Chuyện không nhỏ với chung cư mini

14/09/2023 09:00

Các "chung cư mini" đã và đang được xây dựng khắp ngõ ngách các quận trung tâm của Thủ đô.

Cách đây gần nửa tháng, vợ chồng tôi đến thăm đứa cháu mới ở quê ra học đại học tại Hà Nội. Sau một hồi vòng vèo, chạy vào một con ngõ chỉ đi được xe máy thì đến chỗ cháu tôi đang thuê trọ.

Được gọi là "chung cư mini", nơi cháu tôi ở cùng với khoảng hơn 100 sinh viên, nhân viên văn phòng và một số gia đình trẻ khác là khu nhà 8 tầng với diện tích mỗi sàn khoảng 250m2. Trên diện tích sàn như vậy, chủ đầu tư "khéo léo" thiết kế được 11 phòng trọ khép kín, mỗi phòng dành cho 2-3 người thuê.

Trò chuyện những người thuê nhà và qua tìm hiểu thực tế, tôi được biết các "chung cư mini" đã và đang được xây dựng khắp ngõ ngách các quận trung tâm của Thủ đô.

Chuyện không nhỏ với chung cư mini - 1

Căn chung cư mini xảy ra vụ hỏa hoạn đã xây sai phép 3 tầng (Ảnh: Ngọc Tân).

Với mảnh đất chỉ đủ diện tích xây một công trình nhà ở hoặc biệt thự đơn lập, song chủ đầu tư đã xây lên khu trọ có hàng chục căn hộ để tối ưu hóa lợi nhuận và dòng tiền. Đây thường là nơi sinh sống của hàng trăm người. Và đương nhiên, không nói thì chúng ta cũng đều hiểu việc bảo đảm phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn ở những khu nhà này là như thế nào.

Hôm qua (13/9) là một ngày đau buồn khi báo chí và vào mạng xã hội tràn ngập những thông tin khủng khiếp về vụ cháy "chung cư mini" ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Xem hình ảnh hiện trường, tôi phần nào hình dung được việc thiết kế và sử dụng tòa nhà bị cháy đó giống hệt như tòa nhà cháu tôi đang thuê và cũng giống các khu "chung cư mini" khác đang là nơi sinh sống của biết bao hộ gia đình trẻ, sinh viên, người lao động thu nhập thấp…

Ai đó sẽ nói rằng "biết nguy hiểm sao vẫn ở"? Nhưng xin thưa, không có những khu "chung cư mini" đó thì các bạn sinh viên từ quê lên, không có suất ở ký túc xá và không có người thân tại Hà Nội sẽ ở đâu? Các lao động trẻ, thu nhập và tích lũy chưa đủ mua nhà ở các khu chung cư cũ hoặc chung cư thương mại sẽ ở đâu? Đặc biệt trong bối cảnh bất động sản đắt đỏ khu vực trung tâm thủ đô.

Sự phát triển đô thị trong những năm qua kéo theo hàng triệu người di cư đến sinh sống và làm việc, đa phần có xu hướng bám trụ vùng lõi đô thị vì tiện cho việc đến trường học, công sở, cửa hàng, công ty… và cũng tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Họ không thể thuê nhà ở ngoại thành để rồi hàng ngày mất nhiều tiếng đồng hồ đi học, đi làm vì khoảng cách xa và vì tắc đường.

Các kế hoạch giãn dân ở khu vực trung tâm, di dời trường học, công sở, bệnh viện… ra ngoại thành đã được nói đến hàng chục năm nay, có một chút "nhúc nhích" nhưng về cơ bản thì các cơ sở đó vẫn tập trung ở một số quận trung tâm.

Áp lực dân số lên nội đô chưa được giải tỏa đáng kể. Đơn cử việc bàn thảo di chuyển các đại học ra khỏi trung tâm thành phố từ khi tôi vào học đại học đến nay (cách đây hơn 20 năm) vẫn chỉ "quyết liệt" trên bàn hội nghị. Trong khi đó, chúng ta đã chứng kiến cứ mỗi nhà máy rời khỏi khu trung tâm là một khu đô thị mới với các tòa nhà cao tầng mọc lên.

Vùng lõi Hà Nội đã hầu như không còn đất trống. Các ngõ nhỏ Hà Nội hầu như không có lối đi đủ rộng cho xe cứu hỏa. Trong khi đó, rất nhiều chung cư mini tiềm ẩn nguy cơ và tồn tại vấn đề pháp lý. Đây rõ ràng không phải là những dự án chung cư thương mại theo quy trình thông thường của Luật Nhà ở, vậy thì các cá nhân, chủ đầu tư được phép xây dựng, vận hành chung cư mini như thế nào? Cơ quan nào quản lý và ai chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề.

Qua vụ cháy với hậu quả vô cùng tang thương, người ta lại dấy lên lo lắng về thực trạng cấp phép, quản lý và sử dụng các khu "chung cư mini". Việc rà soát và xử lý vi phạm rất cần thiết, nhưng đó chỉ là biện pháp trước mắt. Hơn nữa khi phát hiện trường hợp vi phạm thì xử phạt chủ đầu tư là việc dễ với cơ quan chức năng, giải quyết chỗ ở cho những người đang sinh sống ở đó mới khó. Không lẽ đẩy họ ra đường? Và nếu họ đi thuê trọ chỗ khác thì sẽ là chỗ nào, làm sao để không bị "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"?.

Biện pháp căn cơ là giảm tải độ nén dân số của đô thị, di chuyển các trường học, bệnh viện, công sở... ra ngoại thành và thành lập các đô thị vệ tinh. Nhưng đây lại là việc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và không thể trong ngày một ngày hai, càng không thể nếu thiếu quyết tâm của các nhà lãnh đạo và cơ quan quản lý.

Nhưng nếu không bắt tay vào những việc căn cơ, thì với cảnh đất chật người đông, bất động sản đắt đỏ như hiện nay, hàng triệu người đến Thủ đô học tập, lập nghiệp vẫn phải đi thuê nhà hoặc mua nhà giá rẻ ở khu trung tâm, và chung cư mini là sự lựa chọn khả dĩ nhất trong điều kiện của họ.

Có lẽ nào những người đó cũng như cháu tôi, sẽ nói "sống chết có số" khi được hỏi "ở đây nhỡ cháy thì sao?"

Tác giả: Anh Lê Xuân Lục là giảng viên đại học Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giảng dạy lĩnh vực pháp luật, quản trị nhà nước. Anh cũng là chuyên gia tư vấn cho một số tổ chức hành nghề luật sư.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/tam-diem/chuyen-khong-nho-voi-chung-cu-mini-20230914055322347.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/tam-diem/chuyen-khong-nho-voi-chung-cu-mini-20230914055322347.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện không nhỏ với chung cư mini
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO