Đề tài gai góc, đụng chạm
Năm 2006, bộ phim “Chạy án” được sản xuất lấy ý tưởng từ vụ án Mai Văn Dâu. Mai Văn Dâu vốn là thứ trưởng Bộ Thương Mại (Bộ Công Thương hiện nay), bị truy tố và bắt giam vì tội tham nhũng.
Mọi bi kịch hé lộ lòng tham và những mưu tính của vợ thứ trưởng, sự hư hỏng bất chấp của con trai thứ trưởng, sự nhu nhược của thứ trưởng Cao Đức Cẩm...
Xem thêm: Chuyện đời buồn hoa hậu có chồng thiếu gia, cha quan chức
Khi xem “Chạy án”, khán giả đều cho rằng, kịch bản phim gợi nhắc đến câu chuyện của gia đình ông Mai Văn Dâu, trong đó, con dâu của gia đình cũng là một hoa hậu có tiếng – cô đăng quang ngôi vị Hoa hậu báo Tiền Phong (tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam) năm 2000. Trong thời gian phim lên sóng, tên của hoa hậu còn được tìm đọc, mọi thông tin về hoa hậu “nóng” trở lại.
Bộ phim gây tiếng vang lớn nhưng cũng chịu sức ép từ nhiều phía khi đưa lên màn ảnh nhiều góc tối trong gia đình một quan chức hàng thứ trưởng, đồng thời phơi bày hệ thống tham nhũng, chạy án bài bản từ các cơ quan chức năng.
Đạo diễn Vũ Hồng Sơn đã chia sẻ, vì đụng chạm đến nhiều nội dung nhạy cảm, “Chạy án” từng bị yêu cầu dừng chiếu. Song, đạo diễn – NSƯT Đỗ Thanh Hải đã bảo vệ phim bằng mọi giá và tiếp tục sản xuất phần 2 vào năm 2008.
Làm phim theo phong cách “Ai cũng biết là ai đấy”
Làm phim dựa trên nhân vật, sự việc, đại án có thật rất dễ vướng kiện tụng. Gần nhất, bộ phim điện ảnh “Em và Trịnh” dựa theo cuộc đời, âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, phim đã bị Khánh Ly, Thanh Thúy phản ứng.
Phim về đánh án càng phức tạp hơn khi đụng chạm đến rất nhiều nhân vật, rất nhiều bộ ngành. Tất cả những phim dựa theo hoặc lấy ý tưởng từ đại án có thật đều phải “thay tên đổi họ” cho nhân vật để tránh rắc rối.
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần phân tích, “Làm phim dựa trên nhân vật, câu chuyện có thật, phải đổi tên nhân vật, và làm theo cách: phim nói về ai đó, nhưng không phải họ. Tức là, khi xem phim, ai cũng hiểu nội dung, kịch bản đang nói về ai, câu chuyện nào, nhưng vẫn không phải là họ 100%. Đó là điều rất khó”.
Xem thêm: Bước ngoặt cuộc đời của 2 hoa hậu cùng tên lấy chồng từ thuở đôi mươi
Năm 2011, bộ phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn” ra mắt, được giới thiệu phim dựa trên chuyên án Năm Cam đình đám. Tuy nhiên, các nhân vật giang hồ cộm cán trên phim đều “nói về ai đó nhưng không phải họ”. Diễn viên Hai Nhất thủ vai Bảy Xoài- một trùm giang hồ tàn bạo, khét tiếng, gợi nhắc đến Năm Cam. Kim Phượng với tạo hình khi nhập vai Phượng Đê đều khiến khán giả nghĩ đến trùm giang hồ đất Cảng Dung Hà, nhưng tên trên phim là Phượng Đê.
Năm 2020, bộ phim “Sinh tử” lên sóng, được cho rằng phim lấy ý tưởng từ vụ án Vũ Nhôm (tức Phan Văn Anh Vũ). Đạo diễn Khải Hưng giới thiệu, khi xem phim, khán giả sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng của những ông trùm tham nhũng ngân hàng, trốn đi nước ngoài chạy tội... ầm ĩ dư luận suốt một thời gian.
Khi “Sinh tử” lên sóng, nam chính với cái tên Mai Hồng Vũ (Việt Anh) đủ khiến khán giả giật mình. Phim xoay quanh Mai Hồng Vũ - một doanh nhân có "số má" ở tỉnh Việt Thanh, kết thân với nhiều lãnh đạo tỉnh và các quan chức ở các Bộ, ngành. Mai Hồng Vũ đã tìm cách cấu kết với các quan chức tha hóa ở tỉnh này tạo nên những nhóm lợi ích thao túng quyền lực...
Xem phim, khán giả đều hiểu phim đang gợi nhắc đến vụ án nào, nhưng tất cả tên nhân vật, tên tỉnh thành phố đều đã được thay đổi, giống như các nhà làm phim đang thể hiện sự hư cấu, nhưng mọi sự hư cấu đều dựa trên việc có thật.
Phải thuyết phục được khán giả
Lấy ý tưởng từ các đại án có thật, nhiệm vụ của các nhà làm phim phải “dàn dựng” nên một kịch bản hư cấu chặt chẽ, logic, thuyết phục và hấp dẫn. Vì những vụ đại án khi diễn ra đã xuất hiện đủ mọi thông tin, khán giả đã nắm rất rõ “khung sườn”, mọi tình tiết liên quan đến vụ án.