Đường lên đỉnh trời tít tắp cheo leo khiến bao lữ khách mải mê, đắm say.
Chúng tôi trở lại với hương sắc vùng cao, miền non xanh nước biếc Cao Bằng khi những cơn dông đầu Hạ hun hút thổi tràn qua thung lũng Đồng Mu, để ghé thăm miền biên viễn núi núi - non non trùng điệp đã tạo nên những cung đường đèo quanh co, hiểm trở nhưng tuyệt đẹp, khiến tâm hồn bao lãng khách phải ngẩn ngơ – ngơ ngẩn.
Hùng vĩ thác Bản Giốc nơi địa đầu Tổ quốc.
Hồ Thang Hen mênh mang thơ mộng.
Khu di tích Pác Pó với núi Các Mác - suối Lê Nin trong xanh màu ngọc bích.
Cảnh xưa người cũ mới đó chưa tới chục năm mà đã đổi thay nhiều. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên quyến rũ cùng với các danh thắng quen thuộc như Bản Giốc, hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, Pác Pó…, nay lại rộ lên nhiều điểm đến mới lạ hấp dẫn khiến bao lãng khách phải mê say: Mắt thần núi Nà Ma, vườn Quốc Gia Phia Oắc - Phia Đén, rừng trúc Nguyên Bình, thác Bản Sầm, thác Nặm Ngùa, hang Ngườm Pục, Làng đá cổ Khuổi Ky, Hồ Bản Viết...
Kì bí động Ngườm Ngao cùng những thạch nhũ hàng thiên niên kỷ.
Mắt thần núi Thủng Nà Ma, điểm đến mới lạ, hấp dẫn mới khoảng độ 5 năm trở lại đây. Một nơi mà giới ưa xê dịch thường rỉ tai nhau nhất định phải ghé đến.
Xuất phát sớm từ trung tâm thành phố Cao Bằng, bình minh lên đỏ lựng cả núi đồi, rực rỡ sắc màu của mái ngói ươm màu đỏ thắm, tường gạch, hàng cây. Cả thành phố chuyển màu đêm sang ngày trong sắc màu ma mị, từ tím thẩm chuyển dần sang đỏ, cam, vàng thấp thoáng ẩn hiện trong mù sương trông vô cùng tuyệt sắc, khiến du khách như lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh.
Thường thì dân ưa xê dịch đã quá quen thuộc với tứ đại đèo: Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pí Lèng, Pha Đin; hành trình trở lại khám phá Hương sắc Cao Bằng lần này, anh em chúng tôi tiếp tục chinh phục 4 con đèo thuộc Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng với đèo Mã Phục, Mẻ Pia, Khau Cốc Chà (Trà) và vua đèo Nà Tềnh với 20 khúc cua tay áo ngoạn mục.
Đèo Mã Phục dài 3,5km, cao khoảng 700m so với mực nước biển, uốn lượn qua 7 tầng dốc.
Từ TP Cao Bằng đến Mắt thần núi Thủng – Nà Ma phải băng qua đèo Mã Phục. Con đèo thuộc xóm Cao Xuyên, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, là ranh giới giữa hai huyện Hòa An và Trà Lĩnh, cách trung tâm thành phố 22 km. Sở dĩ con đèo này có tên gọi là Mã Phục vì ở đèo này có hai tảng đá lớn nhìn vào nhau tựa như hai con ngựa đang phủ phục.
Con đèo còn gắn với truyền thuyết vị thủ lĩnh tài giỏi miền sơn cước Nùng Chí Cao, người dân tộc Tày đã lãnh đạo nhân dân dẹp tan quân Tống xâm lựơc, trả lại sự bình yên cho bờ cõi vùng núi phía Bắc. Khi về đến đỉnh dốc cao dựng đứng, ngựa của chàng đã dừng lại và ngã khụyu xuống vì kiệt sức. Chính hình ảnh con ngựa nằm phục xuống ấy (mã phục) đã toát lên được sự hùng vĩ và hiểm trở của con đèo.
Khau Cốc Chà thuộc cung Đông Bắc khi khách lãng du ghé đến miền sơn cước của vùng núi non trùng điệp Cao Bằng.
Tiếp đến, điểm nhấn trong hành trình đáng nói lần này chính là con đèo hùng vĩ 15 tầng dích dắc, với những khúc cua muốn lật bánh đã hấp dẫn bao tay lái lụa tìm về chinh phục.
Trong tiếng dân tộc Tày thì Khau có nghĩa là đèo, Cốc Chà là tên của một bản người Tày ở đỉnh đèo, cũng là tên 1 loại cây mọc rất nhiều ở khu vực này. Đèo Mẻ Pia đi qua bản Cốc Chà từ đó được lấy tên là Khau Cốc Chà.
Cung đường xuyên qua các bản làng thơ mộng, quanh co ruộng lúa nương đẹp như tranh vẽ.
Nếp nhà sàn của bà con dân tộc vùng cao thấp thoáng ẩn hiện bên hàng tre, khóm trúc mơn man.
Khung cảnh làng quê mộc mạc níu chân bao lữ khách.
Đứng trên đỉnh núi Pác Thốc, nhìn toàn cảnh đèo Khau Cốc Chà và thung lũng Đồng Mu ở trung tâm xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng mới hiểu vì sao những năm gần đây, dân du lịch bụi luôn lựa chọn Bảo Lạc làm điểm dừng chân thay vì những thị trấn lớn xung quanh.
Cực phấn khích khi cưỡi xe máy trên cung đường ngoằn ngoèo với những khúc cua khó tin.
Thiên Di, nữ phượt thủ được khá nhiều thành viên trên các hội nhóm biết đến chia sẻ: "Đối với những người chủ nghĩa dịch chuyển như bọn em thì đây là một trong những cung đường phải thường xuyên trở lại mỗi khi có dịp; nhất khi mà tứ đại đèo trở nên quá nhàm và nguy hiểm vì ngày càng đông xe.
Ngoài ra, đây cũng là cung đường từ nơi địa đầu Tổ quốc – Cao nguyên đá Đồng Văn về Cao Bằng mà bọn em thường qua lại trong hành trình chinh phục vòng cung Đông Bắc. Cung đường chạy dọc theo QL4C, khi thì tách xa, lúc hợp lại sát bên dòng Nho Quế xanh trong màu ngọc trước khi xáp vào QL34 bên sông Gâm quanh co, uốn lượn suốt quãng đường".
Đèo Khau Cốc Chà của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng khởi công từ 2009 – khánh thành đưa vào sử dụng vào năm 2011.
Vàng A Chữ, người con dân tộc Mông tại xã Xuân Trường phấn khởi nói: “Cách đây chưa khoảng chục năm, những người con xứ bản muốn vượt cung đèo này lên đỉnh trời Mẻ Pia chỉ có phương tiện duy nhất là ngựa. Những chú ngựa thồ gồng lưng vượt qua con dốc khủng 15 tầng ngày ấy giờ đây dần được thay thế bởi phương tiện cơ giới thuận tiện, nhanh chóng hơn xưa”,
Mới đây, vào đầu tháng 7/2023, tỉnh đã triển khai làm lại cung đường này sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng với kinh phí khoảng 39 tỉ để nâng cấp, duy tu và sửa chữa. Dự kiến thời gian hoàn thành công trình vào cuối năm 2023. Các bạn đam mê dịch chuyển, chinh phục những cung đèo nên tránh thời gian này để đảm bảo an toàn và đỡ vất vả, Vàng A Chữ nhắn gửi.
Từ Khau Cốc Chà đi thêm một đoạn tới đỉnh Mẻ Pia để đi tiếp qua miền đá Hà Giang.
Theo tiếng Tày, Nà Tềnh nghĩa là ruộng cao, con đèo 20 tầng đẹp và hiểm trở, giáp ranh giữa xã Cần Nông huyện Hà Quảng và xã Xuân Trường huyện Bảo Lạc, sát gần khu vực biên giới.
Cuối cùng là “Vua đèo” Nà Tềnh thuộc xã Cần Nông, huyện Hà Quảng, nằm trên QL4A cùng trên cùng trục đường và cách đèo Khau Cốc Chà khoảng 18km, nhưng quanh co và dài hơn. Qua đỉnh đèo một chút là vào đến địa phận huyện Bảo Lạc. Trước đây, đường rất xấu và vô cùng khó đi, nay đã được sửa chữa, đi lại thuận tiện hơn.
Nếu như đèo Khau Cốc Chà khiến các phượt thủ choáng váng bởi các con dốc đứng 15 tầng như những bậc thang bắc lên tầng trời, thì đèo Nà Tềnh lại như một dải lụa mềm với 20 khúc cua uốn lượn xuyên qua các bản làng, giữa những thửa ruộng bậc thang xăm xắp mùa đổ nước, xếp lấp loáng như những vãy cá chồng lên nhau, tạo nên bức tranh non nước hữu tình.
Nà Tềnh được các phượt thủ xướng tên “Vua đèo” vì đường đi hiểm trở với 20 đoạn cua gập, khúc khuỷu đầy thử thách.
Theo anh Hoàng Chí Bảo, một tour guide thổ địa xứ này cho hay, nếu đi từ TP Cao Bằng sang Hà Giang theo đường này sẽ ngắn hơn khoảng 21km so với đi đường QL34. Khung cảnh lại càng diễm lệ, trên đèo rất đẹp.
Thường thì các phượt thủ xe máy đi từ Cao Bằng sang Hà Giang và ngược lại, thích đi con đường có các cung nèo nối tiếp quanh co này để thử tài lái lụa. Tuy nhiên vào mùa giông gió này, mọi người nhớ xem thời tiết vì mưa to có thể xảy ra sạt lở, trơn trượt nguy hiểm, Guide Bảo dặn dò.