Xây Trung tâm đào tạo miễn phí
Tại trung tâm thị xã Cayson Phomvihan, tỉnh Savannakhet (Lào) có một Trung tâm tiếng Việt do thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng từ năm 2005. Trung tâm bao gồm 1 tòa nhà 2 tầng và các phòng thư viện, phòng làm việc của cán bộ, phòng sinh hoạt và phòng ăn, được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị cần thiết để phục vụ công tác dạy và học.
Từ đó đến nay mỗi năm trung tâm đã đào tạo miễn phí cho hàng trăm học viên. Ngoài số lượng giảng viên biên chế của trung tâm, mỗi năm còn có 2 giảng viên được cử từ Việt Nam sang trực tiếp giảng dạy môn tiếng Việt tại trung tâm.
Trung tâm tiếng Việt tỉnh Savannakhet không những đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt của con em Việt kiều nói riêng và người Lào nói chung, mà còn là nơi giao lưu văn hóa giữa thế hệ trẻ hai nước. Thông qua việc học và rèn luyện tiếng Việt, các học viên ở đây sẽ hiểu hơn về hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Từ đó giúp thế hệ trẻ hai nước hiểu biết nhau hơn, thắt chặt hơn quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam.
Thầy cô và học sinh Lào tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Savannakhet. Ảnh: Aling Svt |
Được biết, đến nay Đà Nẵng xây dựng 4 Trung tâm tiếng Việt tại Lào. Trong đó, xây dựng 2 Trung tâm tiếng Việt tại tỉnh Champasak và 1 Trung tâm tiếng Việt tỉnh Savannakhet, 1 Trung tâm tiếng Việt ở tỉnh Salavan.
Bên cạnh Đà Nẵng, Đại học Cửu Long của Việt Nam cũng phối hợp Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, thuộc Bộ Khoa học và Truyền thông Lào, đã xây dựng Trung tâm đào tạo tiếng Việt hữu nghị UCL-IICT tại tại Thủ đô Viêng Chăn.
Cử giáo viên sang dạy tiếng Việt
Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thông báo tuyển giáo viên Việt Nam sang Lào dạy học. Theo đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2023”, mới đây vào tháng 4/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông báo tuyển 22 giáo viên Việt Nam đi dạy tiếng Việt tại Lào.
Ngoài việc đưa giáo viên sang dạy học, Bộ GD&ĐT Việt Nam còn đưa chuyên gia về giáo dục sang giúp Lào biên soạn giáo trình giảng dạy, đào tạo các hệ tại chỗ, tài trợ về tài liệu, sách vở, mở rộng các hình thức đào tạo tại nhiều địa phương ở Lào, góp phần đào tạo và nâng cao trình độ văn hóa con em các bộ tộc vùng sâu, vùng xa của Lào.
Bên cạnh đó, các tỉnh có đường biên giới giáp Lào như Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá… còn cấp học bổng cho các sinh viên Lào sang học tiếng Việt, cử giáo viên sang dạy tiếng Việt tại các trung tâm tiếng Việt… hỗ trợ đoàn cán bộ, giáo viên và học viên của Trung tâm tiếng Việt tại các tỉnh sang thực tập, nghiên cứu thực tế tại các trường của tỉnh…
Thành lập các Trung tâm Việt Nam học
Rộng khoảng 50m2, nằm trong khuôn viên trường Đại học Osaka, Nhật Bản, Trung tâm Việt Nam học là một cơ sở phối hợp nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về dạy tiếng Việt, cung cấp dữ liệu, kiến thức đa chiều về Việt Nam. Trung tâm góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Được biết, Trung tâm Việt Nam học do Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tại Osaka, Nhật Bản đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka ra mắt vào ngày 7/10.
Giáo sư Shimizu Masaky, Trưởng Bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka, Nhật Bản bày tỏ mong muốn tăng cường các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka với một số trường đại học của Việt Nam trong thời gian tới. Hoạt động này nhằm trao đổi sinh viên, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên giữa trường và đối tác Việt Nam trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy và làm việc có thời hạn. Việc hợp tác sẽ đóng vai trò cầu nối để kết nối Hội nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản với các chuyên gia Việt Nam học tại Việt Nam ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn.
Trung tâm Việt Nam học trong trường Đại học Hoàng gia Udon Thani. Ảnh: Mai Xuân Hùng |
Tại Thái Lan, hiện có 2 Trung tâm Việt Nam học trong trường Đại học Hoàng gia Udon Thani tại tỉnh Udon Thani (Đông Bắc Thái Lan) và Trường Cao đẳng Học giả châu Á. Đây là những cơ sở phối hợp nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về Việt Nam, dạy tiếng Việt, cung cấp dữ liệu, kiến thức đa chiều về Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Thái Lan và Việt Nam.
Tại Campuchia, Khoa Việt Nam học tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP) chuẩn bị được thành lập. Khoa Việt Nam học sẽ dành cho sinh viên Campuchia nhận học bổng sang Việt Nam học tập và những học sinh, sinh viên khác muốn học tiếng Việt.
Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/8/2022, có thể coi là đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng. Qua 2 năm thực hiện, Đề án đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự hưởng ứng của kiều bào. Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai các hoạt động đồng bộ, như: tổ chức tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt ở Việt Nam và sở tại cho giáo viên kiều bào; xây dựng Tủ sách tiếng Việt và cung cấp sách phục vụ cộng đồng tại một số địa bàn (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc…); Áo, Pháp, Séc, Hungary, Slovakia, Bỉ, Qatar…); phối hợp xây dựng website dạy tiếng Việt cho NVNONN của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chương trình “Chào Tiếng Việt” và “Dấu ấn Việt Nam” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4)… Cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước phối hợp tích cực với cơ quan đại diện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt như thành lập các Ban tiếng Việt chuyên trách trong hội đoàn; mở mới hoặc mở rộng quy mô các trường, lớp dạy và học tiếng Việt; thành lập “Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài”; tổ chức các hội thảo, tọa đàm… chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy và học tiếng Việt. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) |