Chất Nam bộ trong “Đất rừng phương Nam”

10/05/2023 14:01

Văn học Nam bộ giai đoạn 1934-1975 đã để lại cho độc giả những ấn tượng rất đậm đà. Các nhà văn Nam bộ chính là kho tư liệu sống về con người, văn hóa, địa lý, lịch sử của vùng đất phương Nam trong đó có nhà văn Đoàn Giỏi với tác phẩm nổi tiếng “Đất rừng phương Nam”.



Nhà văn Đoàn Giỏi sinh ngày 17-5-1925 tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông từng theo học tại Trường Mỹ thuật Gia Định trong những năm 1939-1940. Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, đến năm 1955 ông chuyển sang sáng tác và biên tập sách báo, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông mất ngày 2-4-1989 tại TP.HCM vì bệnh ung thư. Ngoài bút danh Đoàn Giỏi, ông còn có các bút danh khác: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.

1. Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” đã dựng lên bức tranh đời sống xã hội Nam bộ đương thời, trong đó diễn ra hàng loạt hoạt động của nhân vật, với nghệ thuật thể hiện bao gồm bố cục, xây dựng nhân vật và cả về ngôn từ. Truyện có kết cấu chương hồi kiểu truyền thống, không gian, thời gian rạch ròi, nhân vật thiện ác, trắng đen tách bạch và bộc lộ qua hành động, hình dáng, ngôn ngữ, thể hiện một cách viết dễ đọc, dễ hiểu phù hợp với độc giả trẻ tuổi. Biến tấu của Đoàn Giỏi mang tính hiện đại, đó là cách tiếp cận thời gian tâm lý, cách trộn lẫn các thi pháp sử thi, phản gián. Nếu theo truyền thống thì truyện phải kể từ Mỹ Tho, quê An, hay ít ra cũng phải từ ngày tản cư, chạy giặc. Nhưng tác giả đã mở đầu bằng lần lưu lạc thứ ba, sau khi An lạc cha mẹ và đoàn thuyền quân lương. Quê hương chỉ sống lại thiết tha trong hồi tưởng khi An lâm vào cảnh bơ vơ. Mặt khác, tác giả muốn tạo lực hút ngay từ dòng đầu, với cảnh chợ đêm Chắc Băng, có nhiều sản vật kỳ lạ (ba ba, khỉ, rắn…), có đám mãi võ Sơn Đông, với quán nhậu Tư Béo có khách ra vào như một sân khấu thời sự. Chính ở đây, An đã gặp những con người vừa tiêu biểu cho thời thế vừa gắn bó với đoạn đời lưu lạc của em: một bác Ba Ngù suốt ngày ở trần, áo vắt vai ngồi ở rìa quán rượu, vậy mà khi đứng trước tấm biểu ngữ “Tổ quốc hay là chết!” thì trịnh trọng mặc áo, cài cúc tay mân mê vuốt thẳng đường tà... Cũng chính ở đây, An đã phát hiện vợ chồng Tư Mắm trong vai khách thương hồ là gián điệp, là quân do thám. Đây chính là ngón chơi nhiều thi pháp, nó đã tạo cho mạch truyện một tiết tấu nhanh, mạnh, dồn dập với nhiều uẩn khúc, khiến bạn đọc khó lòng hờ hững.

Về sau, khi An đã có chỗ nương tựa, nhiều đoạn vẫn tạo ra những tình huống bất ngờ, nhưng nói chung mạch truyện đã dãn ra có phần êm xuôi như những trang du ký với các chương: Đi câu rắn, Đi lấy mật, Rừng cháy, Phường săn cá sấu, Qua Stróc Miên, Sân chim… Vậy mà bạn đọc vẫn thích thú. Đoàn Giỏi nói về nghề nuôi ong lấy mật, không có ở đâu gác kèo (một cành tràm có nhiều nhánh) rủ rê ong làm tổ như ở rừng U Minh. Đó là những mẩu chuyện có thật, sinh động xen lẫn những huyền thoại có xuất xứ hẳn hoi.

dat-rung-phuong-nam.jpg

2. “Đất rừng phương Nam” thể hiện vốn sống phong phú của tác giả, làm người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: ba ba to bằng cái nia, kỳ đà lớn hơn chiếc thuyền tam bản, cá sấu phải có 12 trai tráng lực lưỡng mới khiêng nổi. Theo con mắt rất thi sĩ của nhà văn, ta không thể không cảm thấy ngây ngất trước vẻ đẹp rừng U Minh dưới ánh mặt trời vàng óng: những cây tràm vỏ trắng vươn thẳng lên trời, chẳng khác gì những cây nến khổng lồ, đầu lá rủ phất phơ như những đầu lá liễu bạt ngàn…

Cùng với thiên nhiên được Đoàn Giỏi vẽ lên bằng những màu sắc sinh động, tràn trề sức sống là những con người Nam bộ với những nét sắc sảo lạ lùng. Nhà văn không kể nhiều, đôi khi chỉ vài ba nét: những lời nói ngọt nhạt, đãi bôi, thớ lợ, cái túi tiền thâm đen, căng phồng nhờn mỡ của dì Tư Béo; cái áo vắt vai và những câu đối thoại ngật ngưỡng, hài hước, dở tỉnh, dở say của lão Ba Ngù. Chúng tôi muốn nói kỹ hơn hai nhân vật được ông khắc họa kỹ lưỡng nhất: ông Hai bắt rắn và chú Võ Tòng. Hai người đều không có đất, quanh năm ở đợ, làm thuê cho địa chủ, bị chúng cướp công, cướp người yêu, cướp vợ, họ đã đánh trả và bị tù, chỗ khác nhau là ông Hai bắt rắn đã trốn tù, đón vợ rồi bỏ vào rừng U Minh. Một con thuyền nhỏ, hai vợ chồng, thằng con trai và con chó Luốc đi lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề: câu rắn, lấy mật, săn cá sấu… Gương mặt ông khoáng đạt rất dễ mến, làn da mặt người trẻ, chỉ ở đôi khóe mắt và trên vầng trán cao là có xếp mấy đường ngăn… đôi mắt to, sáng quắc, núp dưới cặp chân mày rậm đen. Mấy nét thôi, nhưng hiện ra cái vẻ phóng khoáng, tự tin của một đời sống tự do và từng trải. Còn chú Võ Tòng gây án, chú tự đến “nhà việc” nộp mình. Mãn hạn tù chú trở về thì con chết, vợ trở thành vợ nhỏ của chủ đất. Mọi người chờ đợi một cuộc trả thù đẫm máu, nhưng không, Võ Tòng ngửa mặt cười lớn rồi vào rừng làm nghề săn bẫy thú. Một mình chú đã tự tay giết 20 con hổ.

Đấy là những chuyện người đời truyền tụng, thật ra, chú tên là gì, quê ở đâu cũng không rõ. Võ Tòng là tên mà mọi người gọi chú từ một sự tích trong truyện Tàu. Tuy nhiên “danh bất hư truyền”, bởi nó còn đâu đó trên gương mặt: hai hố mắt chú sâu hoắm, và từ trong đáy hố sâu thẳm đó, một cặp tròng mắt trắng dã, long qua, long lại sắc như dao. Mái tóc hung hung như bờm ngựa phủ dài xuống gáy… Chỗ gò má bên phải, năm cái sẹo dài sả từ thái dương vắt xuống cổ như dấu móng cọp cào… Chuyện bác Hai và chú kết bạn rồi cùng nhau đánh giặc phảng phất màu huyền thoại. Bác Hai bắt rắn là chuyện thực, Võ Tòng là chuyện vừa thực vừa ảo. Chỗ này nhà văn Đoàn Giỏi lại làm một ngón trộn nữa: trộn cổ điển phương Tây và cổ điển phương Đông - loại tiểu thuyết Tàu vốn rất phổ biến ở Nam bộ; đất cũng như người, phương Nam mới khai phá, đất hoang, rừng rậm, chim trời cá nước mênh mông, làm sao người nông dân lại chịu cảnh như anh Pha, chị Dậu… Họ có nhiều tự do hơn, trước kẻ thù họ chống trả quyết liệt, với bạn bè giai cấp họ gắn bó thủy chung, họ hào hiệp phóng khoáng kiểu Lương Sơn Bạc.

tieu_thuyet_dat_rung_phuong_nam_p1_18341805012022.jpg

3. Về ngôn ngữ người trần thuật, ở “Đất rừng phương Nam”, nhân vật “tôi” chính là người dẫn truyện, vì thế khi tìm hiểu ngôn ngữ nhân vật “tôi” chính là tìm hiểu ngôn ngữ dẫn truyện. Ngôn ngữ dẫn truyện trong “Đất rừng phương Nam” mang những đặc trưng đầy đủ về phương ngữ Nam bộ ở cả các bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và cả phong cách diễn đạt. Có những đoạn rất hay, biểu hiện cho lối “văn nói Nam bộ”, lối văn chương gồm những câu ngắn gọn, có nhiều từ ngữ Nam bộ trong giao tiếp bằng lời được thể thành văn viết: “Bọn con nít từ khắp các ngõ ngách, từ trong các chỗ tối, từ dưới thuyền dưới xuồng chèo lên, ba chân bốn cẳng reo hò chạy về chỗ đám hát rong. Tự nhiên hai chân tôi cũng ngứa ngáy muốn tuôn theo…” (Đoàn Giỏi, 1998, tr.6); hay: “Tôi lại ba chân bốn cẳng nhắm mắt nhắm mũi lao về phía tiếng ồn ào đang có một sức cuốn hút không cưỡng được” (Đoàn Giỏi, 1998, tr.9). “Ba chân bốn cẳng”, “ngứa ngáy muốn tuôn theo”, “nhắm mắt nhắm mũi” đi vào trang văn của Đoàn Giỏi thật tự nhiên, gần gũi như cách nói của người dân Nam bộ.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) tìm hiểu các tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi tại một ngày hội sách

