Chứng nhân lịch sử từ những dòng nhật ký

Bình An (tổng hợp)| 30/04/2024 21:16

Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho Tổ quốc.

Tháng 4/2005, nhật ký của bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm được sĩ quan quân báo Hoa Kỳ Frederic White Hurst lưu giữ 35 năm đã trao trả cho gia đình. Cuốn nhật ký tràn đầy chất lý tưởng và tình người của người con gái Hà Nội, một liệt sỹ, bác sỹ đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa đầy 28 đã được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng.

437375266_972337033975362_5833381601331746151_n.jpg

Nhưng không phải đến lúc đó, người Việt Nam mới nhận ra rằng những trang viết thấm đẫm tâm tư của người lính, của những chứng nhân chiến tranh mới mang trong mình sức mạnh của những lay động lòng người.

440300912_459334043272350_2601046790056978294_n.jpg

Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng – người dành nhiều tâm huyết sưu tầm, biên soạn, giới thiệu “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, từng nhận xét rằng: “Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn”.

440288398_806065874319939_7393358231787948087_n.jpg

Trong những năm tháng chiến tranh, có thể nói những lá thư, những trang nhật ký đã trở thành vật bất ly thân và gắn bó mật thiết với mỗi người lính; là cầu nối giữa tiền tuyến và hậu phương; là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước nguyện và mong ước hòa bình.

437729481_403141982588358_2414288098827778135_n.jpg

Không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm,” mà còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác như “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sỹ Công an Nhân dân Vũ trang Nguyễn Minh Sơn), những trang viết của các văn nghệ sỹ nổi tiếng: “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sỹ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường” của liệt sỹ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký vượt Trường Sơn” của tiến sỹ Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, tiến sỹ Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn…

437689137_861196925767392_2594682417558673196_n.jpg

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ khoảng hơn 200 hiện vật gốc, trên 1.000 hiện vật dự trữ. Những hiện vật này do cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và gia đình, người thân viết trong chiến tranh. Bao gồm 3 loại chính: Thư từ chiến trường gửi về hậu phương; thư hậu phương gửi ra chiến trường; thư gửi về từ phía bên kia chiến tuyến.

437678886_986101589698049_5855099827029308328_n.jpg

Thư thời chiến được cán bộ, chiến sỹ chiến đấu ở ngoài mặt trận gửi về hậu phương và của người thân ở hậu phương gửi ra tiền tuyến. Mỗi lá thư viết từ chiến trường gửi về hậu phương có bối cảnh, tâm thế, trạng thái riêng, nhưng tất cả đều thể hiện cuộc sống, chiến đấu, tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ thương da diết người thân. Những cánh thư là lời động viên, căn dặn người thân ở hậu phương hãy yên tâm để các anh vững tay súng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

Những trang nhật ký thời chiến đã phản ánh nội tâm sâu thẳm, những điều giản dị, những tâm sự, khát khao, thương nhớ người thân, những phút giây được gặp vợ, gặp con rồi lại chia tay đi chiến đấu.

437608238_2705680342936163_6900732371648972265_n.jpg

Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những bức thư, những dòng nhật ký thời chiến mãi là những chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng cống hiến cho đất nước của cả một thế hệ; tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa cùng tình yêu đất nước, luôn vững tin vào một ngày mai chiến thắng.

437339345_1216702923041644_6530121861859388132_n.jpg

Qua những dòng chữ và trang giấy mỏng manh đã ngả màu thời gian như có lửa, có thép, các thế hệ có thể nhận rõ khí phách Việt Nam – những điều đã làm nên sức mạnh trường tồn của cả dân tộc.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chứng nhân lịch sử từ những dòng nhật ký
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO