Tốt nghiệp chương trình kỹ sư chuyên ngành cơ điện tử loại xuất sắc tại Úc, Lê Long Thịnh (SN 2000, TP.HCM) được nhiều người đánh giá là một trong những gương mặt trẻ đầy tiềm năng trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất robot. Chàng trai Việt thành công chinh phục nhiều giải thưởng tại lĩnh vực này khi còn là sinh viên.
Vun đắp đam mê từ những mảnh đồ chơi lắp ghép
Ngày còn nhỏ, mỗi lần đến nhà sách cùng ba, Long Thịnh lại bị thu hút bởi những món đồ chơi lắp ráp động cơ có bánh răng, có thể tuỳ ý sắp xếp theo ý mỗi người. Món đồ chơi ấy kích thích sự sáng tạo của cậu học sinh tiểu học, hàng loạt hình thù thú vị hiện ra trong tâm trí.
"Em thích lắm nhưng không dám xin ba mua bởi món đồ chơi ấy mắc tiền quá", Long Thịnh cho hay, chính từ lúc đó, cậu bắt đầu hứng thú với lắp ráp, máy móc. Lên cấp 2, Long Thịnh biết về lập trình và mong ước tạo ra những sản phẩm độc đáo, thoả trí tưởng tượng của bản thân.
Cựu học sinh trường THCS Chu Văn An nhớ: "Năm lớp 9, trường có khóa học về lắp ráp robot LEGO Mindstorm, em liền xin ba mẹ cho đăng ký học. Cuối khóa, em đã đạt điểm cao nhất. Thầy cô nhìn ra em có triển vọng nên khuyến khích em thi đấu giải WRO 2014".
Dù mới tham gia vào lĩnh vực này nhưng Long Thịnh khiến bạn bè, thầy cô bất ngờ khi giành chức vô địch WRO 2014. Sau đó, cậu học sinh đại diện Việt Nam đi thi đấu quốc tế ở Sochi, Nga. Dù không đạt giải nhưng Long Thịnh vẫn vui vì tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm. Các năm sau, chàng trai trẻ tiếp tục tham gia và giành được 2 giải Ba tại WRO 2019 và WRO 2020.
Ban đầu dự thi với tâm thế thử sức, học hỏi nhưng những thành tích không ngờ tới đã giúp Long Thịnh tin tưởng vào con đường bản thân lựa chọn, đó là gắn bó với máy móc, tự động hoá.
Niềm đam mê theo Long Thịnh lớn lên mỗi ngày. Lên đại học, Long Thịnh lựa chọn chương trình chuyển tiếp quốc tế chuyên ngành cơ điện tử tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Hoàn thành chương trình ở Việt Nam, cậu sang Úc học tiếp 2 năm tại Đại học Công nghệ Sydney.
Du học ở nước ngoài nhưng Long Thịnh thích nghi rất nhanh, một phần vì được học trong lĩnh vực bản thân yêu thích. Chàng sinh viên may mắn được các giáo sư ở trường chọn tham gia các cuộc thi lớn
Năm cuối đại học, Long Thịnh có cơ hội tham dự Ngày hội triển lãm ở trường và trình diễn dự án cánh tay robot vẽ tranh chân dung. Nhóm của Long Thịnh giành 2 giải cao và được đề cử tiếp đi tham dự Ngày hội công nghệ Sydney.
Với Long Thịnh, các giải thưởng không chỉ làm đẹp hồ sơ tốt nghiệp mà còn tạo ra những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Những thành tựu này giúp chàng trai Việt tự tin hơn khi hoạt động trong lĩnh vực robot nói riêng và công nghệ nói chung.
Khởi nghiệp từ những đam mê
Từ khi còn là sinh viên, chàng trai sinh năm 2000 luôn mong muốn tạo ra giá trị không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng. Do đó, Long Thịnh chọn lối đi riêng về lĩnh vực in 3D (lắp ráp và kinh doanh về máy in 3D, máy khắc CNC và máy khắc laser...).
"Thời gian đầu khi lắp ráp và kinh doanh máy in 3D, em gặp không ít khó khăn cả về mặt tài chính và kĩ thuật. May mắn trong lúc khó khăn đó, bạn Ngô Hồ Minh Quang cũng học chung khóa với em ở trường Đại học Bách Khoa sẵn sàng hỗ trợ tài chính", Long Thịnh chia sẻ.
Nhờ có sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, Long Thịnh vượt qua những khó khăn ban đầu. Chàng trai bắt đầu tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong đời sống, được nhiều người biết tới. Cũng nhờ vậy, trước khi đi du học, Long Thịnh tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ từ việc kinh doanh sản phẩm in 3D.
Sang Úc du học, tiếp nối đam mê đó, Long Thịnh lên ý tưởng bài bản cho việc kinh doanh. Tuy nhiên, do chưa có nhiều tiềm lực kinh tế nên chàng trai buộc phải bắt đầu từ các hoạt động nhỏ, gần gũi nhất. "Trong một lần tham gia Ngày hội công nghệ, em nảy ra ý tưởng in khung tranh để bán. Thay vì sử dụng robot vẽ tranh lên những tờ giấy A4 đơn giản, em và các bạn đã cải tiến phần mềm, thay đổi khung tranh và kích cỡ giấy để tạo thành các sản phẩm 3D để mọi người có thể mang về làm kỷ niệm", Long Thịnh nói.
Sau khi lên kế hoạch, Long Thịnh bắt tay vào thiết kế ngay. Chàng trai trẻ trăn trở với bài toán làm thế nào để khung tranh trở nên đặc biệt, thu hút người xem, dễ thương, đơn giản và nhỏ gọn hơn.
"Sau thời gian tìm tòi, em mong muốn làm ra khung tranh 3D tương tự với giao diện của Instagram. Để mỗi sản phẩm mang nét riêng, em đặc biệt thiết kế thêm phần khắc tên người mua phía dưới", Long Thịnh chia sẻ.
Sản phẩm in 3D của Long Thịnh được yêu thích và mua rất nhiều. Từ kinh nghiệm tích luỹ qua mỗi lần sáng tạo sản phẩm, chàng trai rút ra nhiều bài học cho công việc kinh doanh của bản thân.
Hiện Long Thịnh vừa làm công việc kỹ sư cơ khí, vừa vận hành công ty chuyên cung cấp giải pháp và sản phẩm về in 3D. Nói về quyết định này, Long Thịnh tiết lộ, "mảnh đất lý tưởng" chọn để khởi nghiệp là ở Việt Nam, "sau này khi đã tích luỹ đủ kinh nghiệm ở nước ngoài sẽ trở về cống hiến cho quê hương".
Ngoài ra, chàng trai sinh năm 2000 cũng đang sở hữu hai kênh Tiktok và Youtube về chủ đề in 3D để chia sẻ công việc mới mẻ thú vị này tới nhiều bạn trẻ.
Được khen "tuổi trẻ tài cao" nhưng Long Thịnh khiêm tốn nói rằng, bản thân may mắn bởi có cơ hội học tập, theo đuổi đúng lĩnh vực yêu thích, là thế mạnh của chính mình. Nhìn lại những thăng trầm đã qua, Long Thịnh cho biết sẽ nỗ lực nhiều lần để không phụ sự kỳ vọng của mọi người.
Hiểu Lam