Chiều 5/7, HĐND TPHCM tổ chức phiên giải trình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn. Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh, địa phương đang có hàng trăm dự án nhà ở thương mại chưa được cấp sổ hồng, có dự án chậm cấp hàng chục năm khiến người dân bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND thành phố, cho biết, việc đảm bảo quyền lợi pháp lý cho người dân sở hữu nhà ở thương mại còn nhiều hạn chế. Việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người dân, thất thu ngân sách cho Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Lệ cũng dẫn chứng, địa bàn còn rất nhiều bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện của cư dân liên quan đến việc chậm cấp giấy chứng nhận tại các dự án nhà ở thương mại, thậm chí có dự án 20 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong quản lý nhà nước ở địa phương.
"Tôi đề nghị UBND TPHCM trả lời thỏa đáng với mong muốn, kỳ vọng của người dân, đặc biệt là câu hỏi chờ đến bao giờ. Trả lời và giải quyết được câu hỏi này là một vấn đề rất khó", bà Nguyễn Thị Lệ mở đầu hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM, thông tin, từ ngày 1/7/2014 (thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) đến nay, toàn địa bàn có 335 dự án với hơn 191.000 căn hộ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Trong đó, hơn 110.000 căn đã được cấp sổ hồng và hơn 81.000 căn vẫn chưa hoàn tất công tác này.
Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận đối với những căn hộ nói trên liên quan đến vấn đề hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư. Ngoài ra, một số chủ đầu tư, người mua nhà cũng chưa nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận đối với hàng chục nghìn căn hộ.
Giám đốc Sở TN&MT thành phố đánh giá, việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại các dự án nhà ở thương mại thời gian qua có một phần lý do đến từ việc số lượng hồ sơ lớn. Bên cạnh đó, nhiều dự án còn gặp vướng do vướng nhiều nội dung từ chủ đầu tư, có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, thế chấp.
Giải trình với các đại biểu, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, vấn đề xác định nghĩa vụ tài chính là khâu vướng mắc nhất trong việc cấp sổ hồng thời gian qua. Cụ thể, để cấp được giấy, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ về để lại 20% quỹ nhà, đất hoặc tiền tương đương để phát triển nhà ở xã hội.
Nội dung này đang có độ vênh giữa Luật Ngân sách và Luật Nhà ở. Các chủ đầu tư thường nộp khoản tiền này chung với tiền sử dụng đất mà chưa tách riêng.
"Các dự án thực hiện thời gian gần đây sẽ được phân khai rõ 20% trên để trích nguồn phục vụ phát triển nhà ở xã hội. Còn đối với các dự án trước đó, UBND TPHCM giao Sở TN&MT cùng Cục Thuế thành phố xác định lại việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, làm rõ tỷ lệ 20% nói trên để tháo gỡ vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận", ông Bùi Xuân Cường thông tin.