Nguyên nhân là do “nhà táo” sẽ chuyển sang sử dụng màn hình diode phát quang hữu cơ (OLED) trong tất cả các mẫu iPhone được bán ra vào năm tới và sau đó, kể cả mẫu iPhone SE giá rẻ. Điều này dẫn đến việc hai công ty chuyên cung cấp tấm nền Nhật Bản, Japan Display (JDI) và Sharp, chính thức bị "thất sủng".
Cách đây khoảng một thập kỷ, JDI và Sharp từng chiếm đến 70% thị phần màn hình iPhone, nhưng gần đây chỉ còn cung cấp màn LCD cho iPhone SE. Hiện các nhà cung ứng Trung Quốc và Hàn Quốc là những cái tên cung ứng màn OLED chủ chốt cho Apple.
Theo nhiều nguồn tin, Apple đã bắt đầu đặt hàng màn hình OLED cho iPhone SE sắp ra mắt từ BOE Technology Group (Trung Quốc) và LG Display (Hàn Quốc). Sự thay đổi này đánh dấu sự kết thúc của màn hình LCD trên iPhone, với mẫu SE dự kiến ra mắt vào năm tới cũng có màn hình OLED, cùng với các mẫu iPhone giá tiêu chuẩn và các mẫu Pro cao cấp.
Samsung Electronics của Hàn Quốc nắm giữ khoảng một nửa thị trường màn hình OLED cho iPhone, trong khi LG Display chiếm khoảng 30% và BOE chiếm khoảng 20%.
Công nghệ màn hình OLED không cần đèn nền, mang lại màu sắc sống động và độ tương phản sắc nét hơn so với LCD. Với nhu cầu xem phim, thể thao và chơi game ngày càng cao trên smartphone, Samsung đã bán màn OLED thay cho LCD từ năm 2009 đến nay.
Apple lần đầu tiên sử dụng tấm nền OLED trên iPhone X, ra mắt năm 2017. Kể từ đó, công ty đã chuyển từ LCD sang OLED cho các mẫu cao cấp. Vào khoảng năm 2015, JDI và Sharp từng cung cấp gần 200 triệu màn hình LCD hàng năm cho iPhone, nhưng con số đó đã giảm xuống còn khoảng 20 triệu vào năm 2023.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Omdia, OLED sẽ vượt qua LCD về số lượng tấm nền được xuất xưởng cho điện thoại thông minh lần đầu tiên trong năm nay.
Khi iPad và các sản phẩm khác bắt đầu sử dụng màn hình OLED tiên tiến, Apple dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lượng mua LCD.
Cho đến gần đây, các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn coi Apple là khách hàng chính của họ và mở rộng sản xuất để đáp ứng doanh số iPhone bán ra.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang OLED khiến họ rơi vào tình cảnh dư thừa công suất. Mặc dù JDI cũng phát triển OLED tiết kiệm năng lượng, nhưng hiện tại công ty chỉ cung cấp màn hình OLED cỡ nhỏ cho các thiết bị như Apple Watch, trong khi LCD được chuyển sang các ứng dụng xe hơi.
Về phía Sharp, công ty này cũng đang thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh LCD. Vào tháng 8, công ty đã ngừng hoạt động tại nhà máy Sakai ở Osaka, nơi sản xuất màn hình LCD lớn cho TV, đồng thời giảm công suất tại nhà máy Kameyama ở tỉnh Mie.
(Theo Nikkei Asia, Bloomberg)