Cách gọi “mụ” thể hiện rõ sắc thái tình cảm của tác giả đối với những hạng người sống thiếu trách nhiệm trong lúc đất nước loạn lạc vì chiến tranh: “Nhiều con mụ đàn bà mặc áo lụa trắng rô-dê, che dù đầm, núng na núng nính rén bước đi lên chợ, mắt cứ ngó xuống chân dép xăng - đan, sợ bùn đất vấy gấu quần. Tiền bạc đựng nứt ví, nhưng mua gì cũng chê ỏng chê ẹo, trả giá rẻ mạt” (Đoàn Giỏi, 1998, tr.15). Thay vì nói “thêu”, nói “ô”, tác giả dùng “rô-dê”, “dù đầm” cùng với những từ “ngó”, “vấy”, “nứt ví”, “chê ỏng chê ẹo” đầy mỉa mai. Theo Đoàn Giỏi (1998), cách gọi “mụ” là cách dùng phổ biến của người dân miền Nam khi nói về người khác có ý không tôn trọng, như khi An tả vợ Tư Mắm: “Mụ vợ tên lái buôn cau mắt nhìn hắn một cái, từ hai trong con ngươi phát ra những tia sáng quắc, nhọn như những mũi kim” (tr.38)... để khắc họa chân dung của vợ Tư Mắm một cách sâu sắc. Bên cạnh đó, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật “tôi” cũng đầy cá tính Nam bộ. Nhân vật “tôi” - An trong tác phẩm là một cậu bé vốn xuất thân từ thành thị nhưng cuộc đời run rủi, em đã lưu lạc khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Những tháng ngày ấy dạy cho em nhiều điều hay, em đã thực sự hòa nhập với vùng đất và con người của miền sông nước với hành động, ngôn ngữ rất Nam bộ. Ngôn ngữ đối thoại giữa An và Cò rất thú vị, thể hiện đúng tính cách, đặc điểm của những cậu bé Nam bộ.

4. Ngôn ngữ nhân vật đậm chất Nam bộ cũng là một nét rất đặc sắc trong “Đất rừng phương Nam”. Theo đó, ngôn ngữ của mỗi nhân vật đã tự làm toát lên tính cách vốn có của họ. Đó chính là lời của ông Hai - một con người Nam bộ cương trực, chín chắn, điềm đạm: “Ai bảo mày lội vô đây? Rồi tao bảo cho má mày biết để bả giần cho mày một trận. Thôi, bước xuống cái vũng bên phía bên trái ấy rửa mình ngay đi. Y như thằng mò bùn bắt cá cạn” (tr.253)... “Chú Tư! Chú có thể tin rằng nó là một thằng bé thông minh và can đảm... Nếu như các anh có bảo ban điều gì mà nó không nghe thì xin chú cứ kỷ luật sắt giùm nó cho tôi” (Đoàn Giỏi, 1998, tr.264). Những lời của ông: “giần cho mày một trận”, “mò bùn bắt cá cạn”... thật dân dã và chất phác như chính con người của ông vậy. Cách nói của ông Hai mang nét đặc trưng riêng của người dân Nam bộ. Đó là việc hay sử dụng những thành ngữ, quán ngữ… trong cách nói, cách diễn đạt của mình. Chú Huỳnh Tấn, không phải là người miền Nam nhưng chú đã hòa nhập vào người dân nơi đây một cách thân thiện, gần gũi: “Từ sáng đến giờ, hai anh em thay nhau chèo một mạch, chẳng có hột cơm bỏ bụng, ăn bữa bún ngon quá. Ước chừng còn một rá nữa, chúng tới cũng ních hết” (tr.27). Ngôn ngữ của anh Sáu tuyên truyền cũng rất gần gũi với nhân dân, lão Ba Ngù hay nói huyên thuyên, luôn say sưa nhưng lại hiểu đạo lý làm người… Ngôn ngữ nhân vật trong truyện là ngôn ngữ thường nhật của người dân Nam bộ, thể hiện được tính cách và tâm lý ứng xử của người Nam bộ. Các nhân vật trong truyện nói riêng và trong hầu hết các tác phẩm của Đoàn Giỏi nói chung đều có cá tính tốt, xấu rõ ràng, bày tỏ thái độ yêu, ghét rõ ràng, thể hiện thái độ căm thù, khinh bỉ của người Việt Nam đối với bọn xâm lược.

Nguyễn Ngọc Phú
(Khoa Sư phạm ngữ văn, Trường ĐH Đồng Tháp)

Bài liên quan
  • Kỳ bí chuyện thờ thần cọp ở vùng đất phương Nam
    Những chuyện tâm linh, thờ cúng thần cọp ở vùng đất phương Nam ngay từ buổi đầu khai phá đã có rất nhiều. Và cũng có các giai thoại kỳ bí về những 'ông Cọp' biết sống có nghĩa và cứu người, nên được dân làng tôn thờ như thần linh.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chất Nam bộ trong “Đất rừng phương Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO