Cấp cứu 115: Những người vận chuyển giữa lằn ranh sinh tử

THÙY TRANG| 27/02/2023 13:25

Đà Nẵng - Cấp cứu ngoại viện – công việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, trong khi mức lương của các nhân viên y tế chưa thể lo toan trọn vẹn gia đình. Dù vậy các y bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu 115 cũng như hàng vạn nhân viên y tế trên cả nước, vẫn tự động viên nhau, động viên chính mình để yêu nghề, ở lại với nghề.

16 ngàn ca và 36 phút cấp cứu

Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng hiện có 1 trung tâm chính và 7 trạm cấp cứu đặt tại các địa bàn trên quận huyện. Tùy theo ca cấp cứu, trung tâm sẽ điều phối trạm gần đó với mục đích là rút ngắn thời gian, tránh việc chờ đợi, tăng cường hiệu quả sơ cấp cứu ban đầu…

Thời gian vừa qua, trung tâm triển khai mô hình báo động đỏ, phối hợp với bệnh viện trên địa bàn thành phố để cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt là trường hợp cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Với mô hình này, từ khi nhận cuộc gọi cho đến khi bệnh nhân được điều trị chỉ trong vòng 36 phút.

 
Công việc cấp cứu ngoại viện có ý nghĩa quan trọng trong công tác cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: Thùy Trang

Bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 chia sẻ, cấp cứu ngoại viện quan trọng nhất là thời gian vàng, tiếp cận bệnh nhân sớm nhất, đưa họ đến bệnh viện một cách an toàn. Người bệnh khi bị đột quỵ hay là nhồi máu não nếu được thăm khám sớm thì tăng tỷ lệ hồi phục, hạn chế di chứng tàn tật cho bệnh nhân sau này cao hơn. Người bệnh được hưởng lợi khá lớn nếu quy trình này làm tốt.

Cũng chính vậy, từng kíp cấp cứu, từng bác sĩ, điều dưỡng đều được đào tạo, yêu cầu thành thạo các kỹ thuật, nhất là hồi sinh tim phổi- kỹ thuật quan trọng để đảm bảo bệnh nhân còn sống, tránh di chứng tổn thương não cho đến khi  đến bệnh viện.

Nhờ những nỗ lực đó, năm 2022, số ca cấp cứu mà Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng thực hiện là 16.000 ca, không có trường hợp tai biến cũng như ý kiến phàn nàn, chê trách của người dân về thái độ, kỹ thuật chuyên môn của trung tâm.

Chọn một lý do để yêu nghề

Nỗ lực từng giây phút, mỗi ngày trung tâm có 2 kíp, một kíp trực 24h và kíp trực 8h. Công việc của những người nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện đối diện với nhiều nguy hiểm khi môi trường làm việc có rất nhiều yếu tố chi phối.

Một bệnh nhân bị tai nạn rớt xuống hố sâu, nhân viên y tế phải cùng lực lượng cứu nạn xuống tận nơi. Có lúc, họ phải đặt nội khí quản cho nạn nhân tại hiện trường. Bất kể trời nắng hay mưa, có cuộc gọi là kíp trực bật dậy, trong vòng 3 phút phải có mặt trên xe xuất phát. Điều đó đòi hỏi mỗi y bác sĩ cấp cứu ngoại viện phải có chuyên môn, kỹ năng tốt và tâm lý vững vàng.

Anh Nguyễn Trung – Điều dưỡng tại Trạm Cấp cứu Hải Châu cho hay, nhiều bạn thời gian đầu mới vào, khi đối diện với những ca bệnh tử vong tại hiện trường hay tử vong ngay trên tay mình, họ rất sốc, dù bệnh nhân tử vong do chấn thương quá nặng.

“Tôi động viên anh em cố lên, công việc của chúng ta sẽ còn gặp rất nhiều. Phải vững vàng tâm lí để sau này khi cấp cứu thì mình nỗ lực nhiều hơn nữa, làm thủ thuật thật chính xác, nhanh chóng để biết đâu có cơ hội cứu được nạn nhân. Đừng vì sợ, vì lo lắng mà chậm trễ, bỏ lỡ cơ hội cứu người” – anh Trung chia sẻ.

 
 
Hình ảnh nhân viên y tế 115 Đà Nẵng kiệt sức sau giờ làm nhưng những đồng nghiệp của họ cũng đã ngay lập tức vào ca sẵn sàng. Ảnh: Nguyễn Quang

Vất vả, khó khăn là vậy nhưng nhắc đến chuyện lương, thu nhập, ai cũng cười trừ. Mặc dù đều hưởng lương từ ngân sách nhà nước và có những chế độ đặc thù, thu nhập của nhân viên y tế hiện nay cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Với những người có gia đình, con nhỏ thì không ít lần họ cũng trăn trở có nên gắn bó làm công tác cấp cứu người bệnh hay không.

Kỹ thuật viên gây mê Ngô Diên Anh Tuấn cho hay, công việc căng thẳng, sau ca trực anh em gần như hết sức rồi, phải tranh thủ về nghỉ ngơi để ngày hôm sau lại vào ca, lại vào guồng quay. Nếu cố làm thêm một việc gì khác thì đến khi cấp cứu bệnh nhân sẽ có vấn đề ngay.

Chưa kể, công việc cấp cứu ngoại viện không phải là ước mơ hay là lựa chọn ban đầu của nhiều người khi chọn ngành y. Ngay chính bác sĩ Thảo tâm sự, ai học trường y cũng có những ước mơ sẽ làm được những điều vĩ đại, to lớn, làm một bác sĩ điều trị chuyên môn cao ở bệnh viện lớn.

“Ban đầu về công tác cấp cứu ngoại viện, cảm giác đầu tiên là tôi sẽ không thể gắn bó lâu dài. Bệnh nhân chẳng biết mình vì khi mình đến tiếp cận thì họ hôn mê, người nhà lúc đó cũng chỉ tập trung lo lắng cho người bệnh, họ cũng chả quan tâm mình là ai. Khi đến bệnh viện mình lại giống như một người đưa đò, đưa đến rồi họ cũng quên mất mình.

Nói vậy nhưng giờ tôi gắn bó với nghề hơn 10 năm. Sau khi làm một thời gian, từng người đều cảm nhận được, công việc của mình đem lại ý nghĩa rất lớn cho cộng đồng. Anh em hào hứng khi làm việc, có những cảm nhận khó tả khi mình tự tay cứu sống một bệnh nhân ở cộng đồng  - điều các ngành khác khó có thể tìm được, gặp được.

Có những bệnh nhân bị đẻ rơi, sản phụ có cơn chuyển dạ mà thai nhi bắt đầu ra ngoài mà chúng tôi kịp thời hỗ trợ thì khi bồng đứa trẻ trên tay là sự xúc động đến nghẹn ngào, tim đập nhanh vì hồi hộp, hào hứng… Có nhiều cung bậc cảm xúc mà những nhân viên y tế tại trung tâm trải qua, tất cả là lý do để chúng tôi gắn bó với nghề” – bác sĩ Thảo trải lòng.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/cap-cuu-115-nhung-nguoi-van-chuyen-giua-lan-ranh-sinh-tu-1152092.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/cap-cuu-115-nhung-nguoi-van-chuyen-giua-lan-ranh-sinh-tu-1152092.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cấp cứu 115: Những người vận chuyển giữa lằn ranh sinh tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO