Câu chuyện về người bạn khiếm thị đầy xúc động của cô bé lớp 9

03/01/2025 13:23

Câu chuyện về người bạn khiếm thị được Bùi Thị Hải Anh, học sinh lớp 9A1 - Trường THCS Vệ An (Bắc Ninh), kể lại đầy cảm xúc: "Chúng em trở thành đôi mắt dẫn đường cho Anh và Ánh. Dù mưa hay nắng, hai bạn chưa từng vắng mặt ở lớp".

Trong bài viết dự thi “Trường học hạnh phúc” năm 2024, do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức và Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp thực hiện, câu chuyện về người bạn khiếm thị được Bùi Thị Hải Anh chia sẻ bằng những lời văn giản dị nhưng đầy cảm xúc. Bài dự thi của Bùi Thị Hải Anh đã lọt Top 10 bài viết ấn tượng nhất.

“Cùng với gia đình, quê hương thì thầy cô, mái trường,... vẫn luôn là những tiếng gọi thân thương hằn sâu trong tâm khảm mà dù đi bất cứ nơi đâu mỗi người luôn nhớ về. Những kí ức hồn nhiên của tuổi học trò vẫn trong trẻo, lấp lánh như những viên kẹo đường ngọt ngào, yêu thương. Mái trường THCS Vệ An trong em là một góc trời thân thương và gần gũi như thế. Đó là nơi thầy cô cho em kiến thức vững vàng, dạy em những điều hay lẽ phải. Ở nơi ấy, em đã có biết bao kỉ niệm đẹp đẽ và đáng nhớ”, Hải Anh mở đầu.

Hải Anh
Bùi Thị Hải Anh, học sinh lớp 9A1 - Trường THCS Vệ An (Ảnh: Hương Giang).

Nhớ lại câu chuyện về người bạn khiếm thị, Hải Anh viết: "Trong dòng hồi ức ấy, có lẽ cuộc gặp gỡ giữa chúng em và hai bạn Hải Anh - Nguyệt Anh là những thanh âm trong trẻo, hồn nhiên và giàu cảm xúc nhất. Anh và Ánh là hai chị em sinh đôi, vì sinh thiếu tháng nên hai bạn không may mắn bị khiếm thị mắt bẩm sinh. Chúng em đã xúc động biết mấy khi nghe những lời chia sẻ của hai bạn khi mới đến ngôi trường Vệ An: "Tôi là một đứa trẻ khiếm thị và tôi từng nghĩ mình là một người bất hạnh nhất trên trái đất này. Đôi mắt của tôi chỉ thấy một màu u tối còn đôi mắt tâm hồn tôi cũng chỉ trông ra một tương lai mù mịt. Tôi không nhận biết được ánh sáng mặt trời, cũng chưa thấy mặt cha mẹ. Tôi càng không thể tưởng tượng được sự vật và gương mặt của mọi người xung quanh.

Tôi vào mái ấm khiếm thị Thiên Hòa khi 5 tuổi. Đây là một mái ấm do các nữ tu công giáo đảm trách. Nơi đây giống như ngôi nhà thứ hai của tôi. Các sơ đã chăm sóc và dạy dỗ chúng tôi như những người mẹ. Hành trình với chữ nổi, hành trình sống tự lập và tự phục vụ đã giúp tôi lớn khôn mỗi ngày. Với sự kèm cặp của các sơ, tôi học hết cấp 1 tại ngôi trường gần nhà và sau sự từ chối từ các ngôi trường trung học cơ sở, tôi tưởng chừng đường đi tìm con chữ đã dừng lại tại đây. Tôi không thể nào quên ngày hôm đó, mẹ tôi bước vào phòng và nói: "Hải Anh, các sơ đã xin được cho con học ở một trường trên thành phố rồi". Tôi bật khóc và ôm lấy mẹ vì niềm hạnh phúc trào dâng. Cuối cùng tia hi vọng được đến trường của hai chị em tôi đã mở ra tại ngôi trường mang tên Vệ An".

Hai Anh 1
Hai Anh 2
Hai Anh 3
Hai Anh 4
Hai Anh 5

“Vì hai bạn không nhìn thấy nên chúng em trở thành đôi mắt dẫn đường của Anh và Ánh. Hàng ngày, sau khi các sơ đưa hai bạn đến sân trường, chúng em đã thay phiên nhau dắt bạn vào lớp. Hành trang của các bạn là bộ đánh chữ và những cuốn sách nổi dày cộm. Dù mưa hay nắng, chưa một ngày hai bạn vắng mặt ở lớp. Thời gian trôi qua, lời giảng của cô thầy cùng tiếng đánh chữ trong giờ học của hai bạn để miệt mài học tập trở thành những thanh âm quen thuộc trong cuộc sống ở trường của chúng em.

Điều làm em bất ngờ nhất đó chính là giọng hát của hai bạn. Khi Anh và Ánh cất lời, giọng hát thanh nhẹ, dịu dàng khiến đám chúng em không khỏi trầm trồ. Có lẽ cuộc đời lấy đi của bạn đôi mắt, nhưng lại cho bạn một giọng ca trong trẻo. Em còn nhớ ngày biểu diễn văn nghệ dịp 20/11, bài múa "Cô ơi" của lớp em dưới sự hòa ca của hai bạn đã lấy đi bao giọt nước mắt của thầy cô và các bạn ngồi dự. Kết thúc, tất cả mọi người đều vỗ tay khen ngợi. Sau lần ấy, hai bạn đã trở nên tự tin hơn.

Hai bạn không chỉ là tấm gương sáng trong học tập mà còn có tình chị em thắm thiết nâng đỡ nhau trong học tập và cuộc sống. Xa gia đình, hai bạn luôn tự lập, đùm bọc lẫn nhau. Chính điều ấy đã giúp chúng em hiểu sâu sắc giá trị của nghị lực và tình yêu thương gia đình.

Sau hai năm gắn bó, trước thềm năm học năm 2024-2025, hai bạn phải chuyển vào Nam học tập tiếp. Ngày chia xa chúng em chưa kịp gặp mặt. Hai bạn đã gửi bức thư tay từ Thủ Đức đến cho chúng em thay lời tạm biệt. Mong rằng, ở ngôi trường mới, hai bạn luôn cố gắng, vượt qua nghịch cảnh để hoàn thành ước mơ của mình” Hải Anh kể lại câu chuyện về người bạn khiếm thị.

Cuối bài dự thi, Hải Anh thể hiện sự biết ơn với mái trường, thầy cô và gửi những lời chúc tốt đẹp đến hai người bạn của mình ở nơi xa: "Thời gian trôi qua không chờ đợi ai cả, nó chầm chậm lướt qua quỹ đạo đều đặn, chỉ có mọi người vẫn không thay đổi, tình yêu thương của thầy cô, bạn bè dành cho em luôn tràn đầy. Chính ngôi trường đã đem đến cho em những khát khao tuổi trẻ, thắp lên trong em hi vọng tốt đẹp về tương lai tươi sáng phía trước. Biết ơn thầy cô - người gieo hạt luôn cần mẫn từng ngày. Những hạt giống của lòng biết ơn, tình thầy trò, tình bạn,... mà thầy cô ấp ủ luôn nảy nở trong lòng chúng em để một mai em khôn lớn thành người. Vệ An chính là món quà tuyệt vời mà Thượng Đế đã ban tặng cho em!".

Theo treemvietnam.net.vn
https://treemvietnam.net.vn/cau-chuyen-ve-nguoi-ban-khiem-thi-day-xuc-dong-cua-co-be-lop-9-d5802.html
Copy Link
https://treemvietnam.net.vn/cau-chuyen-ve-nguoi-ban-khiem-thi-day-xuc-dong-cua-co-be-lop-9-d5802.html
Bài liên quan
  • Xúc động lá thư gửi bạn thân ở 'miền mây trắng'
    Phạm Khánh An - Học sinh lớp 6A, Trường THCS Hoàng Mai, nhắn nhủ bạn thân ở miền mây trắng: "Mất đi một người bạn thân là đau đớn, nhưng tôi tin rằng với Sơn, đó là một thế giới tràn ngập niềm vui và hạnh phúc...".
  • Can thiệp sớm là gì? Tiêu chí để quyết định lựa chọn phương pháp can thiệp sớm cho bé
    Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ từ nhẹ đến nặng, khởi phát sớm từ khi trẻ còn nhỏ (thường là trước 3 tuổi) và diễn biến kéo dài. Để điều trị tự kỷ đạt hiệu quả cao, “chìa khóa” quan trọng nhất chính là can thiệp sớm.
  • Nhật ký người mẹ có con tự kỷ
    Mẹ không tha thứ cho mình Chỉ vì những bất cẩn của mẹ, con đã phải trả giá quá đắt. Nhìn đôi mắt con vô hồn, lơ đãng, thờ ơ, mẹ luôn tự dằn vặt mình. Giá như mẹ quan tâm hơn đến con thì đâu đến nỗi…
  • Cần những chính sách bảo trợ xã hội chuyên biệt
    Trẻ tự kỷ là một nhóm đối tượng đặc biệt trong xã hội, cần được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội chuyên biệt nhằm bảo vệ quyền lợi và sự phát triển của các em. Các chính sách bảo trợ xã hội cho trẻ và gia đình trẻ tự kỷ trên thế giới có thể được xếp thành một “phổ”, trong đó một số quốc gia có mô hình hoàn thiện và phát triển hơn hẳn như Mỹ và Trung Quốc.
  • Hãy cho phép mình vui
    Nếu bản thân không phải là một phụ nữ hạnh phúc, làm sao bạn có được một gia đình hạnh phúc?
  • Đàn ông đi chợ nấu cơm - bình thường thôi
    Đàn ông đi chợ, nấu cơm hay làm việc nhà là chuyện bình thường. Quan niệm như thế nên anh vô tư trước những lời bình phẩm của đám đông.
  • Mẹ ơi, một khóm dong riềng
    Nhìn chùm hoa dong riềng nở đỏ lấp lánh trong vườn dưới màu nắng mai, ta mơ màng thấy bóng mẹ ta với đôi quang gánh đang tảo tần. .
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện về người bạn khiếm thị đầy xúc động của cô bé lớp 9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO