Chi tiết Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ

Phương Anh| 16/02/2022 21:21

Mỹ vừa công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dài 19 trang tái khẳng định mục tiêu thúc đẩy một 'khu vực tự do và rộng mở', cũng như củng cố vị thế lâu dài của Mỹ trong khu vực...

Chi tiết Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ
Chiến lược mới chỉ rõ 5 mục tiêu của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: White House)

Chiến lược nêu rõ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đạt được những bước tiến lịch sử nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời điều chỉnh vai trò của mình cho phù hợp với thế kỷ XXI.

Chiến lược này đề ra tầm nhìn của ông Biden nhằm củng cố vững chắc hơn vị trí của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cũng tăng cường sức mạnh cho cả khu vực trong quá trình đó. Trọng tâm chính của Chiến lược là sự hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác, cũng như các thể chế cả trong và ngoài khu vực.

Theo đó, Mỹ theo đuổi 5 mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tự do và rộng mở

Chiến lược nêu rõ, những lợi ích sống còn của Mỹ cũng như lợi ích của các đối tác thân cận nhất đòi hỏi phải có một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở; và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở đòi hỏi việc các chính phủ có thể phải đưa ra lựa chọn của riêng cho mình, đồng thời các khu vực chung được quản lý phù hợp theo luật pháp.

"Chiến lược của chúng tôi bắt đầu bằng việc tăng cường khả năng chống chịu, cả trong từng quốc gia, giống như chúng tôi đã làm ở Mỹ, cũng như giữa các quốc gia với nhau".

Các biện pháp cụ thể được Chính phủ Mỹ đề ra gồm: Đầu tư vào các thể chế dân chủ, báo chí tự do và một xã hội dân sự năng động; Cải thiện minh bạch tài khóa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm phơi bày tham nhũng và thúc đẩy cải cách; Đảm bảo các vùng biển và bầu trời của khu vực được quản lý và sử dụng dựa theo luật pháp quốc tế; Thúc đẩy các phương pháp tiếp cận chung đối với các công nghệ then chốt và mới nổi, internet và không gian mạng.

Kết nối

Theo Chính phủ Mỹ, một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở chỉ có thể đạt được nếu xây dựng được năng lực tập thể cho một kỷ nguyên mới. Các liên minh, tổ chức và quy tắc mà Mỹ cùng các đối tác đã góp phần xây dựng cần được điều chỉnh.

Theo đó, Mỹ xác định các nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng năng lực tập thể cả trong và ngoài khu vực, bao gồm: Tăng cường năm liên minh hiệp ước trong khu vực với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và các quốc đảo ở Thái Bình Dương; đóng góp cho một ASEAN ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất.

Ngoài ra, Mỹ hướng đến tăng cường nhóm Bộ tứ và thực hiện các cam kết của Nhóm; ủng hộ sự tiếp tục trỗi dậy cũng như vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong khu vực; phối hợp để tăng cường khả năng chống chịu cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương; tạo dựng kết nối giữa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với khu vực châu Âu-Đại Tây Dương; mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á và các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Thịnh vượng

Chiến lược mới của Mỹ nêu rõ, sự thịnh vượng hàng ngày của người Mỹ gắn liền với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thực tế đó đòi hỏi cần có các khoản đầu tư nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế, tạo ra việc làm có thu nhập cao, xây dựng lại các chuỗi cung ứng, đồng thời mở rộng cơ hội kinh tế cho các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu: 1,5 tỷ người ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu trong thập kỷ này.

Cụ thể, Mỹ sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thông qua các nỗ lực.

Thứ nhất là đề xuất một khuôn khổ kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, khuôn khổ này có thể xây dựng những cách tiếp cận mới đối với thương mại, đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường; quản lý nền kinh tế kỹ thuật số của chúng ta cũng như các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới theo các nguyên tắc mở, bao gồm thông qua một khuôn khổ mới cho phát triển kinh tế số; thúc đẩy các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu và an toàn, đa dạng, cởi mở và dễ dự báo; xúc tiến đầu tư chung vào kinh tế phi các-bon và năng lượng sạch.

Thứ hai là thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đặc biệt trong năm 2023 khi Mỹ sẽ là chủ nhà của APEC.

Thứ ba là thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng trong khu vực thông qua sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn cùng với các đối tác trong nhóm G7.

An ninh

Theo Chiến lược mới, Mỹ sẽ tăng cường an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sử dụng tất cả các công cụ sức mạnh để ngăn chặn hành vi gây hấn, chống lại những hành vi cưỡng ép.

Các mục tiêu cụ thể của Washington được nêu rõ: Tăng cường khả năng răn đe tổng hợp; thắt chặt hợp tác và tăng cường khả năng phối hợp cùng với các đồng minh và đối tác; duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan (Trung Quốc); đổi mới để tác nghiệp hiệu quả trong môi trường mới với mối đe dọa thay đổi nhanh chóng, bao gồm không gian, không gian mạng, cũng như các lĩnh vực công nghệ then chốt và mới nổi.

Bên cạnh đó, Mỹ hướng đến tăng cường khả năng răn đe và phối hợp mở rộng với các nước đồng minh, gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; tiếp tục thực hiện các mục tiêu của AUKUS; mở rộng sự hiện diện của Tuần duyên Mỹ cũng như hợp tác chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia khác; vận động Nghị viện để tài trợ cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương và Sáng kiến an ninh biển.

Có sức chống chịu

Nhận thức được rằng, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải đối mặt với những thách thức xuyên quốc gia to lớn như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, khan hiếm tài nguyên, xung đột nội bộ, cũng như những thách thức trong quản trị, Mỹ cam kết tăng cường khả năng chống chịu của khu vực đối với các mối đe dọa xuyên quốc gia trong thế kỷ XXI.

Theo đó, Mỹ nỗ lực hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm xây dựng các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và chính sách tới năm 2030 và 2050, nhất quán với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C; giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của khu vực trước những tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường; chấm dứt đại dịch Covid-19, đồng thời củng cố an ninh y tế toàn cầu.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chi tiết Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO