Những tuyển thủ nữ như Huỳnh Như, Hải Yến, Chương Thị Kiều đã chia sẻ về những nỗi lo, khó khăn của bản thân trong quá trình theo nghiệp bóng đá, khi tham dự tọa đàm "Nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam" do báo Nhân Dân tổ chức.
Trung vệ Chương Thị Kiều tiết lộ bản thân cũng có thể coi là "con nhà nòi" khi bố và mẹ đều từng đá bóng, và cô đến với bóng đá chuyên nghiệp như một cái duyên, cũng là để gia đình bớt gánh nặng. Do đó, giờ đây khi đã nổi tiếng, về nhà, Kiều vẫn sẵn sàng xuống sông bắt cá, phụ giúp cha mẹ việc nhà nông.
"Một phần nữa cũng do gia đình ở quê nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, tôi được giới thiệu lên trung tâm TPHCM. Lúc đầu, còn chưa biết bóng đá là gì, lên câu lạc bộ được các cô chú, anh chị chỉ bảo, tình yêu bóng đá ngày càng lớn. Là những cô gái đá bóng, khó khăn nhất với tôi là những lúc bị chấn thương, hiện tại, chấn thương vẫn đang đeo đẳng khiến phong độ thi đấu của tôi không được 100% như mong muốn", Kiều chia sẻ.
Tiền đạo Hải Yến cũng không sinh ra trong gia đình có điều kiện khá giả nên việc theo bóng đá cũng là "để hỗ trợ, giúp gia đình bớt khó khăn, cha mẹ đỡ vất vả". Theo nguyện vọng của Yến, "cuộc đời cầu thủ chỉ một quãng thời gian nhất định, chúng tôi mong muốn sau khi giải nghệ được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sâu hơn theo nghiệp thể thao của mình".
Hải Yến nói thay tiếng lòng của nhiều cầu thủ nữ, mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện để sau giải nghệ vẫn có thể làm công việc chuyên môn bóng đá, phù hợp với năng lực. Điều này sẽ giúp bóng đá nữ vơi bớt trăn trở.
Cựu tiền đạo Ngọc Châm cũng hiểu điều này và chia sẻ: "Sau mười mấy năm thanh xuân gắn bó với bóng đá, sau khi giải nghệ, các em vẫn mong muốn tiếp tục được làm những công việc mọi người đã từng làm, đó là những công việc liên quan đến bóng đá. Có những người được các doanh nghiệp hứa hẹn công việc nhưng thiếu kỹ năng nên không tự tin. Những công việc như trợ lý, huấn luyện viên, giáo viên thể chất vẫn phù hợp với nhiều cựu cầu thủ hơn".
Ngoài ra, cũng có những nữ cầu thủ "máu" kinh doanh và chỉ khổ nhất là bị... giục lấy chồng.
Cái khổ lớn nhất của tôi lúc này là áp lực lấy chồng. Mới đây khi về nhà nghỉ mấy ngày sau SEA Games 31, cô chú, ông bà cha mẹ đều tới hỏi: "Ủa mày nghỉ để lấy chồng chưa hay còn đá nữa? Tôi bảo: "Trời, con còn chưa đi World Cup làm sao lấy chồng". Mọi người vẫn cứ động viên thôi cứ cố gắng. Tôi không tính nhiều đâu, cứ đá bóng đã rồi tính tiếp", Huỳnh Như thật thà chia sẻ trong tràng cười của tất cả.
Đội trưởng của tuyển nữ Việt Nam là người biết lo nghĩ đã sớm tính về sự nghiệp "kinh doanh tay trái". Huỳnh Như tiết lộ có mở cửa hàng bán dừa Trà Vinh vào đầu năm 2021 nhưng "mỗi ngày thức dậy, tôi mong cửa hàng lỗ ít đi".
Với Chương Thị Kiều, giờ trong đầu cô chỉ có 2 chữ: “bóng đá” nhưng sau này trung vệ sinh năm 1995 cũng muốn làm kinh doanh.