Chứng khoán nghẽn lệnh, nhà đầu tư không thể giao dịch

06/03/2024 16:38

Thị trường chứng khoán giảm khá mạnh, hầu hết cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, HPG của tỷ phú Trần Đình Long giảm giá trong phiên giao dịch mà HOSE có hiện tượng chập chờn, mất kết nối với các công ty chứng khoán.

Kết nối với HOSE chập chờn trong ngày thử nghiệm KRX

Sau nhiều ngày tăng giá mạnh và chỉ số VN-Index lên ngưỡng 1.270 điểm, thị trường chứng khoán chịu áp lực bán khá mạnh. VN-Index giằng co trên mức tham chiếu suốt nửa đầu phiên sáng 6/3 và giảm điểm sau đó.

Kết thúc phiên sáng 6/3, VN-Index giảm 6,15 điểm, tương đương gần 0,5%.

Sang phiên chiều 6/3, chỉ số VN-Index giảm mạnh, có lúc mất 13 điểm trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán ghi nhận sự chập chờn và lỗi giao dịch, mất kết nối với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Áp lực bán tăng lên đẩy chỉ số VN-Index về dưới mốc 1.260 điểm khi mà tình trạng chập chờn kéo dài gần nửa tiếng đầu phiên chiều.

Sắc đỏ áp đảo trên diện rộng với đa số các mã giảm giá. Rất nhiều mã trụ cột chuyển từ màu xanh tăng giá sang giảm giá hoặc đi ngang. Nhóm cổ phiếu họ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng chịu áp lực bán mạnh. Nhóm chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, thép... cũng đồng loạt giảm.

Dù vậy, chốt phiên 6/3, sức cầu bắt đáy đã giúp giá cổ phiếu bớt giảm và chỉ số VN-Index chỉ còn giảm 7,25 điểm, xuống 1.262,73 điểm.

Cổ phiếu Vingroup (VIC) đứng giá ở mức 45.300 đồng/cp; Vinhomes (VHM) giảm 550 đồng xuống 43.100 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) giảm 850 đồng xuống 25.850 đồng/cp.

Cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long giảm 350 đồng xuống còn 30.800 đồng/cp.

Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Trong khi đó, Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng cũng giảm 300 đồng xuống 37.100 đồng/cp.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán được duy trì ở mức khá cao, với tổng cộng 29.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên 3 sàn, trong đó có gần 24.900 tỷ đồng trên sàn HOSE (tương đương khoảng 1 tỷ USD).

Việc cổ phiếu đồng loạt giảm giá cũng được nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán cảnh báo từ trước đó sau khi thị trường chứng khoán liên tục tăng mạnh kể từ đầu năm mới. Nhiều mã trụ cột trên sàn như Hòa Phát, Masan (MSN), Chứng khoán SSI… tăng vài chục phần trăm trong một thời gian ngắn.

chungkhoanhh9 ok.jpg
HOSE có nhiều lần gặp sự cố kết nối. Ảnh: HH

Áp lực bán chốt lời là hiện tượng thường thấy sau mỗi đợt thị trường tăng mạnh, nó xảy ra ngay cả khi xu hướng trung và dài hạn là tăng giá (uptrend).

Mức giảm hôm nay có lúc khá mạnh một phần là do hiện tượng chập chờn, mất kết nối ở bảng giao dịch của một số công ty chứng khoán với HOSE.

Một số công ty chứng khoán như TCBS, FPTS, VND, MBS, HCM, SSI... có thông báo về hiện tượng gián đoạn giao dịch tới các nhà đầu tư.

Chờ hệ thống giao dịch KRX để bứt phá

Sự cố xảy ra trong bối cảnh HOSE cuối tuần trước có văn bản gửi các công ty chứng khoán về kế hoạch diễn tập chuyển đổi hệ thống lần 1 của Dự án Công nghệ thông tin KRX. Theo đó, từ ngày 4-8/3, HOSE sẽ chuyển đổi hệ thống.

Theo HOSE, các công ty chứng khoán chuẩn bị hệ thống để chuyển đổi theo lịch trình, thực hiện kiểm tra hệ thống và cutover test (kiểm tra việc chuyển đổi) ngày 7/3. Từ ngày 11-15/3, các công ty chứng khoán sẽ thử nghiệm việc nhập lệnh giao dịch, đảm bảo hoạt động như một ngày giao dịch bình thường. HOSE lưu ý ngày đầu tiên trên hệ thống là 4/3. Dữ liệu cho ngày giao dịch đầu tiên là dữ liệu cuối ngày 1/3.

Sự cố hôm nay dường như không nghiêm trọng và nó diễn ra khi HOSE đang vào giai đoạn nước rút trước khi vận hành hệ thống mới KRX.

KRX là hệ thống công nghệ thông tin do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thiết kế. Hệ thống KRX do HOSE làm chủ đầu tư, được ký kết với KRX vào năm 2012. Tổng đầu tư khoảng 900 tỷ đồng.

Đây là hệ thống đã được kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản tăng vọt, giải quyết được hiện tượng tắc nghẽn như đã xảy trong các năm 2020-2021. Đồng thời, sẽ mang đến một làn gió mới cho thị trường chứng khoán.

KRX được kỳ vọng sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam như mua bán trong ngày, bán chứng khoán trên đường về, bán khống rút ngắn thời gian thanh toán…; tạo tiền đề giải quyết các nút thắt để tiến tới được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi như thanh toán bù trừ trung tâm, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng…

Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá có triển vọng tích cực trong trung và dài hạn. Đây là kênh có thể đón dòng tiền lớn chảy vào trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thấp, kỳ vọng lớn về nâng hạng và chuyển đổi hệ thống giao dịch, trong khi kinh tế thế giới bớt u ám, cổ phiếu công nghệ AI toàn cầu dậy sóng.

Trước đó, từ cuối năm 2020 tới đầu năm 2021 HOSE đã trải qua sự cố nghẽn lệnh kéo dài nhiều tháng khi lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường tăng đột biến. Hàng loạt biện pháp đã được đưa ra như: tăng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ; tạm chuyển một số doanh nghiệp niêm yết từ HOSE sang HNX hay nhiều CTCK đồng thuận hạn chế việc sửa/hủy lệnh.

Tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục xảy ra trong các tháng 5 và 6/2021. Tốc độ tăng thanh khoản nhanh trong khi hệ thống HOSE cũ kỹ, với năng lực xử lý khoảng 900 nghìn lệnh/ngày, thấp hơn mức khoảng 30 triệu của Sàn Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Bộ Tài chính đã lựa chọn FPT xử lý tình trạng quá tải hệ thống tại HOSE. Theo đó, FPT mang phần mềm của hệ thống HNX sang HOSE và chỉnh sửa lại hệ thống giao dịch để phù hợp với HOSE, chỉnh sửa hệ thống tiếp nhận lệnh của HNX theo chuẩn kết nối của các CTCK và tích hợp hệ thống giao dịch mới này vào các hệ thống đang có của HOSE và các hệ thống liên quan như VSD… Hệ thống mới do FPT xây dựng cho HOSE có dung lượng hệ thống tăng lên gấp 3 lần trước đó, đạt từ 3-5 triệu lệnh/ngày.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chung-khoan-nghen-lenh-nha-dau-tu-khong-the-giao-dich-2256743.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/chung-khoan-nghen-lenh-nha-dau-tu-khong-the-giao-dich-2256743.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán nghẽn lệnh, nhà đầu tư không thể giao dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO