Câu chuyện tình yêu 'Chồng tôi còn Việt Nam hơn cả tôi'

14/01/2025 11:21

Là thành viên đầu tiên trong gia đình lấy chồng ngoại quốc, ban đầu chị Nguyễn Trâm - Trưởng phòng Truyền thông TikTok Việt Nam, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM - gặp không ít khó khăn trong việc kết nối chồng và gia đình, vì bất đồng ngôn ngữ. Đến nay, sau 9 năm về chung nhà, chị Trâm dí dỏm cho biết: “Chồng tôi còn Việt Nam hơn cả tôi”.

Quyết định sống ở Việt Nam sau 2 lần đến

Chồng chị Trâm là anh Loan Menuge - chàng trai mang 2 dòng máu: Pháp và Indonesia. Anh chị quen nhau từ khi học đại học. Lúc bấy giờ, anh Loan Menuge là du học sinh trong chương trình trao đổi sinh viên tại Việt Nam. Ngay những ngày đầu, chàng du học sinh Pháp đã có ấn tượng với người bạn cùng lớp này. “Ngày nào cô ấy cũng mặc váy đi học, trong khi các bạn nữ khác không như vậy, nên tôi cảm thấy rất đặc biệt” - anh Loan Menuge cười, nói.

Vợ chồng chị Trâm thường dành cho nhau những chuyến du lịch để khám phá nhiều địa điểm và văn hóa Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp
Vợ chồng chị Trâm thường dành cho nhau những chuyến du lịch để khám phá nhiều địa điểm và văn hóa Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp

Còn đối với chị Trâm, anh Loan Menuge là kiểu người… quá lanh, hướng ngoại và nói rất nhiều nên chị không mấy thiện cảm, bởi “gu” của chị là kiểu điềm đạm, ít nói. Tuy nhiên, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Nhờ thường xuyên làm việc nhóm, học tập cùng nhau, cả hai dần cảm mến và yêu nhau.

Sau khi chương trình trao đổi sinh viên Việt - Pháp kết thúc, anh Loan Menuge trở lại Pháp và họ bước vào mối quan hệ yêu xa. “Chúng tôi yêu xa một năm rưỡi, nhưng lúc ấy tôi chỉ nghĩ yêu thì yêu vậy thôi chứ không đặt quá nhiều kỳ vọng, vì cách trở về địa lý. Nhưng không ngờ anh ấy lại quyết định về Việt Nam thực tập và chuyện tình cảm của chúng tôi bắt đầu một chương mới” - chị Trâm kể lại.

Khi anh Loan Menuge về Việt Nam thực tập cũng là lúc chị Trâm tốt nghiệp và đi làm. Cả hai luôn bên cạnh động viên, chia sẻ với nhau những khó khăn ban đầu. Vào năm 2015, chỉ 1 năm sau khi đến Việt Nam lần 2, anh Loan Menuge đã cầu hôn chị Trâm. Họ quyết định kết hôn và tạo lập gia đình nhỏ tại Việt Nam.

“Chúng tôi không quan trọng sẽ ở đâu, miễn sao ở cùng nhau, cảm thấy vui vẻ và nơi đó cho mình cơ hội nghề nghiệp là được. Và Việt Nam là nơi cho chúng tôi tất cả điều đó. Tuy nhiên, với một người sinh ra, lớn lên, học tập tại Pháp như chồng tôi; quyết định sinh sống và làm việc tại đất nước hoàn toàn xa lạ chỉ sau 2 lần đến thì chắc chắn anh ấy phải yêu đất nước, con người nơi đây nhiều lắm. Tôi rất trân trọng điều đó” - chị Trâm nói.

Gia đình nhỏ hạnh phúc của chị Trâm - Ảnh do nhân vật cung cấp
Gia đình nhỏ hạnh phúc của chị Trâm - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôn trọng văn hóa và sở thích riêng của nhau

Để dung hòa và tôn trọng văn hóa của nhau, vợ chồng chị Trâm đặt ra quy ước riêng: trong tuần sẽ có những hôm cả hai cùng ăn món Việt và có những hôm dùng món Pháp. Các món Việt do chị Trâm đứng bếp, còn anh Loan Menuge sẽ nấu các món Pháp cho gia đình.

Không những vậy, vào những ngày đặc biệt của nước Pháp, cả hai sẽ cùng đến Lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam, tham gia các hoạt động kỷ niệm. Ngược lại, anh Loan Menuge cũng cùng chị Trâm tận hưởng những ngày lễ, tết của Việt Nam.

Từ khi làm rể Việt, anh Loan Menuge thay đổi khá nhiều. Anh đã quen với văn hóa và nếp sống ở đây. Sau thời gian sống ở Việt Nam, khẩu vị anh có nhiều thay đổi, thậm chí anh còn thích món ăn Việt Nam hơn cả vợ. Món khoái khẩu của anh là canh khổ qua. Thỉnh thoảng, anh nằng nặc đòi vợ nấu món khổ qua vì thèm. “Nghe tôi giải thích khi ăn khổ qua là người ta cầu mong cho những cái khổ, những cái xui rủi qua đi để đón những điều tốt đẹp, may mắn hơn; anh gật gù và càng khoái món này hơn” - chị Trâm kể lại.

Bên cạnh thích món Việt, anh Loan Menuge còn có rất nhiều bạn bè người Việt và rất thích lái xe máy. Thậm chí, khả năng lái xe máy của anh còn “ăn đứt” vợ. Cả hai cũng thường xuyên du lịch khắp Việt Nam, trải nghiệm đủ cảm giác đi tàu, xe đò, phà… - những phương tiện đặc trưng của Việt Nam.

9 năm bên nhau, gia đình chị Trâm đã có thêm 1 thành viên nhỏ, đáng yêu. Cậu con trai 4 tuổi chính là món quà quý giá, kết tinh câu chuyện tình đẹp vượt biên giới của cô gái Việt và chàng trai mang 2 dòng máu: Pháp, Indonesia. Đối với họ, niềm hạnh phúc của gia đình giản dị lắm - chỉ cần được bên nhau tận hưởng từng khoảnh khắc vui vẻ, bình yên mỗi ngày.

Tôn trọng sự khác biệt
Tôn trọng và hòa nhập vào văn hóa của nhau, nhưng vợ chồng chị Trâm cũng có những “giới hạn” bất khả xâm phạm. Chị Trâm rất thích sầu riêng, nhưng chồng lại không chịu được mùi này. Thế là mỗi lần thèm, chị Trâm phải mang sầu riêng ra ban công ăn hoặc những lúc chồng đi công tác chị mới thả ga ăn món yêu thích.
Ngược lại, chị Trâm không bao giờ đụng đến phô mai xanh của Pháp, dù đây là món khoái khẩu của anh Loan Menuge. Thế là, những hôm thèm phô mai xanh, anh Loan Menuge sẽ đi ra nhà hàng và rủ bạn bè cùng thưởng thức.
Chị Trâm nói: “Sống cùng nhau, phải có sự thấu hiểu và sẻ chia. Đừng vì chữ yêu mà ép bạn đời làm những thứ họ không muốn. Ban đầu, vì yêu, người đàn ông có thể nuông chiều mình, nhưng đường dài sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Chính vì vậy, chúng tôi tôn trọng những sở thích riêng của nhau. Điều gì người này không thích thì người kia hạn chế làm và ngược lại”.

Nhã Chân

Theo www.phunuonline.com.vn
https://www.phunuonline.com.vn/chong-toi-con-viet-nam-hon-ca-toi-a1539396.html
Copy Link
https://www.phunuonline.com.vn/chong-toi-con-viet-nam-hon-ca-toi-a1539396.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện tình yêu 'Chồng tôi còn Việt Nam hơn cả tôi'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO