Cha đẻ karaoke qua đời ở tuổi 100: Ý tưởng lớn đến từ việc bị chê hát dở

Bích Ngọc| 17/03/2024 06:33

Người sáng tạo ra máy hát karaoke - ông Shigeichi Negishi - đã qua đời ở tuổi 100. Ông Negishi đã qua đời hôm 29/1, nhưng tới thời điểm hiện tại, truyền thông Nhật Bản và quốc tế mới biết.

Ông Shigeichi Negishi đã qua đời sau một cú ngã, ông ra đi ở tuổi 100 vào ngày 29/1.

Ông Negishi sinh ra tại Tokyo (Nhật Bản) năm 1923. Ông thường được báo chí Nhật Bản và quốc tế nhắc đến với danh xưng "cha đẻ của karaoke". Ông Negishi đã có nhiều năm tháng làm việc trong ngành chế tạo sản phẩm điện tử.

Một khoảnh khắc đơn giản đã giúp ông nảy ra ý tưởng về chiếc máy hát. Đó là khi một người đồng nghiệp nghe thấy ông ngồi hát một mình và trêu ông rằng giọng hát của ông dở tệ. Khi ấy, ông Negishi đã nghĩ rằng nếu ông có thể hát trên nền nhạc, để đúng điệu hơn và có hiệu ứng âm thanh tốt hơn, hẳn cảm nhận của người đồng nghiệp về giọng hát của ông đã khác.

Cha đẻ karaoke qua đời ở tuổi 100: Ý tưởng lớn đến từ việc bị chê hát dở - 1

Ông Shigeichi Negishi là người sáng tạo ra chiếc máy hát karaoke đầu tiên (Ảnh: WSJ).

Vậy là vào năm 1967, thế giới biết tới chiếc máy hát karaoke đầu tiên. Ông Negishi đã sáng tạo ra chiếc máy hát karaoke Sparko Box với công dụng hỗ trợ người dùng hát trên nền nhạc thu sẵn. Kể từ sau đó, nhiều công ty điện tử bắt đầu sáng tạo nên những cỗ máy hát karaoke ngày càng hiện đại.

Dù trên thế giới, có những cách nhìn nhận khác nhau về chiếc máy hát karaoke đầu tiên, nhưng trong đời sống văn hóa đại chúng Nhật Bản, ông Negishi vẫn luôn được nhìn nhận là người sáng tạo ra cỗ máy hát karaoke đầu tiên, là người mở đường cho văn hóa hát karaoke.

Dù ý tưởng của ông Negishi đã mở ra một thói quen mới đối với người dân trên khắp thế giới, nhưng ông không bao giờ kiếm được khoản tiền lớn từ ý tưởng của mình, bởi ông không đăng ký bản quyền đối với phát minh máy hát karaoke Sparko Box.

Thậm chí, ông Negishi còn từ bỏ việc phát triển cỗ máy hát karaoke để phát minh của mình trở nên hiện đại hơn. Thực tế, đã có những năm tháng ông cảm thấy mệt mỏi bởi những vấn đề mà bản thân gặp phải. Khi cỗ máy hát Sparko Box ra đời, nhiều ca sĩ tại Nhật Bản đã lo lắng rằng công chúng sẽ không còn thích nghe hát nữa, bởi từ đây, họ có thể... tự hát cho nhau nghe.

Vì vậy, cỗ máy Sparko Box từng là chủ đề gây tranh cãi lớn trong đời sống văn hóa đại chúng Nhật Bản khi nó mới xuất hiện trên thị trường, điều này khiến ông Negishi gặp phải không ít mệt mỏi về mặt tâm lý.

Cha đẻ karaoke qua đời ở tuổi 100: Ý tưởng lớn đến từ việc bị chê hát dở - 2

Chiếc máy hát karaoke Sparko Box (Ảnh: WSJ).

Hơn thế, việc bán hàng và dịch vụ sửa chữa máy hát cũng khiến ông cảm thấy áp lực lớn trong hoạt động kinh doanh, nên sau cùng, ông từ bỏ việc phát triển cỗ máy hát karaoke Sparko Box. Các công ty điện tử khác đã nhanh chóng nhìn ra cơ hội, tung ra các cỗ máy hiện đại hơn.

Con gái của ông Negishi - bà Atsumi Takano - cho biết cha của bà luôn cảm thấy vui vì ý tưởng của ông đã trở thành một nét văn hóa đại chúng đưa lại niềm vui cho nhiều người.

Bà Atsumi Takano chia sẻ với truyền thông Nhật Bản: "Cha của tôi cảm thấy tự hào vì ý tưởng của ông đã trở thành một nét văn hóa đại chúng đưa lại niềm vui cho nhiều người thông qua hoạt động ca hát trong đời sống thường ngày. Đối với ông, việc được sống trọn vẹn 100 năm bên gia đình đã là phần thưởng lớn nhất rồi".

Chiếc máy hát karaoke đầu tiên do ông Negishi sáng tạo ra rất đơn giản, gồm một thiết bị kết nối với micro. Thiết bị này có khả năng chạy các cuốn băng cát-sét đã thu âm sẵn giai điệu của các ca khúc. Cỗ máy có loa để có thể tăng âm lượng.

Sau khi cỗ máy "hàng mẫu" được thực hiện hoàn tất, ông Negishi mang cỗ máy về nhà giới thiệu với gia đình trước tiên. Ngay lập tức, gia đình ông Negishi đã có buổi hát karaoke đầu tiên.

Ông Negishi lựa chọn sử dụng từ "karaoke" để miêu tả ngắn gọn hoạt động hát theo giai điệu phát ra từ máy Sparko Box, bởi trong văn hóa Nhật Bản hồi thập niên 1960, người ta dùng từ "karaoke" để nói về những ca sĩ hát trên nền nhạc đã được thu sẵn. Từ "karaoke" là một từ ghép trong tiếng Nhật với ý nghĩa "không có dàn nhạc sống".

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/van-hoa/cha-de-karaoke-qua-doi-o-tuoi-100-y-tuong-lon-den-tu-viec-bi-che-hat-do-20240316203449114.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/van-hoa/cha-de-karaoke-qua-doi-o-tuoi-100-y-tuong-lon-den-tu-viec-bi-che-hat-do-20240316203449114.htm
Bài liên quan
  • Ai cho sự yên tĩnh
    Bài này tôi viết cách đây hơn 10 ngày, lúc mà câu chuyện về sư Minh Tuệ chưa cao trào như những ngày sau đấy. Trực tiếp TBT Tạp chí Sông Lam đặt, mà tạp chí thì không nhanh như báo mạng, tháng ra 1 số. Nhưng hôm nay đọc lại, thấy vẫn mới và thời sự, có chi mô nơ?
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cha đẻ karaoke qua đời ở tuổi 100: Ý tưởng lớn đến từ việc bị chê hát dở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO