mổ, tắc ruột, không thẩm mĩ...) và làm giảm 33% nguy cơ tử vong so với mổ mở. Khi có triệu chứng và biến chứng, tỉ lệ chuyển mổ mở lên tới 26%.

Chúng tôi nêu ra 4 trường hợp: Bệnh nhân số 1 đã phải nằm viện cả đợt kéo dài gần 2 tháng với 2 lần can thiệp; bệnh nhân thứ 2 phải mổ mở, nhiễm trùng nặng và trường hợp thứ 3 cũng phải can thiệp 2 thì, phẫu thuật rất khó khăn, không cắt được toàn bộ túi mật và phải dẫn lưu kéo dài, sau mổ nằm viện 2 tuần để điều trị biến chứng của sỏi túi mật; trường hợp số 4 có nhiều sỏi nhỏ đã xảy ra biến chứng viêm tụy trước đó nhưng không được điều trị nên sỏi đã rơi xuống ống mật chủ gây tắc mật và viêm tụy cấp lần 2, phải can thiệp 2 lần.

Cả 4 trường hợp trên đều phải nằm viện dài ngày với chi phí rất tốn kém, trong khi nếu được điều trị phẫu thuật từ khi chưa có triệu chứng thì quá trình điều trị đã có thể đơn giản hơn nhiều và thường chỉ phải nằm viện 2 - 3 ngày. Tỉ lệ thành công của phẫu thuật cắt túi mật dự phòng rất cao (99,5%). Tại khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai cho đến nay cũng đã thực hiện an toàn hàng ngàn ca tương tự.Như vậy, với sỏi túi mật không triệu chứng, lựa chọn phẫu thuật cắt túi mật nên được thảo luận. Người bệnh và gia đình cần được cung cấp đầy đủ thông tin về lợi ích, rủi ro và chi phí để có được lựa chọn sáng suốt. Người bệnh có quyền tự chủ để lựa chọn hướng điều trị phù hợp nhất; đặc biệt với những người có nguy cơ, việc lựa chọn cắt túi mật dự phòng để giảm nguy cơ biến chứng, tử vong cần được ủng hộ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Có đến 80% bệnh nhân sỏi mật không có triệu chứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO