Chốt phương án sáp nhập 33 huyện và 1.300 xã

Hoài Thu| 12/07/2023 17:52

Phương án sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2030 cùng cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất. Đến 2025 sẽ có 33 huyện và 1.300 xã buộc phải sáp nhập.

Chiều 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều, quy định cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp; kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách với người dôi dư sau sáp nhập…

Tăng cường hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cho người dân

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhằm nhiều mục tiêu như giảm đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức, bộ máy; tinh giản biên chế, giảm chi tiêu ngân sách...

Tuy nhiên, mục tiêu hướng đến là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chốt phương án sáp nhập 33 huyện và 1.300 xã - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Phạm Thắng).

Dẫn số liệu cho thấy có đơn vị hành chính diện tích rất lớn nhưng dân số ít như ở các tỉnh miền núi, hoặc có đơn vị hành chính diện tích nhỏ nhưng dân số rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng nhiều mặt nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý và khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận, lấy ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ban hành.

Theo nghị quyết vừa thông qua, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm những nơi có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030, sáp nhập huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Theo số liệu báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1.300 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

Ngân sách chi 1.300 tỷ đồng hỗ trợ sáp nhập huyện, xã

Nghị quyết nêu rõ huyện, xã sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, trừ trường hợp nhập từ 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên.

Về số lượng lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức sau khi sáp nhập huyện, xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu chậm nhất 5 năm kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định.

Chốt phương án sáp nhập 33 huyện và 1.300 xã - 2

Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

"Trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

UBND cấp tỉnh sẽ quyết định danh mục, số lượng vị trí việc làm và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Nghị quyết cũng cho phép bảo lưu chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo với người tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới 6 tháng thì được bảo lưu tròn 6 tháng. Sau khi hết thời hạn được bảo lưu, lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, hoặc hưởng chế độ, chính sách cho người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.

Về kinh phí thực hiện, Nghị quyết nêu rõ sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm. Ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm.

Với mức hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/ xã, ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần khoảng hơn 1.300 tỷ đồng. Số tiền này để địa phương sử dụng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chot-phuong-an-sap-nhap-33-huyen-va-1300-xa-20230712151622004.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chot-phuong-an-sap-nhap-33-huyen-va-1300-xa-20230712151622004.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chốt phương án sáp nhập 33 huyện và 1.300 xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO