Chỉ số Dow Jones tăng 137,89 điểm, tương đương 0,33%, lên 42.313 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 7,2 điểm, tương đương 0,13%, xuống 5.738,17 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 70,7 điểm, tương đương 0,39%, xuống 18.119,59 điểm.
Tuy nhiên, khi tính theo tuần, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng tuần thứ ba liên tiếp.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 8/2024 chỉ tăng 0,1% so với tháng 7/2024, đúng như dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này tăng 2,2% trong tháng 8/2024. Thêm vào đó, chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,2% trong tháng trước. Mức tăng này thấp hơn so với ước tính 0,3%, nhưng cho thấy nền kinh tế vẫn duy trì được động lực trong quý III/2024.
Các thị trường đang nhận định Fed chắc chắn sẽ hạ lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11 tới. Xác suất Fed hạ lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản hiện lên tới 56,7% sau khi số liệu lạm phát được công bố.
Fed đã khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ mới nhất vào ngày 18/9 với việc hạ lãi suất 50 điểm cơ bản.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ lên điểm gần như trong cả tuần qua. Chỉ số S&P 500 chốt phiên 26/9 cũng lập kỷ lục, sau khi nhà sản xuất chip Micron Technology đưa ra dự báo lợi nhuận lạc quan. Trong phiên trước đó vào ngày 24/9, thị trường chứng khoán Mỹ đã tiếp tục đà tăng và lập đỉnh mới, khi các nhà đầu tư lạc quan về gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc.
Chỉ số S&P 500 tăng 1,6% kể từ đầu tháng 9/2024. Trong khi đó, số liệu của FactSet cho thấy, khi chỉ còn một ngày giao dịch trong tháng Chín này, chỉ số S&P 500 đang trên đà tăng lần đầu tiên trong tháng 9 kể từ năm 2019.
Ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng của CFRA Research tại New York, cho rằng giới đầu tư vẫn đang giữ thái độ thận trọng, chờ xem liệu "hạ cánh mềm" có phải là kết quả khả dĩ nhất cho kinh tế Mỹ hay không.