Cà phê sáng với mấy ông bạn, có ông làm văn hóa, ông xây dựng, tất nhiên có nhà thơ.
Một ông nhắc tới chuyện đang xôn xao trên báo và mạng, chuyện tu sửa Chùa Cầu.
Và phải khẳng định ngay, Hội An quá nổi tiếng, Chùa Cầu quá nổi tiếng nên hầu như ai cũng quan tâm, ai cũng coi nó là... của mình, và ai cũng có thể và có quyền góp ý.
Nên mấy ông đang cà phê với tôi đây họ cũng có quyền có ý kiến, có điều có vẻ ôn hòa hơn một số ý kiến trên mạng.
Ông nghiên cứu văn hóa rỉ rả: Đây là cầu "đón khách phương xa", Lai viễn kiều mà. Được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng từ thế kỷ 17, vì thế nó còn tên là cầu Nhật Bản. Nó đã trải qua nhiều lần tu sửa (đâu như 7 lần), để đến bây giờ, yếu tố Nhật Bản của cầu hầu như không còn, mà chỉ còn yếu tố Trung Hoa và Việt.
Xem thêm: Hội An sẽ điều chỉnh lại màu sơn chùa Cầu để 'đỡ mới'
Ông xây dựng lên tiếng: Họ đang kêu ầm lên là cầu trùng tu xong mới quá, mà không biết là, trước khi cũ, nó phải mới. Còn làm nó... cũ như cũ thì rất dễ, nhưng như thế nào là cũ, hay chính xác là, cũ như thế nào mới đúng.
Bây giờ có ai biết chính xác hồi nó mới được xây dựng ấy, từ hồi thế kỷ 17 ấy, nó chính xác là như thế nào không? Nếu biết thì quá đơn giản. Còn không biết nên mới phải hội thảo, mới phải có hội đồng nghệ thuật vân vân.
Ông nhà thơ chiêu một ngụm cà phê Espresso đặc sánh: Thơ thì cần làm mới, nhưng cầu thì cần... cũ, đời sao mà bất công.
Ông văn hóa điềm tĩnh nhất: Thực ra góp ý thì ai cũng có quyền, nhưng dân mạng ta nhiều khi... nông nổi quá, thấy gì viết nấy rất nhanh lên trang của mình, ngay và luôn. Nên tự nhiên thấy một hôm mở mắt ra lù lù cái Chùa Cầu mới so với mình thấy hôm trước thế là kêu ầm lên. Và nhiều người còn tiếp cận nó trên mạng nữa, qua ba bốn lần sao chép nữa, và cũng kêu ầm lên rằng tại sao không giống cái tôi thấy... hôm qua.
Và nữa, chính quyền giờ có khi lại chạy theo... mạng, theo dư luận trên mạng, nên sự việc nhiều khi nó cứ tít mù lên.
Tôi thì không rành lắm về trùng tu, rồi trùng tu từng phần, trùng tu hạ giải vân vân, nhưng đã rất nhiều lần tới Chùa Cầu, đi qua đi lại, thấy rất rõ sự xuống cấp của nó. Cả xuống cấp chất lượng cầu và cả môi trường xung quanh ô nhiễm, dẫu nó vẫn rất đông khách.
Của đáng tội, tuổi cụ kị rồi còn gì, 400 năm rồi còn gì, nó được như bây giờ là đã quá cố gắng để phục vụ con người rồi, dẫu đã phải 6 lần sửa chữa, trùng tu.
Xem thêm: Chùa Cầu trông như mới sau tu sửa, trung tâm bảo tồn di tích Hội An nói gì?
Nên cái sự năm này, tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An quyết tâm trùng tu hạ giải là một quyết tâm rất thận trọng, rất đúng và rất trách nhiệm.
Và tôi tin những gì tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn viết. Ông này người Huế, thuộc loại thiên kinh vạn quyển. Sau vài "biến cố nhỏ" ông vào Đà Nẵng làm việc. Hôm rồi tôi sang Đài Loan dự một hội thảo văn học, thì cũng gặp ông này đang nghiên cứu bên ấy. Nghiên cứu theo diện được mời, được Đài Loan bao cấp, cả năm trời, thì cũng không phải... dạng vừa đâu.
Ông Sơn viết thế này: "Là người từng công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng ở Huế trong 17 năm; từng tu nghiệp trong ở lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn di tích và quản lý di sản văn hóa ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2004, và đã vài lần đến hiện trường tu bổ Chùa Cầu để tham quan, xem xét trong năm 2023, cũng như quan sát các hình ảnh chụp chi tiết Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu (được báo chí và mạng xã hội đăng tải), tôi khẳng định rằng: đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc và kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn. Không có gì sai hay đáng chê trách như dư luận đã lên tiếng trong mấy ngày qua, khi so sánh hình ảnh Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu cả".
Lại nhớ, ngay Huế cũng vừa trùng tu điện Kiến Trung hết tới 124 tỉ đồng. Lớp chúng tôi họp tại Huế nhân 43 năm ra trường. Chúng tôi học đại học ở Huế, một số là người Huế, một số bạn khác sau 43 năm mới về lại Huế, của đáng tội, khi vào điện Kiến Trung ai cũng... choáng. Choáng vì nó mới quá, sáng quá, nó... khác với tưởng tượng và cả "hiện thực" cách đây mấy năm quá. Nhưng một lúc thì thuận, chả ai thắc mắc gì.
Hôm rồi khai mạc Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 là tại điện Kiến Trung này, và ai cũng thấy nó đúng là... Kiến Trung, một công trình nghệ thuật, một di tích lịch sử quan trọng của Hoàng Thành Huế, nơi 2 vị vua triều Nguyễn từng làm việc là các đức ngài Khải Định và Bảo Đại, cũng là là nơi vua Khải Định băng hà, nơi Hoàng hậu Nam Phương hạ sinh Thái tử Bảo Long vân vân...
Trở lại Chùa Cầu, Hội An, tôi ủng hộ ý kiến này của ông Nguyễn Sự, một người Hội An rất Hội An, người yêu Hội An hơn yêu mình, hiểu Hội An hơn... hiểu vợ (là tôi phịa ra thế, nhưng chắc là phịa đúng), ông nói: "Về nguyên tắc trùng tu Chùa Cầu, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện đã tận dụng tốt cấu kiện còn sử dụng được, tức là tất cả những phần kiến trúc còn có thể sử dụng như gỗ, sàn, lan can... nếu đảm bảo tính nguyên gốc thì đã được giữ lại. Chỉ một số thanh gỗ mục ruỗng mới được thay mới. Đối với những thanh gỗ mới này, đơn vị thi công cần nghiên cứu, xử lý làm sao cho nó tương đồng với màu phần gỗ cũ. Thậm chí, cần phải khắc rõ ngày, tháng, năm lên các thanh gỗ mới để con cháu đời sau biết được là những phần này đã được tu bổ vào thời gian nào…". Ý kiến khắc rõ ngày tháng năm trùng tu lên những thanh gỗ mới, theo tôi là rất chí lí.
Nói thật, ai mà "phá" Chùa Cầu, làm hỏng Chùa Cầu, chỉ sai một chi tiết nhỏ Chùa Cầu..., người đầu tiên lên tiếng, người đầu tiên bảo vệ, người đầu tiên sẽ "làm tới cùng" chính là ông Nguyễn Sự chứ chả phải ai khác.
Nghe tôi nói câu này, tất cả bàn cà phê hể hả giành nhau... trả tiền rồi chia tay...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Văn Công Hùng