'Chóng mặt' vì lương 30 triệu đồng, chi phí nuôi con hết 1/3

26/05/2023 13:32

Chưa có nhiều kinh nghiệm tài chính, tiêu quá tay với những khoản không cần thiết sau khi sinh con, nhiều cặp vợ chồng trẻ chật vật để xoay xở, thậm chí vỡ kế hoạch tài chính.

Chi phí nuôi con là một trong những vấn đề khiến nhiều cặp vợ chồng đau đầu. Ảnh minh họa: Thành Đông.

"Sữa mẹ chưa về, hai vợ chồng vội mua sữa công thức cho con, nhưng không hợp đành bỏ, tốn tiền triệu".

"Sau sinh một tuần, mẹ bị hậu sản, xe cấp cứu đến tận nhà, khoản tiền nằm viện tốn kha khá nhưng trước đó hai vợ chồng chưa tính tới".

"Sau khi có con, chi tiêu của gia đình khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Trong khi trước đó tốn khoảng 15-20 triệu đồng".

Hoàng Minh - Khánh Hà, cha mẹ của bé Bánh Dày (gần 1 tuổi), gia đình hiện sống ở TP.HCM, chia sẻ về những khoản chi phí tốn kém khi nuôi con. Cả hai cũng thừa nhận họ có thu nhập khá, sẵn sàng dành tiền để sắm cho con những thứ tốt nhất, nhưng cũng có những khoản ngoài kế hoạch mà trước khi sinh chưa tính tới.

"Chóng cả mặt" là cảm giác của vợ chồng Ngọc Huyền (cùng sinh năm 1999, sinh sống ở Đồng Nai) vì những khoản tiền cần chi trong việc nuôi con. Mỗi tháng, gia đình tốn trung bình 5 triệu đồng cho bé Tú Uyên, hiện 5 tháng tuổi.

"Ban đầu, hai vợ chồng lạc quan, bảo nhau ông bà có 5-7, thậm chí 10 con, chẳng lẽ mình 1 đứa không nuôi được. Nhưng đúng là có em bé rồi mới hiểu. Đợt mới sinh, hai đứa chưa có kinh nghiệm cân đối chi tiêu, dùng ‘âm’ cả tiền, khá chật vật”

Tiền dặm sữa ngoài hết khoảng 500.000 đồng, chi phí tiêm phòng hơn 2 triệu đồng, tiền tã bỉm khoảng 1 triệu đồng, các loại vitamin 500.000 đồng, chưa kể tiền mua quần áo, đồ chơi hay thuốc thang khi con ốm.

Giống vợ chồng Khánh Hà, Ngọc Huyền, trong bối cảnh mức sống ngày càng cao, nhiều cặp vợ chồng thừa nhận số tiền bỏ ra để nuôi con cũng cần tương xứng, nhất là khi muốn cho con có sự hỗ trợ tốt nhất để phát triển.

Đặc biệt với những cặp vợ chồng trẻ, mới có con, việc cân đối chi tiêu sao cho hợp lý khi đón thêm thành viên mới không hề dễ dàng. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình, môi trường sống, một em bé 0-2 tuổi có thể tiêu tốn 5-10 triệu đồng/tháng khiến cha mẹ dễ rơi vào khủng hoảng tài chính nếu không có sự phân bổ hợp lý.

'Chóng mặt' vì chi phí nuôi con

Thu nhập của chồng Huyền khoảng 17-18 triệu đồng/tháng. Bản thân Huyền ở nhà nội trợ kể từ khi mang thai vì sức khỏe kém.

Một trong các khoản khá tốn kém là chăm sóc sức khỏe cho bé Tú Uyên. Đây là món tiền đôi vợ chồng trẻ không thể giảm bớt.

chi phi nuoi con anh 1
Vợ chồng Huyền bất ngờ khi nuôi con tốn kém hơn dự tính.

Ví dụ, riêng tiêm phòng, cả hai quyết định tiêm dịch vụ cho con. “Ngoài ra, bé nhà tôi cũng hay có đờm ở cổ nên trung bình mỗi tuần cần đi hút đờm, rửa mũi 1 lần hết 70.000-100.000 đồng”, Huyền chia sẻ.

Bà mẹ trẻ Bích Thủy (Hà Nội) cũng phải đối mặt nhiều áp lực tài chính khi nuôi con, đau đầu nhất là viện phí khi con ốm.

Suốt 2 năm qua, Thủy không nhớ nổi số lần con phải vào viện thăm khám.

“Một năm trước, con bị rò lỗ nhĩ, phải can thiệp phẫu thuật với chi phí 40 triệu đồng - gấp 3 lần tổng thu nhập của vợ chồng tôi. May có ông bà nội ngoại hỗ trợ phần lớn chi phí để con được phẫu thuật”, Thủy kể.

Trước khi sinh, vợ chồng Thủy không có kỹ năng quản lý tài chính, tiền tiết kiệm không đáng kể. Việc con ốm, nằm viện đã bào mòn khoản tích lũy của gia đình.

Trong khi đó, vợ chồng Trần Thu (sinh năm 1995, Ninh Bình) có tổng thu nhập 30 triệu đồng mỗi tháng song tiền chăm con cũng ngốn khoảng 1/3 con số này.

“Tôi luôn lên kế hoạch cho mọi khoản chi, không mua sắm nếu cảm thấy không cần thiết. Dẫu vậy từ lúc làm mẹ, chi phí nuôi con vẫn làm tôi choáng ngợp”, cô chia sẻ.

Bà mẹ lựa chọn bỉm, sữa cẩn thận vì cho rằng các sản phẩm này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con, ngốn 5-7 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng dễ tính, ăn uống sao cũng được nhưng con theo chuẩn phương pháp ăn dặm của Nhật Bản, tức phải tìm các nguyên liệu hữu cơ, gia vị dành riêng cho trẻ.

"Tôi muốn con có hệ tiêu hóa, miễn dịch được chăm sóc cẩn thận để tránh các bệnh vặt sau này", cô giải thích.

chi phi nuoi con anh 2
Thu luôn lựa chọn cẩn thận đồ dùng, ăn uống cho con.

Các thiết bị hỗ trợ nuôi con cũng được Thu mạnh tay đầu tư. Mới đây, cô thay mới chiếc máy giặt gia đình để yên tâm giặt đồ cho con.

“Thiết bị chăm con, bảo hiểm sức khỏe, chương trình tiêm chủng… là các khoản cần chi nhiều tiền. Ngay lúc sinh con, tôi đã bỏ ra 80-90 triệu đồng để mua sắm các thiết bị và dịch vụ này”.

Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho việc sinh nở và nuôi con chưa được thống kê cụ thể.

Còn theo nghiên cứu mới nhất của viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Hàn Quốc là nơi có chi phí nuôi con tốn kém nhất thế giới, khi số tiền nuôi dạy một đứa trẻ từ khi sơ sinh đến 18 tuổi cao gấp 7,79 lần mức thu nhập bình quân đầu người.

Cao thứ 2 là Trung Quốc, gấp 6,9 lần. Tại quốc gia tỷ dân, cần hơn 75.000 USD để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến khi 18 tuổi và thêm 22.000 USD cho việc học đại học. Con số này cao gấp đôi các nước như Đức, Australia, Pháp với chi phí lần lượt gấp 3,64; 2,08 và 2,24 lần thu nhập bình quân đầu người, theo Korea Times.

chi phi nuoi con anh 3
Chi phí nuôi con, đặc biệt là phần chăm sóc sức khỏe, là một khoản lớn khiến các gia đình đau đầu.

Vỡ kế hoạch tài chính

Nguyễn Nhi (sinh năm 1996, Hà Nội) tự đánh giá bản thân là người có ý thức quản lý tài chính.

Trước khi sinh con, cặp vợ chồng đã tiết kiệm đủ 100 triệu đồng nhằm trang trải các khoản phí cho em bé suốt 6 tháng đầu tiên. Song trên thực tế, số tiền này chỉ đủ để chi trả tiền đi đẻ, gói tiêm phòng và những đồ dùng cần thiết.

Hàng tháng, vợ chồng Nhi ước tính bỏ ra khoảng 8-10 triệu đồng riêng tiền nuôi con. Ngoài tiền bảo hiểm sức khỏe và chi phí tiêm phòng đã được thanh toán từ khi con mới sinh, khoản chi lớn nhất là sữa. Riêng tiền sữa công thức cho bé đã chiếm khoảng 3-4 triệu đồng/tháng.

Với Nhi, chi phí nuôi con chiếm khoảng 25% thu nhập của gia đình. Sau khi trừ đi các khoản sinh hoạt, ăn uống… vợ chồng cô vẫn tiết kiệm được 15 triệu đồng mỗi tháng.

chi phi nuoi con anh 4
Nhi và chồng quyết định gác lại sở thích cá nhân để ưu tiên việc nuôi con.

Để đạt được mục tiêu này, cả hai đã phải cắt giảm hoàn toàn các khoản chi cá nhân. Chẳng hạn trước đây, hai vợ chồng thường xuyên đi du lịch, có khi mỗi tháng một lần nhưng hiện tại chấp nhận gác lại sở thích để đảm bảo cho con một cuộc sống đầy đủ.

Bà mẹ trẻ cũng hạn chế chi tiêu, cân nhắc các khoản chi không cần thiết như quần áo, đồ chơi cho con…

“Từ ngày sinh con, tôi luôn ưu tiên việc tích lũy, tiết kiệm hàng tháng”, Nhi nêu quan điểm.

Trong khi đó, dù thừa nhận việc nuôi con tốn kém, Ngọc Huyền khẳng định khi đã xác định có con, những khoản nào cần thiết, đáng chi, vợ chồng cô sẽ không ngại bỏ tiền dù phải xoay xở để con có sự chăm sóc tốt nhất.

“Cũng may tôi có sữa nhiều, bé cũng chịu bú mẹ nên đỡ được một phần tiền này. Với nhiều món khác, nhiều lúc tôi cũng muốn giảm bớt lại nhưng thấy con thương quá nên cũng ráng”.

Còn với Trần Huyền Trang (sinh năm 1993, Hà Nội), cô vẫn luôn cảm thấy áp lực khi đứng trước bài toán tài chính gia đình.

Trước khi có con, Trang duy trì kế hoạch tiết kiệm khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, kể từ ngày có em bé, cô gần như không có các khoản tích lũy hàng tháng hoặc chỉ có một khoản không đáng kể.

“Lần đầu làm mẹ, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn đồ cho con. Trước sinh, tôi đã mua hơn 40 bộ quần áo cho em bé. Tuy nhiên, chưa kịp mặc hết 20 bộ thì con đã tăng cân và không thể mặc thêm được nữa”, Trang kể.

Bà mẹ trẻ nhận định nuôi con ở thành phố tốn kém, nếu chưa có kinh nghiệm rất dễ lạm chi. Hiện, chồng Trang là lao động chính trong nhà.

“Do nguồn thu nhập không ổn định nên chúng tôi chi tiêu theo mức độ ưu tiên. Những việc cần làm trước thì chi trước, còn lại sẽ tiết kiệm. Vì vậy, có những tháng dư ra, cũng có tháng không tiết kiệm được đồng nào”, Trang chia sẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Chóng mặt' vì lương 30 triệu đồng, chi phí nuôi con hết 1/3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO