Một bảng điểm đẹp như "siêu nhân" với điểm số gần như toàn 10 của một học sinh trung học cơ sở (THCS) vừa được đăng tải trên một diễn đàn giáo dục khiến nhiều người sửng sốt.
Theo một số chuyên gia, bảng điểm có thể là "hàng giả" nhưng có thể thật bởi vài ba năm trở lại đây, việc xuất hiện các bảng điểm ấn tượng "toàn 10" như trên đây không hiếm.
Điều các chuyên gia băn khoăn, có những học sinh "cày bừa" để đạt bảng điểm "siêu nhân" trên đây nhưng nếu một lớp mà tràn lan bảng điểm thế này, ắt phải xem xét lại.
Anh Ngọc Anh, phụ huynh một học sinh ở Hà Nội cho biết, việc các trường chạy đua theo điểm số, làm đẹp học bạ vì các cuộc thi cử, chắc chắn ngày càng nảy sinh các bảng điểm như trên.
Chị Ngọc Lan cũng than thở, nhìn bảng điểm thế này, không riêng bố mẹ mà học sinh, thầy cô cũng áp lực.
Chia sẻ với PV Dân trí, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Hà Nội) cho rằng, điểm số không có tội.
Điểm cao tròn trịa là thành quả của sự nỗ lực đi kèm có khả năng. Nhưng điểm thấp không có nghĩa là con trẻ chưa nỗ lực.
Thực tế điểm số là thành quả nhưng nó bị biến dạng để trở nên là cái gì đó cao quá, to tát quá cho sự thành công của một con trẻ.
Từ đó thầy cô, nhà trường chạy theo thành tích tất cả học sinh. Nhà trường phải giúp thầy cô gặt hái thành công trong nghiệp giáo mà không cần biết đứa trẻ nào có khả năng, đứa trẻ nào không thể.
Được biết trong một buổi hội thảo mới đây, một giáo sư cho rằng, danh sách học sinh thi vào cấp 2 Amsterdam đều có bảng điểm 5 năm tiểu học gần như toàn 10.
Ngày xưa ông học rất giỏi nhưng cũng không thể làm được như vậy và chính việc thi cử còn áp lực như hiện nay, việc học sẽ vẫn tiếp tục bị đẩy lên như thế.
Trả lời PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho hay, trên thực tế, có thể có học sinh cực kỳ xuất sắc sẽ có bảng điểm như trên. Tất nhiên những học sinh này thuộc loại "hàng quý, hiếm".
Thế nhưng nếu ở một lớp, một trường mà có nhiều học sinh có kết quả học tập như thế là hiện tượng cần phải xem xét.
"Điểm số không những có được từ áp lực học, trí thông minh, sự nỗ lực trong học tập, phương pháp học…, mà còn phụ thuộc vào quan điểm và cách đánh giá của thầy cô nữa", ông Ngai nói.
Về điều này, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho rằng, khi nhà trường chạy theo thành tích học sinh thì cha mẹ chạy theo sự kỳ vọng của con cái, để gia đình phải tự hào và nở mày nở mặt với các bố mẹ khác.
"Tất cả dồn vào vai con trẻ. Những đứa trẻ có khả năng thì cứ phải cao mãi, cao mãi không hồi kết với tham vọng của cả thầy cô, cha mẹ.
Còn đứa những trẻ không có khả năng thì cứ mải miết chạy thục mạng, chạy hụt hơi, leo mãi, leo mãi đến kiệt sức cũng chẳng thể khiến thầy cô hay cha mẹ nhìn lại", chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nói.