Nhận định trên của ông Igbal Guliyev, phó giám đốc Viện Chính sách Năng lượng và Ngoại giao Quốc tế thuộc trường Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) chia sẻ với Izvestia hôm 29/12.
Đây là bình luận của ông Guliyev khi nhận xét về ấn phẩm của Bloomberg về việc công bố Nga giảm gần một nửa lượng khí đốt xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm vào năm 2022.
Bloomberg cho rằng nguồn cung cấp của Gazprom cho châu Âu, nơi mua nguồn năng lượng lớn nhất của Nga, đã giảm trong vài tháng, bao gồm cả việc một số quốc gia từ chối thanh toán nhiên liệu bằng đồng ruble.
Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm tới. Nhiều khả năng, châu Âu sẽ giảm mua khí đốt từ Nga và tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của nước này.
“Là một phần của xoay trục sang phương Đông, chúng tôi sẽ phát triển cơ sở hạ tầng để tăng nguồn cung cho Trung Quốc và các nước châu Á khác. Theo tôi, vấn đề xuất khẩu khí đốt sang Pakistan và Ấn Độ sẽ được giải quyết chi tiết vào năm 2023. Afghanistan được quan tâm đặc biệt”, ông Guliyev nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Guliyev, việc triển khai một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu khí đốt của Nga và việc tăng mức độ khí hóa sau trong nước sẽ giúp tăng nhu cầu trong nước.
Trước đó, hôm 5/12, lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, được thông qua trong gói trừng phạt thứ 6 mà Liên minh châu Âu (EU) ban bố hồi tháng 6/2022, bắt đầu đi vào hiệu lực. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm giá trần 60 USD/thùng dầu Nga do EU, G7 và Australia áp đặt, có hiệu lực.
Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/12 đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm liên quan cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Theo quy định trong sắc lệnh của Điện Kremlin, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và kéo dài 5 tháng, cho đến ngày 1/7/2023.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nêu rõ, Moscow không có ý định bán dầu mỏ cho những quốc gia ủng hộ biện pháp áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Siluanov cho biết, trong trường hợp nêu trên, Nga có thể hạn chế sản xuất dầu mỏ và sẽ tập trung điều hướng hoạt động này sang các nước khác.
Bình Minh (lược dịch)