Trao đổi với nhóm phóng viên, Thạc sĩ tâm lý Trần Thùy Dương - chuyên viên tham vấn tâm lý với 10 năm kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần đã chia sẻ về vấn đề này.
Chuyên viên tham vấn tâm lý Trần Thuỳ Dương trong buổi dạy tâm lý cho các bạn sinh viên - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo chuyên gia, những biểu hiện nào cho thấy người trẻ đang chịu áp lực và họ đối mặt với chúng bằng cách nào?
Đối với các bạn trẻ, những biểu hiện cơ bản như các bữa ăn trong ngày bị xáo trộn hay thời gian biểu sinh hoạt thất thường là dấu hiệu sớm nhất để nhận biết trạng thái sức khỏe tâm lý đang xuống dốc. Dạo gần đây, xã hội đang phổ biến một xu hướng được các bạn trẻ truyền tai nhau là “Dậy từ 7 giờ sáng để ăn sáng”. Đây vốn dĩ là những thói quen lành mạnh rất cơ bản, nhưng lại bị các bạn trẻ bỏ qua và coi nó như một thử thách mới lạ cần vượt qua trong cuộc sống.
Một dấu hiệu quan trọng khác là giới trẻ thường suy nghĩ rất nhiều vấn đề cùng một lúc dẫn đến căng thẳng kéo dài. Mặc dù việc suy nghĩ là một phần bản năng tự nhiên của con người, nhưng nếu chúng trở nên vượt quá tầm kiểm soát thì đó lại chính là dấu hiệu của sự lo âu quá mức.
Bởi vì tính chất áp lực của mỗi người khác nhau nên cách đối mặt với lo âu và căng thẳng của mỗi bạn trẻ hiện nay cũng khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể dễ dàng bắt gặp một số bạn trẻ có xu hướng lựa chọn các phương pháp tiêu cực như “Self-harm” tự hại để giải quyết áp lực của bản thân. Đây là giai đoạn nghiêm trọng của trạng thái căng thẳng xuất phát từ nhiều áp lực cộng dồn.
Theo chuyên gia, đâu là những nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng và áp lực ở các bạn trẻ?
Theo tôi quan sát được, nguyên nhân dẫn tới căng thẳng ở giới trẻ rất đa dạng. Đặt vào bối cảnh sau đại dịch Covid-19, không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đã và đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Trong những năm gần đây, xu hướng cắt giảm nhân sự đang khá phổ biến ở các tập đoàn đa quốc gia và các cơ quan Nhà nước. Giới trẻ ngày nay phải chịu nỗi lo cơm áo gạo tiền từ khi tuổi đời còn nhỏ cùng áp lực phải tìm được một công việc tốt, thu nhập cao. Bên cạnh đó, về mặt sinh học, các bạn trẻ từ 15 - 29 tuổi thường gặp những khó khăn trong sự phát triển về cả thể chất lẫn tư duy, sinh lý và đặc là các vấn đề về sức khỏe tinh thần, xuất phát từ các yếu tố ngoại cảnh và cả “tâm” cảnh.
Theo góc nhìn của chuyên gia, cách thức giải tỏa áp lực của các bạn trẻ hiện nay có ưu và nhược điểm gì?
Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều phương pháp hơn để đối diện với căng thẳng. Về mặt tích cực, nhiều bạn trẻ ngày nay đã biết đến những phương pháp chữa lành sâu về tâm lý như thiền định, biết xác định được ngọn nguồn của áp lực là từ chính bản thân. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn trẻ lựa chọn việc sử dụng chất kích thích hay chìm đắm vào mạng xã hội để giải tỏa căng thẳng, từ đó dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về cả thể chất lẫn tinh thần. Nhược điểm là giới trẻ chưa xác định được mức độ áp lực của họ và nhầm lẫn trong cách định nghĩa vấn đề.
Chuyên gia có quan điểm thế nào về ý kiến cho rằng: “GenZ là thế hệ dễ tan vỡ” hay “Giới trẻ ngày nay chịu áp lực kém hơn thế hệ đi trước”?
Tôi đã nghe rất nhiều những ý kiến tương tự nhưng điều tôi nhìn thấy được ở các bạn GenZ là bản lĩnh, năng lực cũng như cách thể hiện cá tính riêng.
Theo tôi, việc xuất hiện quan điểm này là ở cách các bạn trẻ GenZ đang thể hiện bản thân ra bên ngoài. Nhiều người tin rằng khi thể hiện cảm xúc hay nói ra vấn đề của mình đồng nghĩa với việc họ chịu đựng kém hơn những người khác. Nhưng thực chất, đâu có ai là chưa phải chịu áp lực hay chưa từng trải qua cảm xúc tiêu cực nào. Chỉ có điều là ở thế hệ trước, ông cha thường tự dồn nén và xử lý vấn đề vì quan điểm “Vạch áo cho người xem lưng” thì giới trẻ ngày nay đã làm tốt hơn trong việc nhận thức được “Khi tôi không ổn, tôi nói ra và tôi có quyền được nói ra”.
Vậy nên quan điểm so sánh như vậy là vô cùng khập khiễng. Bên cạnh đó, việc xuất hiện sự khác biệt như vậy là do giới trẻ ngày nay cũng đang dần tiếp xúc với văn hóa cởi mở phương Tây - nơi luôn đề cao cái tôi và chủ nghĩa dân chủ.
Buổi workshop của chuyên viên về chủ đề “Vượt qua lo âu” dành cho giới trẻ thu được nhiều sự quan tâm và ủng hộ - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đứng từ góc độ của người nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý, chị có cách suy nghĩ và hướng xử lý như thế nào khi phải đối diện với những áp lực kể trên?
Việc đầu tiên một người cần làm mỗi khi gặp áp lực là đối diện với chính bản thân mình. Một trong những phương pháp tôi thường sử dụng là “self-esteem” - tạm dịch là “lòng tự tôn” trong tiếng Việt. Với tôi, self-esteem được hiểu là “cái tôi” hay có thể hiểu là sự tự đánh giá, tự nhận xét, tự hiểu về giá trị của bản thân ở mỗi người. Khi áp dụng phương pháp này, chúng ta sẽ hiểu được bản thân là người như thế nào để khi gặp áp lực, ta biết cách giải quyết nó ra sao. Thực tế, áp lực chỉ là cảm xúc từ chính ta cảm nhận khi gặp khó khăn trong cuộc sống và khi ta tin tưởng vào bản lĩnh của mình thì mọi áp lực đều sẽ được giải quyết.
Trong trường hợp nếu không thể tự vượt qua áp lực của bản thân, chúng ta cần nhờ đến sự trợ giúp từ gia đình, từ những mối quan hệ xung quanh để được cảm thông, chia sẻ. Khi không có sự hỗ trợ này, ta cũng có thể tìm đến chuyên gia, chuyên viên tư vấn có chuyên môn kinh nghiệm.
Nhưng dù có chọn phương hướng giải quyết nào, chúng ta vẫn luôn cần tự nhắc nhở chính mình rằng việc tìm đến những người có thể hỗ trợ về mặt tinh thần không có nghĩa là bản thân ta yếu kém hơn người khác. Con người luôn có những khoảng thời gian khó khăn và ta cần được soi đèn chỉ lối. Vì thế, giới trẻ nên mở lòng mình hơn, cho phép mọi người xung quanh giúp đỡ mình vượt qua quãng thời gian khó khăn một cách dễ chịu hơn, thay vì tự chịu đựng hay tìm đến những phương pháp có phần tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như đời sống tinh thần về lâu dài.
Chuyên gia có lời khuyên gì đến với giới trẻ trong việc “đón nhận” và “đối mặt” với áp lực trong bối cảnh xã hội hiện nay?
Về khía cạnh “đón nhận” áp lực, chúng ta phải chấp nhận rằng trong cuộc sống dù không mong muốn nhưng sẽ luôn có những khó khăn bất ngờ ập đến. Nếu chúng ta rèn luyện được cái tôi, biết cách yêu thương chính mình thì khi gặp phải những điều không như mong đợi, ta sẽ không đánh mất đi con người của mình - một điều vô cùng thứ quan trọng nhất đối với mỗi người. Và tôi tin rằng khi ấy, ta sẽ tìm được cách để vượt qua áp lực.
Về khía cạnh “đối mặt” với áp lực, tôi luôn nhận định rằng, áp lực là cảm xúc tiêu cực xuất phát từ chính mình. Vậy nếu có thể, bạn hãy cho phép bản thân nhìn theo hướng khác, một hướng rộng hơn khi cảm thấy bản thân không thể tự mình vượt qua, đó là tìm đến sự trợ giúp từ chuyên gia hoặc một nơi để “trút bầu tâm sự”.
Sau cùng, chuyên gia có lời nhắn nhủ nào muốn gửi đến các bạn trẻ trong việc hình thành thói quen tốt để chăm sóc sức khỏe tinh thần?
Trong các buổi tham vấn tâm lý tôi luôn nhắc nhở bệnh nhân đặt câu mỗi ngày rằng “Ngày hôm nay tôi cảm thấy thế nào?” bởi nếu bạn hiểu rõ cảm xúc của bản thân chắc chắn bạn sẽ biết đâu là phương hướng tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình.
Sau cùng, các bạn trẻ cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ để có thể duy trì trạng thái ổn định về mặt tinh thần.
Xin chân thành cảm ơn những lời chia sẻ của chuyên viên!
Thông tin của chuyên viên Trần Thuỳ Dương:
- Thạc sĩ Tham vấn tâm lý tại ĐH Northampton Anh Quốc
- Thành viên Hội tham vấn và trị liệu tâm lý học Anh quốc
- Chuyên viên tham vấn tâm lý tại The Lowdown và Rushden Mind, Anh Quốc
- Giảng viên tại Moulton College UK
- Giảng viên tâm lý học Đại học Quốc tế - Đại học quốc gia Hà Nội