Chủ tịch nước Tô Lâm: "Sống thân thiện tại sao phải có súng?"

Hoài Thu| 24/05/2024 17:42

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo nhiều nước khi sang Việt Nam cảm thấy rất an toàn, họ có thể đi bất kỳ đâu mà không lo bị khủng bố, đe dọa.

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Dự thảo luật bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt, sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Luật cũng quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.

Chủ tịch nước Tô Lâm: Sống thân thiện tại sao phải có súng? - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy (Ảnh: Hồng Phong).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy băn khoăn khi dao là đồ vật hết sức phổ biến trong sản xuất, sinh hoạt đời sống, chỉ khi dao được sử dụng để gây thương tích mới coi là vũ khí.

"Người ta sản xuất 1.000 con dao, ta có quản lý việc này để bắt khai báo không? Hoặc nếu dao do cơ sở sản xuất ra mà bị sử dụng làm vũ khí, cơ sở này có phải chịu trách nhiệm không?", nữ đại biểu đặt vấn đề.

Theo bà, đây là băn khoăn lớn, nếu không giải quyết sẽ gây hệ lụy lớn vì cả nước có đến 12 làng nghề sản xuất dao, chưa kể cơ sở công nghiệp với 12.300 cơ sở doanh nghiệp, hộ kinh doanh và 22.000 người tham gia.

"Đây là số lượng rất lớn, nếu ta bắt thực hiện quy định khai báo như quy định dự thảo, khối lượng công việc hành chính cho các cơ quan phải thực hiện là rất lớn, tạo thêm các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp phải thực hiện, hao tốn kinh phí xã hội, trong khi tôi thấy chưa chứng minh được sự cần thiết, hiệu quả của quy định này", bà Thủy nêu quan điểm.

Theo bà, nếu dao dùng làm vũ khí, hung khí để gây nguy hiểm, giết người, hoàn toàn có thể xử lý về mặt hình sự.

Với trường hợp nhóm côn đồ cầm dao, kiếm mà chưa có cơ chế xử lý, bà Thủy góp ý cần đi từ gốc của vấn đề, để ngăn trường hợp dùng dao để gây rối thì nên quy định những khu vực nào, địa bàn nào không được mang dao.

"Nếu chúng ta cấm chung như thế này, quy định dao là vũ khí theo cách hiểu rộng sẽ chưa tính được hết ảnh hưởng, chi phí đối với người dân khi dùng dao như công cụ thiết yếu và cơ sở sản xuất", bà Thủy nói.

Chủ tịch nước Tô Lâm trong phần phát biểu tại tổ đã lý giải rõ hơn về quy định này.

Theo Chủ tịch nước, Việt Nam khác nhiều nước vì chúng ta là xã hội an toàn, không có súng, vũ khí và những công cụ đe dọa an toàn cho bất kỳ người dân nào.

Trong khi đó, ở các nước được sử dụng súng và vì thế xảy ra rất nhiều việc.

Chủ tịch nước Tô Lâm: Sống thân thiện tại sao phải có súng? - 2

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 24/5 (Ảnh: Hồng Phong).

"Bây giờ nhiều nước cũng đang nghiên cứu về xã hội hòa bình. Sống thân thiện tại sao phải có súng, tại sao phải cảnh giác lẫn nhau, phòng thủ lẫn nhau? Cái đó là cái tiến bộ rất lớn của chúng ta", Chủ tịch nước chia sẻ.

Theo Chủ tịch nước, lãnh đạo nhiều nước khi sang Việt Nam đều cảm thấy rất an toàn, họ có thể đi bất cứ đâu mà không lo bị khủng bố hay đe dọa, cả khách du lịch quốc tế cũng như vậy.

Nhưng thực tế, có những lúc cũng hình thành băng này, nhóm kia đe dọa lẫn nhau thì bằng cách sử dụng dao - đó là cái chưa quản lý được do chưa đưa vào danh mục.

"Hiện nay, các vụ đâm chém nhau tỷ lệ lớn là dùng dao, trong khi chúng ta chưa đưa vào những thiết chế quản lý theo luật nên việc xử lý rất khó", Chủ tịch nước chia sẻ thực tế.

Thừa nhận dao có ý nghĩa phục vụ đời sống dân sinh, hoạt động bình thường, song Chủ tịch nước lưu ý có trường hợp đi hàng chục người mang theo dao, mã tấu để trong cốp xe. Như vậy không thể nói "tôi đi phục vụ sản xuất".

Ông khẳng định những việc đó cần nghiêm cấm sử dụng, kể cả lưu giữ.

Lưu ý cần có cách thức quản lý, Chủ tịch nước cho rằng chúng ta đang xây dựng một xã hội an toàn, mà một xã hội an toàn sẽ không có những chuyện đó.

Thực tế, Chủ tịch nước cho rằng do có tính sát thương rất lớn, có thể làm chết người nên phải đưa vào quản lý.

"Mục tiêu là xây dựng xã hội lành mạnh, không có những thứ khác lạ như vậy. Quy định trong luật pháp và công khai, tất cả mọi người đồng tình và làm theo", Chủ tịch nước cho rằng quy định bổ sung như trong dự thảo luật là một bước hoàn thiện rất tốt.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-nuoc-to-lam-song-than-thien-tai-sao-phai-co-sung-20240524145929315.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-nuoc-to-lam-song-than-thien-tai-sao-phai-co-sung-20240524145929315.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước Tô Lâm: "Sống thân thiện tại sao phải có súng?"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO