Chống sét cho Hòn Vọng Phu nổi tiếng xứ Thanh

Trần Lê| 11/01/2024 14:35

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo triển khai thực hiện dự án chống sét cho di tích Hòn Vọng Phu, tại núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được công văn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về Dự án chống sét cho thắng cảnh Hòn Vọng Phu.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chỉ đạo giao UBND thành phố Thanh Hóa căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, ý kiến của Bộ VH-TT&DL để hoàn thiện hồ sơ Dự án chống sét cho di tích Hòn Vọng Phu, triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định.

Chống sét cho Hòn Vọng Phu nổi tiếng xứ Thanh - 1

Vết sạt lở tại Hòn Vọng Phu do bị sét đánh (Ảnh: Hoàng Thủy).

Sở VH-TT&DL tỉnh này được giao căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, ý kiến của Bộ VH-TT&DL và theo chức năng nhiệm vụ, khẩn trương hướng dẫn UBND thành phố Thanh Hóa tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Dự án chống sét cho di tích Hòn Vọng Phu và triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Đồng thời, giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện để UBND thành phố Thanh Hóa thực hiện và hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất, theo đúng quy định, bảo đảm chống sét, giữ an toàn cho di tích và khu vực lân cận.

Trước đó, vào năm 2022, trong một đợt mưa lớn, sấm sét đã gây sạt lở di tích Hòn Vọng Phu ở hai vị trí: Phía tây, gần đỉnh hòn Vọng Phu bị sạt lở khối đá có kích thước 1x3m; phía đông bị sạt lở khối đá có kích thước 2,5x3m. Các khối đá bị sạt lở đang nằm ngay tại chân hòn Vọng Phu.

Tại hội thảo khoa học được thực hiện sau đó, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã thảo luận, phân tích về thực trạng địa hình, địa chất khu vực và di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu; làm rõ nguyên nhân sạt lở và thống nhất giải pháp, phương án khắc phục, chống sạt lở tại khu vực di tích trước mắt cũng như lâu dài.

Theo kiến nghị tại hội thảo, UBND thành phố Thanh Hóa cần lập biển báo khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở và tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân và khách tham quan. Phân vùng, sử dụng lưới thép, hàng rào để hạn chế tác động của hiện tượng đá lăn, đá đổ quanh khu vực núi An Hoạch, đảm bảo an toàn và thẩm mỹ cho khu vực này.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Thanh Hóa cần sớm triển khai thực hiện quy hoạch hoặc lập, điều chỉnh lại quy hoạch, dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch để trình cấp có thẩm quyền khôi phục lại di tích.

Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cũng đề nghị thành phố Thanh Hóa và các đơn vị liên quan cần thực hiện ngay việc tháo dỡ, dọn dẹp các công trình đã xây dựng trái phép trong khu vực Hòn Vọng Phu. Đồng thời, sớm lập dự án chống sét tại di tích này.

Hòn Vọng Phu là một ngọn núi đá vôi khổng lồ, đứng thẳng, bên cạnh là một khối đá khác nhỏ hơn. Hai khối đá này nhìn từ xa trông giống hình tượng người mẹ hóa đá đang bồng con, mong chờ người chồng trong vô vọng.

Di tích Hòn Vọng Phu nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (còn gọi là núi Nhồi), được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1992.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chong-set-cho-hon-vong-phu-noi-tieng-xu-thanh-20240111130844138.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chong-set-cho-hon-vong-phu-noi-tieng-xu-thanh-20240111130844138.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chống sét cho Hòn Vọng Phu nổi tiếng xứ Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO