Chong đèn thâu đêm chăm hoa đón Tết

14/12/2022 10:22

Nông dân Nghệ An chong đèn để cây “không ngủ”, nở hoa đúng vụ, kịp bán dịp Tết Nguyên đán 2023.

Tại những cánh đồng hoa trên địa bàn huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu,... từ hơn 2 tháng nay, nông dân đã tiến hành làm đất, xuống giống để kịp phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2023.

Với những người trồng hoa, Tết Nguyên đán là vụ mùa quan trọng và được mọi người trông đợi nhất trong năm. Để có vụ mùa bội thu, bà con nông dân hăng say làm việc không quản ngày đêm, nhổ cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh,...

Bên cạnh những biện pháp canh tác kể trên, chong đèn nuôi hoa là một trong những kỹ thuật quan trọng được nông dân áp dụng phổ biến, giúp cây hoa sinh trưởng, phát triển như mong muốn.

Sau khi xuống giống khoảng 5-7 ngày, người dân bắt đầu chong đèn nuôi hoa

Kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa Tết (cúc, ly, hồng), chị Trần Thị Vân (SN 1970, trú xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc), cho biết, năm nay thời tiết mưa nhiều, hoa thường xuyên bị nấm và sâu bệnh nên chậm phát triển.

Theo chị Vân, hoa cúc là giống cây ngắn ngày, rất nhanh có hoa. Nếu chỉ dựa vào thời tiết tự nhiên, cây sẽ không đủ ánh sáng để đạt độ cao thích hợp trước khi ra hoa.

“Hơn một tháng nay, gia đình tái sử dụng hệ thống điện thắp sáng thâu đêm. Việc chong đèn với mục đích để cây hoa cúc ‘không ngủ’, biến đêm thành ngày, kiểm soát thời gian thu hoạch. Ngoài ra, việc này còn giúp cây có thể đạt độ cao từ 60-80cm, sau đó tắt đèn để cây ra nụ”, chị Vân chia sẻ.

Những hộ dân trồng hoa tại đây cho biết, hệ thống chiếu sáng cho ruộng hoa được lắp đặt với mật độ cách nhau từ 1-2m.

Độ cao treo bóng điện là 1,5m tính từ mặt lá. Tuỳ vào điều kiện kinh tế của từng hộ mà lựa chọn các loại bóng điện có công suất khác nhau, phổ biến nhất vẫn là bóng đèn từ 15-20W.

Ruộng hoa cúc lung linh giữa đêm tối
Việc chong đèn nhằm kích độ cao của cây hoa cúc lên

“Các bóng đèn được thắp sáng từ 18h hôm trước đến khoảng 5h sáng hôm sau, kéo dài liên tục 30-45 ngày. Đèn chủ yếu thắp trong giai đoạn cây con, khi xuống giống tầm 5-7 ngày”, anh Võ Văn Sỹ (SN 1975, trú xã Nghi Hoa, Nghi Lộc) cho hay.

Ngoài việc chong đèn, bà con nông dân cũng chú trọng đến việc điều chỉnh quá trình ra lá, phát chồi. Nếu hoa có biểu hiện nở muộn hơn so với thời gian dự kiến thì phun thuốc để kích thích quá trình nở.

Mỗi khi đêm xuống, bóng đèn điện được đồng loạt được thắp sáng. Những ruộng hoa bỗng trở nên nổi bật giữa đêm tối, tạo cho người nhìn cảm giác thích thú trước khung cảnh lung linh, rực rỡ.

Nghề trồng hoa mang tính thời vụ, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, bà con nông dân thường ăn, ngủ cùng hoa, kỳ vọng hoa nở đúng vụ, bán giá cao để đón cái Tết ấm no, đủ đầy.

Thông tin từ Phòng NN-PTNN huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn huyện luôn duy trì khoảng 5,76ha hoa Tết, tập trung chủ yếu ở các xã Nghi Trung, Nghi Long và Nghi Hoa. Bà con thường chọn những vùng đất cao, ít ngập úng để canh tác. Theo những người có nhiều kinh nghiệm trồng hoa Tết, để trồng và thu hoạch đúng vụ, cần áp dụng chế độ chăm sóc khoa học.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chong đèn thâu đêm chăm hoa đón Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO