Ông Damian Hickey, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Viện Thay đổi Toàn cầu Tony Blair lạc quan về tương lai ASEAN. (Ảnh: PH) |
Ông kỳ vọng gì về tương lai của ASEAN và những cơ sở cho tương lai đang định hình đó?
Sáng kiến Diễn đàn Tương lai ASEAN của Thủ tướng Phạm Minh Chính được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với ASEAN khi Hiệp hội lên kế hoạch cho tương lai của mình. Việt Nam đang thực hiện đúng cam kết trong Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và duy trì động lực quan trọng cho các cuộc thảo luận này.
Là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam có câu chuyện hấp dẫn để chia sẻ về hành trình phát triển và đóng góp của mình vào việc tăng cường đoàn kết ASEAN. Tương lai của Việt Nam rất rộng mở và Viện Thay đổi toàn cầu Tony Blair (TBI) tự hào được hỗ trợ lãnh đạo Việt Nam trong việc thực hiện tầm nhìn của mình cho người dân Việt Nam và cho toàn thể ASEAN.
Sẽ là cơ hội thú vị và tuyệt vời khi các nhà hoạch định chính sách của ASEAN cùng các đối tác đối thoại, đối tác phát triển tập trung thảo luận về một tầm nhìn chung. Chúng ta có thể đạt được nhiều điều nếu như hiểu rõ về các cơ hội và thách thức, đưa ra quyết định quan trọng cần thiết một cách chính xác cũng như nhất trí hiện thực hóa những quyết định này thành hành động có ý nghĩa. TBI có khả năng biến những ý tưởng táo bạo thành hiện thực và chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ Diễn đàn Tương lai ASEAN điều đó.
Là người làm việc tại các quốc gia ASEAN trong nhiều năm, cá nhân tôi rất đam mê và lạc quan về tương lai của khu vực này. Một số những nền tảng rất rõ ràng: ASEAN có lực lượng lao động trẻ, ngày càng tăng và am hiểu công nghệ; thị trường kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới và là cửa ngõ quan trọng cho thương mại quốc tế. Minh chứng cho tiềm năng của ASEAN là các công ty toàn cầu có những quyết định đầu tư vào ASEAN. Các chuỗi giá trị toàn cầu tạo đà cho tăng trưởng trong tương lai đều được tích hợp trong khu vực, từ thị trường điện tử của Việt Nam đến mỏ niken của Indonesia và các trung tâm hậu cần logistics của Singapore. ASEAN chắc chắn sẽ là trung tâm hấp dẫn cho tăng trưởng và đổi mới toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.
Các nhà lãnh đạo ASEAN có trách nhiệm tận dụng tốt nhất nguồn tài nguyên kinh tế và xã hội to lớn này và truyền đạt thông điệp về tầm nhìn của ASEAN tới thế giới. ASEAN xứng đáng được lắng nghe trong các cuộc đối thoại toàn cầu quan trọng về khí hậu, công nghệ và phát triển bền vững. Diễn đàn Tương lai ASEAN là cơ hội giúp ASEAN có tiếng nói về những vấn đề này và tạo động lực cho những thay đổi tích cực.
Được biết, ông sẽ là diễn giả tại Phiên thảo luận: "Bảo đảm an ninh toàn diện cho một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm", ông hiểu như thế nào về khía cạnh "an ninh toàn diện" và điều ông sẽ nhấn mạnh trong Phiên thảo luận là gì?
Phiên họp này tạo ra khuôn khổ để chúng ta xem xét an ninh theo nghĩa rộng nhất - vượt ra ngoài các khái niệm truyền thống về năng lực quốc phòng và hoạch định chiến lược. Thay vào đó, chúng ta xem xét những yếu tố căn bản khác của an ninh trong thế giới hiện đại như “lấy con người làm trung tâm” hay sự bất bình đẳng về cơ hội và phát triển. Chúng ta phải tìm ra những cách lâu dài để mở rộng nền tảng thịnh vượng nhằm bảo đảm phúc lợi tối đa cho người dân.
“ASEAN xứng đáng được lắng nghe trong các cuộc đối thoại toàn cầu quan trọng về khí hậu, công nghệ và phát triển bền vững. Diễn đàn Tương lai ASEAN là cơ hội giúp ASEAN đưa ra tiếng nói về những vấn đề này và tạo động lực cho những thay đổi tích cực”. |
Biến đổi khí hậu cũng không thể bỏ qua vì đây là nguyên nhân gây bất an ngày càng tăng đối với ASEAN và người dân khu vực. Năm trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất trên thế giới về biến đổi khí hậu đều nằm trong ASEAN, vì vậy đây phải là ưu tiên hàng đầu khi lên kế hoạch cho an ninh trong tương lai của các thành viên Hiệp hội.
Tất nhiên, chúng ta cũng phải xem xét các yếu tố địa chiến lược ảnh hưởng đến khu vực và thừa nhận rằng ASEAN có một vai trò quan trọng. Căng thẳng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới và sự bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng đang gây áp lực chưa từng có lên chuỗi giá trị toàn cầu. Cạnh tranh quyền lực cũng sẽ tiếp tục là thách thức đối với các nhà lãnh đạo ASEAN. Vai trò trong tương lai của công nghệ và trí tuệ nhân tạo một mặt mang đến những cơ hội to lớn nhưng mặt khác có thể gây ra sự gián đoạn trên toàn xã hội. Các nhà lãnh đạo ASEAN phải tự tin đối mặt với những thách thức này và đưa ra tầm nhìn để giải quyết chúng, dựa trên các nguyên tắc về vai trò trung tâm và nền tảng ổn định, thịnh vượng của ASEAN.
Tầm nhìn này có thể nhận diện như thế nào? Dưới đây là một số nguyên tắc cần xem xét:
Nguyên tắc luật pháp: Việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982) sẽ là điều cần thiết để giải quyết căng thẳng một cách hòa bình. ASEAN có thể thể hiện vai trò dẫn dắt bằng cách xây dựng tầm nhìn tương lai của mình xung quanh những nền tảng hòa bình và an ninh toàn cầu này.
Chia sẻ trách nhiệm: Các thách thức toàn cầu và khu vực không còn có thể được giải quyết bằng các quốc gia riêng lẻ. Sức mạnh chung của ASEAN cần phát huy để thể hiện trách nhiệm chung nhằm hỗ trợ mỗi thành viên phát triển kinh tế, gắn kết xã hội và an ninh quốc gia.
Nắm bắt công nghệ: Công nghệ gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy giai đoạn tăng trưởng toàn cầu tiếp theo, nhưng nó phải được các chính phủ hiểu và quản lý đúng cách. Điều quan trọng là lợi ích của tiến bộ công nghệ phải được phân bổ một cách công bằng. ASEAN có thể đi đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và hướng dẫn ở diện rộng nhằm khuyến khích đổi mới, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư và công bằng.
Tận dụng sự đa dạng: ASEAN là nơi có nền văn hóa, lịch sử phong phú. Sự giàu có này cần phải được khai thác triệt để bằng cách thúc đẩy sự tôn trọng, kết nối chặt chẽ hơn và hiểu biết lẫn nhau. Đây chính là sức mạnh thực sự thúc đẩy tương lai của ASEAN.
Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam đóng góp cho sự phát triển và thích ứng của ASEAN trong bối cảnh hiện nay?
Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN và cộng đồng quốc tế. Việt Nam được các đối tác quốc tế đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển bền vững, là trung tâm đổi mới sáng tạo và có những đóng góp ý nghĩa cho các vấn đề toàn cầu. Do đó, Việt Nam có vị thế thuận lợi để đưa ra những tầm nhìn mới về tương lai trong các lĩnh vực quan trọng như biến đổi khí hậu, năng lượng, cách mạng công nghệ, duy trì hòa bình và an ninh khu vực. Diễn đàn Tương lai ASEAN là phương tiện lý tưởng để những tầm nhìn này được định hình rõ ràng.
Sẽ còn nhiều việc phải làm để biến tầm nhìn này thành hiện thực và những quyết định tập thể khó khăn phải được đưa ra. Đồng thời, các nguồn lực kinh tế và chính trị cần phải được cam kết và duy trì trong một thời gian dài. Các nhà lãnh đạo phải cùng người dân đi trong hành trình thay đổi này, giúp họ trả lời cho câu hỏi tại sao đó là hành trình mang lại lợi ích. Rõ ràng, cam kết chung của ASEAN trong việc theo đuổi và duy trì tầm nhìn tương lai là cần thiết. TBI rất vui mừng được trở thành một phần trong đó.
Damian Hickey là Giám đốc khu vực Đông Nam Á tại Viện Thay đổi Toàn cầu Tony Blair (TBI). Ông Damian từng là một trong những người đứng đầu đội ngũ tham mưu chính sách cho Phó Thủ tướng Australia và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia. Ông cũng từng là cố vấn chính sách cho Bộ trưởng Thương mại Australia, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao và Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề đảo Thái Bình Dương. Ông Damian từng làm việc tại Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia trong hơn 1 thập kỷ. |