Điều 17 Thông tư 39/2024/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1, quy định về chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ như sau:
- Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
- Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe và không lớn hơn 20m.
- Ô tô chở người không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe và không được xếp hàng hóa, hành lý trên nóc xe (trừ trường hợp có thiết kế được cơ quan đăng kiểm chứng nhận) để đảm bảo an toàn giao thông.
Như vậy, việc xếp hành lý trên nóc ô tô chở người là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt nếu gặp lực lượng chức năng.
Về việc xử phạt, Điều 34 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt khổ giới hạn của xe hoặc của đường bộ ghi trong giấy phép lưu hành; chở hàng vượt quá kích thước giới hạn xếp hàng hóa của xe tham gia giao thông; hoặc điều khiển xe có kích thước bao ngoài vượt quá kích thước giới hạn cho phép của xe theo quy định (trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng).
Để tránh bị phạt lỗi chở hàng vượt quá khổ giới hạn của xe, khi về quê ăn Tết hoặc đi du xuân đông người, các gia đình nên bố trí sắp xếp hành lý gọn trong cốp xe. Trong trường hợp hành lý vượt quá sức chứa của cốp sau thì tài xế nên cân nhắc đóng thùng những đồ ít dùng hoặc không thiết yếu để gửi các đơn vị vận tải chuyên nghiệp đi trước, hoặc để chở đi sau.