Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thọ, Chi cục trưởng Chi cục đường thủy khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa), cho biết tàu thuyền hiện nay vẫn chưa được phép lưu thông qua đoạn sông Hồng nơi cầu Phong Châu bị sập.
Việc này nhằm đảm bảo không gian cho hoạt động tìm kiếm, trục vớt, đồng thời đảm bảo an toàn cho tàu thuyền do bên dưới lòng sông vẫn còn nhiều chướng ngại vật như trụ cầu, dầm thép...
Dự kiến, khi công tác trục vớt xác cầu và các phương tiện dưới lòng sông hoàn tất, đồng thời cầu phao được lắp đặt xong, hoạt động vận tải thủy qua khu vực mới được khôi phục.
Về mặt kỹ thuật, tàu thuyền sẽ không thể lưu thông khi cầu phao đóng. Do đó, Cục Đường thủy đang họp bàn với đơn vị vận hành cầu phao (đơn vị công binh), thống nhất thời gian đóng/mở cầu phao hàng ngày để tàu thuyền lưu thông.
"May mắn là lưu lượng tàu thuyền qua đoạn sông này không lớn, chỉ 120 lượt/tháng, tương đương 4-5 lượt/ngày. Lưu lượng lớn lại nằm ở ngả sông Lô đổ vào sông Hồng", ông Thọ chia sẻ.
Sau khi cầu phao được lắp đặt, Cục Đường thủy nội địa sẽ bố trí các chốt trực ở thượng lưu và hạ lưu để thông báo cho tàu thuyền. Khi cầu phao chưa mở, tàu thuyền phải neo đậu từ xa để tránh rủi ro va chạm với cầu phao.
Thời gian qua, đơn vị công binh đã gia cố đường dẫn, tập kết trang thiết bị, sẵn sàng lắp đặt cầu phao thay thế cầu Phong Châu khi điều kiện dòng chảy cho phép.
Song song với việc chuẩn bị lắp cầu phao, tỉnh Phú Thọ cũng đang xúc tiến dự án xây mới cầu Phong Châu tại vị trí cầu cũ. Cầu mới sẽ được xây bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, không còn kết cấu dàn thép như cầu cũ.
Trước đó, sự cố sập cầu Phong Châu đã làm gián đoạn giao thông trên quốc lộ 32C. Việc đi lại của người dân 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ) gặp nhiều khó khăn.
Hiện, người dân huyện Tam Nông muốn sang TP Việt Trì, huyện Lâm Thao hay thị xã Phú Thọ phải đi cầu Ngọc Tháp, cách cầu Phong Châu 14km. Còn những người ở phía cầu Phong Châu đầu huyện Tam Nông đi sang đầu huyện Lâm Thao, quãng đường sẽ lên tới 31km.