Chuyến bay giải cứu: Quan tham hễ thấy hơi tiền thì mê!

28/07/2023 19:11

Một nghĩa cử của đất nước với người xa quê trong nỗi lo dịch bệnh đã bị những quan chức bẩn vì đồng tiền mà quên đi trách nhiệm phục vụ công bộc của dân làm hoen ố.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án 54 bị cáo về 5 nhóm tội danh: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối hộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Còn với đông đảo người dân thì nôm na là Đưa tiền - Nhận tiền và Lộng quyền.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Nắng hạn gặp mưa rào

Còn nhớ, vào tháng 4/2020, Việt Nam đã có những biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 hiệu quả nên quê nhà trở thành vùng đất an toàn trên thế giới, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng được về nước.

Đáp ứng nguyện vọng đó Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cho lập các chuyến bay đưa người Việt ở nước ngoài về nước với hình thức hành khách trả tiền vé, các chi phí khi cách ly tại các cơ sở quân đội do Nhà nước đài thọ.

Sau đó, do nguyện vọng muốn được cách ly tại các khu du lịch nên bắt đầu có các “chuyến bay combo” và người dân chi trả toàn bộ chi phí.

Và, theo Người phát ngôn của Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô: Đã có gần 2.000 chuyến bay giải cứu, khi trừ chi phí có những chuyến có thể thu lợi 2 tỷ đồng...

Chủ trương thành lập cầu hàng không đưa công dân về nước của Đảng, Nhà nước trong khi trong nước cũng đang phải gồng mình chống dịch là hết sức nhân văn và phù hợp với nguyện vọng tha thiết của người Việt Nam ở nước ngoài.

Có thể nói, giữa thực trạng dịch bệnh tàn khốc diễn ra trên toàn thế giới thì tin có cầu hàng không đưa công dân về nước chẳng khác nào nắng hạn gặp mưa rào, người Việt ở nước ngoài vô cùng cảm kích trước nghĩa cử của lãnh đạo quê hương.

Các doanh nghiệp hàng không, du lịch - những đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất trong đại dịch - cũng coi chủ trương này như “đợt mưa rào” làm dịu đi “cơn hạn hán” nỗi lo kinh tế của họ.

Thế nhưng, những ông quan bẩn đã lợi dụng chủ trương nhân đạo để thực hiện tội ác tày đình, nỗi nhục công quyền mà hôm nay họ phải trả giá.

Mưa rào thành mưa đá

Nắm bắt được chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và thấy được cơ may duy trì và vực dậy doanh nghiệp của mình, một số doanh nhân nhạy bén đã muốn chớp thời cơ. Thế nhưng…

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Công ty Minh Ngọc cho biết đã 4 lần nộp hồ sơ lên Văn phòng Chính phủ; bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh - người thành lập Công ty Lữ Hành Việt - cũng cho biết giai đoạn đầu gửi hồ sơ đến Văn phòng Chính phủ và công văn gửi các hãng hàng không xin tiếp tục tổ chức các chuyến bay nhưng đều không được chấp thuận mà không hề biết lý do.

Cửa chính không được thì đi cửa sau, cửa nách. Họ đều tâm niệm trước tiên phải cứu lấy doanh nghiệp của mình, còn các chi phí đã có người về nước chịu. Thế là những cánh cửa sau bỗng thành cửa chính thênh thang khi có đồng tiền làm chất bôi trơn.

Những đồng tiền bẩn được định giá trên đầu người về nước dù cho mỗi một công dân về nước là một số phận - nhiều người rất khó khăn, tủi cực để mang thân đi kiếm sống ở nước ngoài.

Không có “vitamin T” thì hồ sơ cứ nằm đấy, khách của doanh nghiệp cứ chờ đấy… nên nhiều doanh nhân đã đâm lao đành phải cắn răng mà theo lao. Bán nhà để chạy vào canh bạc “giải cứu”, trước Tòa, bị cáo Trần Thị Mai Xa - Giám đốc Công ty Masterlife - uất ức nói:

"Bị cáo phải đi xoay tiền mới được ý kiến đồng thuận cấp phép. Trong khi đó, bị cáo nghĩ rằng sự đồng thuận đó phải là trách nhiệm của các cơ quan, Bộ, ngành. Mà đáng lẽ ra Cục Lãnh sự phải đi giải quyết.

Hôm nay đứng ở đây bị cáo rất giận, giận lắm, giận Cục Lãnh sự lắm. Là cơ quan chủ trì nhưng tại sao lại để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó. Và đến ngày hôm nay là nguyên nhân dẫn đến một loạt các vi phạm của bị cáo với hành vi đưa tiền cho các cán bộ".

Không chỉ bị cáo Mai Xa, bị cáo Lê Hồng Sơn - Tổng giám đốc Công ty Blue Sky - đã đau đớn thốt lên: "Doanh nghiệp của bị cáo là nạn nhân của cơ chế xin cho, văn hóa phong bì".

Còn nếu đọc trên cáo trạng, theo dõi diễn biến tại phiên tòa thì đau đớn thay chuyện phải “Đưa tiền” mới được cấp phép là đáp số chung của các doanh nghiệp tham gia Chuyến bay giải cứu.

Vậy là Cơn mưa rào giữa đợt nắng hạn đã trở thành Trận mưa đá làm doanh nghiệp đã khó lại càng khó, doanh nhân đưa tiền trước đưa tay vào cùm sau. Sai nha đã làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền!

Miếng ngon kề đến tận nơi

Những người thực hiện hành vi Nhận tiền đều là những công chức - nhiều người có địa vị cao, trọng trách lớn - nhưng đều biện bạch không đòi hỏi, không nhận thức được, những khoản tiền tỉ mà họ nhận chỉ là quà cảm ơn, họ nhận vì người đưa là người quen thân, có tình cảm… Và việc làm sai trái của họ chì là… giúp đỡ!

Những ông, bà quan lớn đã nhiều lần nhận tiền bẩn qua một thỏa thuận ngầm không cần nói ra mà hai bên đều hiểu: Có ngay hoặc sẽ có tiền cảm ơn. Còn có những kẻ cấp hàm thấp hơn, sợ bị quỵt thì chủ động vòi vĩnh, đòi tiền trao cháo múc.

Những bị cáo trong vụ án bị truy tố không chỉ nhận tiền trăm, tiền triệu mà là tiền tỷ, thậm chí cả chục tỷ hay nhiều hơn thế nữa. Với một trí óc thông thường, hẳn họ đều biết chẳng thể nào có những món quà cảm ơn bạc tỷ như thế khi không họ sử dụng quyền lực để ban phát lợi ích cho doanh nhân.

Với năng lực khiến họ đạt được cương vị cao như hiện nay lẽ nào họ không biết những đồng tiền bẩn họ nhận thấm đẫm mồ hôi xương máu của đồng bào mình ở cả trong và ngoài nước?

Chính họ, nhờ những quyền lực được Đảng, Nhà nước ủy quyển cho để thực hiện chủ trương đúng đắn, nhân văn đã bị họ lợi dụng để vinh thân phì gia, bất chấp nỗi đau của đồng bào, sự khó khăn của doanh nghiệp.

Đây không phải là phiên tòa đầu tiên, họ cũng không phải là nhóm bị cáo duy nhất trong vụ án đưa và nhận hối lộ nhưng họ làm người dân phẫn nộ nhất là dám lấy tiền khi cả nước đang một lòng chống dịch, rất nhiều y bác sĩ đã quên mình cứu chữa người bệnh, nhiều người dân góp những đồng tiền bé nhỏ để cùng Chính phủ có thêm nguồn lực phòng, chống dịch.

Những hành vi vi phạm pháp luật của họ không thể biện minh bằng bất cứ lời nói nào, lời bào chữa nào bởi những tội lỗi mà họ gây ra không chỉ là những tổn hại tính được bằng vật chất mà cao hơn nữa là lòng tin của nhân dân.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội tại phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội tại phiên tòa.

Mức án mà TAND TP Hà Nội sẽ tuyên chiều nay, dù nghiêm khắc, song chắc chắn chưa phải là hình phạt cao nhất mà họ phải gánh chịu. "Một tòa án lương tâm sẽ phán xét bị cáo trong suốt cuộc đời" - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nói.

Mong bà Lan và các bị cáo khác nhận thức được như thế và nhớ rõ như thế trong phần đời còn lại để sống có nhân cách, phần nào trả được những ác nghiệp mà họ đã gây tạo.

Vụ án cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những công chức biết cách giữ mình và các doanh nhân đừng vì lợi nhuận biến mình thành con thiêu thân trước ngọn lửa của lòng tham.

Kết lại, cũng xin nhắn nhủ từ câu Kiều: “Thân lươn bao quản lấm đầu / Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”.

“Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tuệ Châu

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/chuyen-bay-giai-cuu-quan-tham-he-thay-hoi-tien-thi-me-ar808984.html
Copy Link
https://vtc.vn/chuyen-bay-giai-cuu-quan-tham-he-thay-hoi-tien-thi-me-ar808984.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyến bay giải cứu: Quan tham hễ thấy hơi tiền thì mê!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO