Lan càng cua là một trong những loại hoa trang trí trong nhà rất được ưa chuộng. Với những người quen thuộc với lan càng cua đều biết rằng loại hoa này có nhiều giống khác nhau và mỗi giống đều có những cái tên mỹ miều Madame Butterfly, Big Leaf White, White Dew, Conch, Polka,… Và loại được giới thiệu ngày hôm nay có tên là Sophia – một giống lan càng cua có màu vàng.
Giống như những giống lan càng cua khác, lan càng cua vàng cũng có thân rất mềm, có màu xanh bóng và phân thành nhiều nhánh. Mỗi nhánh có dạng hình dẹt chia thành các khúc. Hoa mọc đơn và mọc ra từ đầu mỗi nhánh, cây buông rủ xuống trông như thác hoa.
Giống lan càng cua màu vàng này thường ra hoa tương đối sớm, một năm nở 2 lần. Lần đầu vào tháng 11 và tháng 12, đúng mùa Giáng sinh nên còn được gọi là hoa Giáng sinh. Lần 3 nở vào mùa xuân năm sau, từ tháng 4 đến tháng 5. Hoa nở rất nhiều, nếu được chăm sóc đúng cách thì cành nào cũng có hoa, dễ dàng phủ đầy chậu.
Được biết, vì mang màu vàng rất “quý tộc”, bắt mắt, khiến người ta liên tưởng tới tài lộc, vàng bạc và mang lại may mắn nên loài hoa lan càng cua này còn được các cửa hàng bán cây cảnh gọi với cái tên mỹ miều là “hoa vạn lượng vàng”.
Trong phong thủy, cây “vạn lượng vàng” được coi là biểu tượng của may mắn, giúp gia chủ ăn nên làm ra, hút tài lộc vào nhà, nhờ đó mà có cuộc sống thịnh vượng, sung túc.
Không chỉ mang ý nghĩa cát tường, lan càng cua còn có thể hấp thụ một số khí độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe như ete, hidro sunfua,… Đồng thời, nó có thể hút khí CO2 và nhả ra khí O2 vào ban đêm, giúp bạn ngủ ngon hơn nếu đặt một chậu lan càng cua trong phòng ngủ.
Cách chăm sóc cây cảnh lan càng cua vàng
Những người yêu hoa lan càng cua đều biết, loại cây này rất dễ trồng và dễ chăm sóc nên “người lười” cũng có thể trồng được. Tuy nhiên muốn cây phát triển tốt, cành mập mạp, hoa nở nhiều, to và đẹp thì bạn nên chú ý tới những yếu tố sau đây:
- Đất trồng:
Muốn trồng cây gì tốt thì trước hết phải chọn loại đất thích hợp. Lan càng cua thích đất tơi xốp, dễ thoát nước, nhiều chất dinh dưỡng. Vì vậy khi trồng lan càng cua bạn không nên dùng đất vườn mà nên dùng đất than bùn, mùn lá,…
Ngoài ra, chỉ nên trồng lan càng cua trong chậu nhỏ, đường kính khoảng 15cm là được. Không nên trồng trong chậu to, vì như vậy rất dễ đọng nước, gây ngập úng, thối rễ.
- Ánh sáng:
Lan càng cua vàng nói riêng và giống lan càng cua nói chung đều ưa nắng, chịu được ánh sáng bán phần nên có thể trồng ở ban công hướng Nam và hướng Bắc.
Tuy nhiên, đặt ở ban công hướng Nam nơi có nắng tốt sẽ giúp cây phát triển tốt hơn. Nhưng vào mùa hè khi thời tiết nắng gắt và nóng bức, không nên phơi cây dưới nắng kẻo cháy lá.
Vào mùa đông, nếu nhiệt độ xuống dưới 4 độ C, nên chuyển cây vào trong nhà để bảo dưỡng vì lan càng cua không chịu được lạnh.
- Tưới nước:
Vì thuộc họ xương rồng nên lan càng cua có khả năng chịu hạn tốt. Khi tưới nước cho cây nên tuân thủ theo nguyên tắc thà khô còn hơn ướt.
Vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông, mỗi tuần tưới nước một lần là đủ. Nhưng vào mùa hè, chỉ tưới nước khi thấy đất khô hoàn toàn, vì lúc này cây đang trong trạng thái ngủ đông. Tưới nước nhiều sẽ gây thối rễ, chết cây.
- Bón phân:
Nên bón phân cho lan càng cua vàng vào mùa xuân và mùa thu. Nên pha loãng phân để tưới cho cây, tránh bón phân đậm đặc để tránh cháy rễ.
Theo Thời báo văn học nghệ thuật