Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người

21/06/2022 23:52

Suốt 10 năm làm công tác hiến máu sống cứu hàng nghìn người, chàng trai 30 tuổi tại TP Buôn Ma Thuột còn mở "Tủ sữa nhân ái" giúp trẻ sơ sinh kém may mắn có cơ hội được uống dòng sữa mẹ mát lành.

Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người - 1

Hoàng Công Minh là cái tên quen thuộc với các bệnh viện ở Tây Nguyên. Thậm chí, Minh còn được biết bao người bệnh xem là ân nhân cứu mạng khi đã kịp thời hỗ trợ hiến máu trực tiếp giúp họ vượt qua cơn thập tử nhất sinh.

Tròn 30 tuổi, Hoàng Công Minh đã có thâm niên 10 năm làm chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) "Hiến máu khu vực Tây Nguyên". Khi còn là sinh viên Khoa Nông Lâm nghiệp trường ĐH Tây Nguyên, Minh từng là thành viên nhiệt huyết trong CLB hiến máu của nhà trường.

Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người - 3

Trong những lần đi hiến máu, Minh tình cờ nghe được câu chuyện các bệnh nhân trong bệnh viện rất cần nguồn máu khẩn trong những tình huống cấp cứu. Tuy nhiên, những lúc cấp bách ấy, có lúc kho máu của bệnh viện cạn nguồn hoặc không còn nhóm máu phù hợp. Do vậy, việc có người đến hiến tặng máu trực tiếp là điều rất cấp thiết.

Trước những trăn trở này, Minh mạnh dạn thành lập CLB "Ngân hàng máu sống" sau đổi tên thành "Hiến máu khu vực Tây Nguyên" và huy động nhiều tình nguyện viên (TNV) cùng tham gia trực tiếp hiến máu cứu người.

Minh làm đầu mối giữa bệnh viện và các TNV hiến máu nhân đạo. Khi có ca bệnh nào cần máu khẩn cấp, Minh sẽ rà soát danh sách các TNV có nhóm máu phù hợp và chủ động liên hệ đến bệnh viện làm thủ tục hiến tặng kịp thời.

Chàng trai phố núi kể, hình ảnh khiến bản thân ám ảnh suốt nhiều năm qua là trường hợp một nữ sinh viên bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, cần được hỗ trợ máu khẩn cấp. Nhận được tin báo, Minh lập tức có mặt tại bệnh viện để cho máu. Tuy nhiên do thương tích quá nặng nên nữ sinh đã không qua khỏi khi Minh chưa kịp hiến tặng.

Chứng kiến sự đau đớn tột cùng khi bố mẹ của nữ sinh gào khóc tên con trong vô vọng và nằm ngất lịm tại bệnh viện, chàng thanh niên trẻ quyết tâm hỗ trợ nguồn máu sống kịp thời để cứu chữa các bệnh nhân trong thời khắc nguy kịch.

Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người - 5

Sau 10 năm hoạt động, CLB của Minh đã có khoảng 50 TNV đến từ khắp các tỉnh Tây Nguyên, giúp hàng nghìn bệnh nhân. Đó là những sản phụ bị vỡ tử cung, băng huyết, thiếu máu trong quá trình sinh nở, cho đến các bệnh nhân ung thư, bệnh nhi… Tất cả số máu cho đi, CLB của Minh đều hỗ trợ hoàn toàn miễn phí đến các bệnh nhân.

"Tôi luôn tâm niệm ai cũng có thể giúp đỡ người khác bằng hành động lớn nhỏ khác nhau và ai cũng đều có thể là thành viên của CLB hiến máu. Bạn có thể là sinh viên, người lao động đủ ngành nghề, những người 50-60 tuổi… vẫn hoàn toàn có thể hiến máu cứu người. Nhiều người đã thử cho đi, sao các bạn lại không thử một lần trong đời", Minh chia sẻ.

Trong số các TNV trong câu lạc bộ do Minh làm chủ nhiệm, anh Lê Văn Bình (35 tuổi, thợ cắt tóc) nổi bật là người xông xáo khi 9 lần hiến máu và 43 lần hiến tiểu cầu. Thậm chí, có thời điểm do có bệnh nhân cần gấp tiểu cầu nhưng chưa kiếm được người hiến tặng, anh Bình vẫn xung phong hiến tặng dẫu biết nếu hiến trong thời gian sát nhau sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người - 7

"Thấy Minh vất vả trong quá trình hoạt động, tôi cũng nhận lời làm người điều phối các TNV trong CLB đến bệnh viện hiến máu. Giúp được người khác khiến tôi và các TNV cảm thấy hạnh phúc lắm. Đó là động lực lớn cho chúng tôi luôn cố gắng không ngừng suốt những năm qua", anh Bình tâm sự

Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người - 9

Suốt quá trình thiện nguyện, Minh cho biết điều khiến anh buồn và sốc nhất đó là tấm lòng, tình yêu thương giữa người với người của anh cùng các TNV bị các "cò máu" ở bệnh viện lợi dụng. Những người này mạo danh là người nhà bệnh nhân để xin máu, sau đó sẽ bán số máu này cho các bệnh nhân đang cần máu khẩn cấp để trục lợi.

"Khi phát hiện hành vi trục lợi của nhóm "cò máu" này, chúng tôi đã rất phẫn nộ, bức xúc. việc trục lợi thời điểm bệnh nhân lâm nguy là hành động nhẫn tâm, bất kể dù đó là lý do gì đi chăng thì cũng không thể nào chấp nhận được. Sau đó, chúng tôi xác định chỉ cho máu khi biết chính xác đó là người nhà thực sự của bệnh nhân mà không để thông qua thêm một người thứ ba nào khác, tránh tình trạng bị lợi dụng. Các TNV khi đến hiến máu thì hoàn toàn miễn phí và cũng không nhận "cảm ơn" vật chất nào khác từ người nhà cả", Minh nói.

Từ khi công khai số điện thoại ở bệnh viện, có ngày Minh nhận được hàng chục số điện thoại, bất kể ngày hay đêm. Có nhiều hôm khoảng 1-2h sáng, Minh vẫn nhận được điện thoại gọi đến xin máu khẩn cấp cứu người nhà nhập viện vì tai nạn.

Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người - 11

Minh nhớ có hôm đêm khuya bệnh nhân cần máu gấp, khi liên hệ với một nữ sinh viên nhóm máu phù hợp, Minh đã trực tiếp lái xe máy tới chở bạn nữ đến bệnh viện hiến máu khẩn. Tuy nhiên, thời điểm đêm khuya, phòng trọ nơi bạn nữ ở đã đóng cửa, cô gái đã quyết định trèo qua cổng cao để đi hiến máu bằng được.

"Nhiều bạn TNV không ngại đêm hôm nguy hiểm để đến bệnh viện sẵn sàng hiến máu cứu người khiến tôi rất xúc động và thầm cảm ơn các bạn đã hy sinh rất nhiều", Minh nói.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, để vào bệnh viện hiến máu, các TNV phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi, test Covid-19 đầy đủ mới được hiến máu nhưng với nhiệt huyết cứu người, mọi người đều chẳng quản ngại bất cứ khó khăn nào.

Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người - 13

Suốt quá trình làm công tác hiến máu, Minh nhận được nhiều lời đề nghị giúp đỡ nguồn sữa mẹ cho những trẻ sơ sinh sinh non phải nằm lồng ấp, những đứa trẻ đã mất mẹ khi mới chào đời. Hay gần đây, hàng chục trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19, phải cách ly với mẹ.

Chưa vợ nhưng Minh hiểu giá trị của những giọt sữa mẹ rất quý giá cho trẻ sơ sinh nên đã quyết tâm giúp những đứa trẻ kém may mắn. Minh bắt tay xây dựng "Tủ sữa nhân ái" và huy động nguồn sữa mẹ từ khắp mọi nơi.

Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người - 15

Sữa mẹ sau khi được vắt cho vào túi trữ và được cấp đông, Minh cùng các TNV có nhiệm vụ tới nhà người cho sữa để nhận và mang về bảo quản, tiếp tế tại các bệnh viện.

"Nếu biết bảo quản tốt, sữa mẹ sẽ để được trong vòng 6 tháng. Khó khăn nhất chính là quá trình di chuyển đường xa sẽ khiến sữa trong túi đông bị rã ra, có nguy cơ mau hỏng và không tốt cho đường ruột các bé. Khi nhận được thông tin các trường hợp cần sữa mẹ, các TNV sẽ lập tức mang sữa được cấp đông cho vào thùng xốp và cố gắng di chuyển nhanh nhất tới địa điểm nhận sữa", Minh kể.

Suốt 2 năm qua "Tủ sữa nhân ái" của Minh đã được các ông bố, bà mẹ hưởng ứng đông đảo.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (39 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) có con gái nhỏ 3 tuổi mắc bệnh phổi, bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nên phải nằm điều trị tại Khoa cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trường kỳ. Quá trình chăm con, trước việc hàng chục trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19 không có nguồn sữa mẹ, chị Hà đã chủ động kết nối cùng với Minh để được cung ứng nguồn sữa đầy đủ cho các cháu.

"Minh rất nhiệt tình, khi nào các bé cần sữa, tôi gọi cung ứng là hỗ trợ kịp thời ngay. Các cháu sơ sinh ở đây không may mắn được ở cùng với mẹ nhưng vẫn được uống những dòng sữa mẹ mát lành, công lớn nhờ tấm lòng cao đẹp của Minh và của những "mẹ bỉm sữa" tốt bụng", chị Hà hân hoan.

Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người - 17

Ngoài hoạt động chính hiến máu cứu người, cung ứng sữa cho trẻ sơ sinh, Minh và các TNV còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện huy động giúp đỡ cho trẻ em nghèo, hỗ trợ người lao động hồi hương do dịch bệnh, hoạt động tích cực hỗ trợ tại các thôn, buôn vùng có dịch trong thời điểm nóng của dịch bệnh…

Với Hoàng Công Minh, việc làm thiện nguyện như một cái duyên trời định và khó lòng dứt bỏ. Minh từng bị nhiều người cười chê là vô công rồi nghề, rảnh rỗi, làm việc bao đồng nhưng chàng trẻ không mấy quan tâm. Cứ mỗi khi nhận cuộc điện thoại cần sự giúp đỡ khẩn cấp, Minh lại liên hệ với TNV rồi lại tất bật lên đường nhận "nhiệm vụ" cao cả mà không cần bất cứ sự đền đáp nào.

Nội dung: Thúy Diễm

Thiết kế: Tuấn Huy

20/06/2022

Nổi bật Việt Báo
  • Vai trò của cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong vụ án chuyến bay giải cứu
    Theo kết luận, ông Mai Tiến Dũng là người trình hồ sơ xin tổ chức chuyến bay tới ông Phạm Bình Minh (nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) phê duyệt, không thông qua Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.
  • Ăn mì chính có gây suy giảm trí nhớ?
    Mì chính từng là gia vị được ưa chuộng song gần đây nhiều gia đình loại bỏ loại chúng vì cho rằng có thể gây suy giảm trí nhớ, điều này có đúng?
  • Những người mẹ Việt ở nước ngoài gìn giữ tiếng quê hương
    Tiến sĩ Trần Hồng Vân, biên phiên dịch tại trường Western Sydney và là thành viên dự án VietSpeech, một dự án của Đại học Charles, nghiên cứu về kỹ năng ngôn ngữ và duy trì tiếng mẹ đẻ cho trẻ em gốc Việt ở Australia, từng xúc động chia sẻ: "Cảm giác rất tuyệt vời khi sinh sống ở nước ngoài mà mình được nghe con nói "Mẹ ơi". Với chị, mỗi lời cô con gái Ivy nói bằng tiếng Việt là một niềm vui khó tả, là sự gắn kết thiêng liêng giữa các thế hệ và nguồn cội.
  • Bí kíp quản lý kho hàng cho hộ kinh doanh hiệu quả
    Việc quản lý kho hàng là yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí và hiệu quả kinh doanh của các hộ kinh doanh nhỏ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp bí quyết giúp hộ kinh doanh tối ưu quy trình quản lý kho, từ đó giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu suất hoạt động.
  • 'Cơn lốc' hàng giá rẻ Trung Quốc: Các nước đối mặt ra sao?
    Malaysia, Indonesia, Thái Lan... đã và đang tìm cách ứng phó trước làn sóng đổ bộ của hàng giá rẻ Trung Quốc qua các trang thương mại điện tử, đặc biệt là khi Temu xuất hiện.
Đừng bỏ lỡ
Chàng trai trẻ dành cả thanh xuân đi xin sữa mẹ, hiến máu cứu người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO