Chuyện nữ hoàng Ai Cập ra tay tàn độc với cả em ruột để độc chiếm ngôi báu

27/05/2024 05:30

Không chỉ sở hữu nhan sắc nức tiếng thế giới cổ đại, Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra còn là người phụ nữ đầy tham vọng, sẵn sàng ra tay tàn độc với cả các em ruột để độc chiếm ngai vàng.

Lời tòa soạn

Từ thời Ai Cập cổ đại cho đến thế giới hiện đại, những câu chuyện tranh giành quyền lực và của cải trong các gia tộc giàu có và hùng mạnh không hiếm, từ việc anh chị em ruột tranh giành ngôi báu, anh em ruột đấu đá lẫn nhau để độc chiếm tài sản cho đến bị cả họ tộc quay lưng vì bất đồng chính trị. Cùng VietNamNet điểm lại một số câu chuyện “huynh đệ tương tàn” nổi tiếng trên thế giới:

Cleopatra, tên đầy đủ là Cleopatra VII Philopator (69 TCN – 30 TCN) là người gốc Macedonia và là quốc vương (pharaoh) cuối cùng của triều đại Ptolemy cai trị Ai Cập cổ đại cũng như các vùng lân cận giai đoạn 305 TCN - 30 TCN. Mặc dù không phải là người gốc Ai Cập, nhưng Cleopatra đã tiếp nhận nhiều phong tục cổ xưa của đất nước này và là nhà cầm quyền đầu tiên của đế chế Ptolemy học ngôn ngữ Ai Cập.

Cleopatra 5.jpg
Một tác phẩm điêu khắc chân dung Nữ hoàng Cleopatra VII trên đá. Nguồn Live Science

Nhiều tài liệu có ghi, Cleopatra là con gái thứ 3 của pharaoh Ptolemy XII Auletes. Khi vua cha qua đời vào mùa xuân năm 51 TCN, em trai của bà - Ptolemy XIII, khi đó mới 11 tuổi, kế vị ngai vàng.

Tuy nhiên, theo truyền thống của vương triều Ptolemy, đất nước phải có 2 người gồm một nam và một nữ đồng cai trị. Ngoài ra, pharaoh phải kết hôn với anh/chị em ruột để đảm bảo huyết thống và quyền lực hoàng tộc không rơi vào tay người ngoài. Vì 2 chị gái đầu đã mất, nên theo ý chỉ của vua cha trước khi băng hà, Ptolemy XIII đã cưới chị gái thứ 3 – Cleopatra, lúc này 18 tuổi làm vợ và cùng nhau cai trị xứ sở kim tự tháp.

Với đầu óc sắc sảo và có nhiều tham vọng, nữ hoàng Cleopatra không ngừng mở rộng thanh thế và thâu tóm quyền lực, đẩy bà và pharaoh Ptolemy XIII vào thế đối đầu. Mùa hè năm 49 TCN, Ptolemy XIII cùng thái giám Pothinus, thầy giáo làm nhiếp chính cho ông, đã tìm cách hạ bệ nữ hoàng Cleopatra. Phe Ptolemy XIII thắng thế trong cuộc tranh chấp quyền lực, buộc Cleopatra phải trốn chạy tới Syria.

Trong lúc sống lưu vong, Cleopatra đã nhanh chóng xây dựng quân đội riêng trong vòng một năm và bắt đầu quay trở lại Ai Cập vào mùa xuân năm 48 TCN. Tuy nhiên, nữ hoàng cùng đội quân của mình đã bị lực lượng của em trai chặn đường tiến về thành Alexandria, thủ phủ của Ai Cập cổ đại, buộc bà phải cho hạ trại bên ngoài Pelousion, phía đông đồng bằng sông Nile.

Cleopatra 7.jpg
Tạo hình Caesar và Cleopatra trong bộ phim "Cleopatra" (1963) của đạo diễn Joseph L. Mankiewicz. Ảnh: 20th Century Fox

Đây cũng là thời điểm danh tướng La Mã Julius Caesar bước vào cuộc đời nữ hoàng nổi tiếng Ai Cập. Vì khi đó Caesar đã chiếm được Alexandria nên Cleopatra tìm cách tiếp cận và quyến rũ nhà cầm quân của đế chế La Mã hùng mạnh. Bị mê hoặc trước nhan sắc kiều diễm, tài ăn nói và sự thông tuệ của Cleopatra, Caesar đã đồng ý giúp bà lật đổ Ptolemy XIII để trở thành nữ vương nắm giữ quyền lực tối cao tại Ai Cập.

Với sự can thiệp của đội quân La Mã, Ptolemy XIII đã thảm bại trong cuộc nội chiến đẫm máu với chị gái. Tháng 1 năm 47 TCN, pharaoh này bị chết đuối ở sông Nile trong lúc chạy trốn.

Kể từ đó, Caesar bỏ ý đồ thôn tính Ai Cập để sáp nhập vào Thành quốc La Mã, đồng thời đưa Cleopatra trở lại ngai vàng. Theo truyền thống của hoàng tộc, nữ hoàng buộc phải kết hôn với người em trai còn lại - Ptolemy XIV để cùng trị vì đất nước nhưng quyền lực thực chất tập trung trong tay bà.

Bất chấp điều tiếng, Cleopatra đã cùng người tình Caesar trải qua nhiều tháng sống bên nhau trên du thuyền ở sông Nile. Bà mang thai và sinh cho ông một đứa con trai, đặt tên là Ptolemy Caesar, tên hiệu là Caesarion. Cả hai cũng tổ chức đám cưới bí mật theo nghi thức Ai Cập. Song, cuộc hôn phối này không được Rome công nhận hay ủng hộ vì Caesar đã có vợ ở quê nhà và luật La Mã cấm kết hôn với người ngoại quốc.

Khi Caesar trở lại Rome và bị ám sát vào tháng 3 năm 44 TCN, chiếc ghế quyền lực của Cleopatra dường như không còn vững chắc. Tuy nhiên, pharaoh Ptolemy XIV qua đời một cách bí ẩn chỉ 4 tháng sau đó. Dù không có bằng chứng xác thực nhưng Cleopatra bị đồn đã đầu độc em trai để đưa con trai bà – Caesarion, mới 3 tuổi lên thay thế, đồng cai trị Ai Cập với mình vào tháng 9 năm 44 TCN.

Dưới sự cai trị của nữ hoàng Cleopatra, Alexandria trở thành thành phố hiện đại bậc nhất thế giới cổ đại. Alexandria có dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám nghiệm tử thi, một thư viện và ngọn hải đăng khổng lồ. Đây cũng là trung tâm thu hút các nghệ nhân, nhà khoa học, kỹ sư, nghệ sĩ và nhà văn tài năng trên khắp thế giới. Cleopatra còn cho xây dựng một đội quân hùng hậu, có hạm đội tàu chiến nhằm giúp Ai Cập vững mạnh và giữ được hòa bình.

cleopatra 1.jpg
Một bức tranh của họa sĩ Lawrence Alma-Tadema năm 1885, mô tả cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Antony và Cleopatra khi nữ hoàng Ai Cập đang trên ngự thuyền. Ảnh: Wikimedia Commons

Năm 41 TCN, Mark Antony, một vị tướng từng phục vụ Caesar và đang nắm trong tay binh quyền của đế chế La Mã, bắt đầu hình thành liên minh chính trị. Lúc đó, Antony đang mâu thuẫn với Octavian, con trai nuôi của Caesar về việc kế thừa vai trò người cai trị La Mã. Hiểu rõ điều này và có thể nhằm tránh cho Ai Cập đối mặt nguy cơ bị La Mã và những nước lân bang hùng mạnh khác thôn tính, Cleopatra đã chủ động quyến rũ Antony.

Trong lần gặp ở Tarsus (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), Nữ hoàng Ai Cập ăn diện lộng lẫy, ngồi trên một ngự thuyền tráng lệ đầy ắp cánh hoa ngát hương và có đèn tỏa mùi thơm tinh dầu đặc biệt, tiến vào sông Cubes như một nữ thần giáng trần. Tướng Antony tất nhiên đã không thể cưỡng lại mỹ nhân và sập “bẫy tình” của Cleopatra. Ông sau đó quyết định bỏ vợ để chuyển đến sống với Cleopatra tại Alexandria suốt mùa đông năm 41 – 40 TCN, cùng nhau bảo vệ vùng đất Ai Cập cũng như vương miện của nữ hoàng.

Thời gian này, cả hai hưởng thụ cuộc sống xa hoa, hạnh phúc. Nữ hoàng Ai Cập sinh cho Antony một cặp sinh đôi, đặt tên là Alexander Helois (Alexander Mặt trời) và Cleopatra Selene (Cleopatra Mặt trăng).

Theo một bộ phim tài liệu năm 2009 của đài BBC, vào năm 41 TCN, Cleopatra đã mượn tay Antony sát hại em gái mình là Arsinoe IV, người bị bà giam hãm tại Đền Artemis ở Ephesus từ sau cái chết của Ptolemy XIII. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định đây là hành động phòng trừ hậu họa, nhằm đảm bảo ngôi vương cho bà.

Năm 40 TCN, Antony quay trở lại Rome và để hàn gắn mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Octavian, ông quyết định kết hôn với Octavia, chị gái của nhà cầm quyền La Mã. Nhưng liên minh không tồn tại lâu. Năm 37 TCN, Antony rời bỏ Octavia và quay về phương Đông, sắp xếp để Cleopatra đến sống cùng ở Syria.

Điều này khiến phe Octavian vô cùng tức giận.  Bằng lý lẽ và những dẫn chứng hùng hồn, họ đã khiến người dân La Mã công phẫn và quay lưng với Antony. Sau vài năm căng thẳng và nhiều lần dùng đến các đòn tuyên truyền, vào năm 31 TCN, Octavian chính thức tuyên chiến chống lại Nữ hoàng Ai Cập và “vị tướng phản bội La Mã”.

Cleopatra 3.jpg
Tác phẩm hội họa “Cái chết của Nữ hoàng Cleopatra” do Reginald Arthur vẽ vào năm 1892.  Ảnh: worldhistory.us

Sau khi bị quân Octavian đánh bại trong trận hải chiến Actium nổi tiếng ở bờ tây Hy Lạp, cặp đôi Cleopatra và Antony tháo chạy về Ai Cập. Quân Octavian đuổi theo và vây bắt họ tại Alexandria vào năm 30 TCN. Biết không thể nào thoát được, cả Antony và Cleopatra đều chọn cách tự sát. Dù còn nhiều điều chưa sáng tỏ, nhưng nhiều sử gia thống nhất rằng, Antony đã dùng thanh kiếm tự đâm vào bụng mình để kết liễu sinh mạng. Trong khi đó, Cleopatra chọn cách tự sát cùng 2 tỳ nữ bằng cách cho rắn độc cắn, đặt dấu chấm hết cho vương triều Ptolemy. Ai Cập từ đó bị sáp nhập thành một tỉnh của Đế chế La Mã hùng mạnh.

Trích đoạn phim "Cleopatra" (1963) về cuộc đời nữ hoàng Ai Cập lừng danh. Nguồn: 20th Century Fox 

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chuyen-nu-hoang-ai-cap-ra-tay-tan-doc-voi-ca-em-ruot-de-doc-chiem-ngoi-bau-2284296.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/chuyen-nu-hoang-ai-cap-ra-tay-tan-doc-voi-ca-em-ruot-de-doc-chiem-ngoi-bau-2284296.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện nữ hoàng Ai Cập ra tay tàn độc với cả em ruột để độc chiếm ngôi báu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO