Cảnh tượng ngột ngạt tại bệnh viện nhi ở TP.HCM

11/07/2023 15:31

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đang căng mình khắp các khoa phòng khi tay chân miệng tiến sát đỉnh dịch. Bệnh viện đã phải mở rộng thêm phòng bệnh, bác sĩ tăng ca, tăng người làm. Trong phòng cấp cứu, trẻ cũng phải nằm ghép.

“Ngày hôm qua (10/7), Khoa Nhiễm Thần kinh có 204 ca tay chân miệng điều trị nội trú. Mặc dù chúng tôi cho các bé xuất viện liên tục khi tình trạng ổn định nhưng lại phải nhận thêm khoảng 60 ca mỗi ngày. Hầu như ngày nào cũng có trẻ phải đặt nội khí quản và chuyển xuống các khoa hồi sức. Tay chân miệng đang tiến sát đỉnh dịch”, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho hay.

9h sáng, các bác sĩ luôn tay luôn chân khám bệnh mới, kiểm tra bệnh cũ và làm hồ sơ giấy tờ. Bên trong phòng bệnh, trẻ nhỏ quấy khóc vì mệt. Bên ngoài, một số phụ huynh trải chiếu cho con nằm để trốn không khí ngột ngạt.

Trong phòng cấp cứu, 16 trẻ chia nhau 8 chiếc giường. Nhiều bé li bì, tay chân được cố định để đảm bảo an toàn. Một cậu bé gần 2 tuổi phải thở oxy vì mắc tay chân miệng độ 3, xuất hiện các cơn ngưng thở. Mặc dù bác sĩ đã truyền 2 lần immunoglobulin nhưng tình hình của bé chưa ổn định. Con vẫn tiếp tục phải xét nghiệm để đánh giá tình trạng bội nhiễm và viêm màng não.

Phòng cấp cứu kín trẻ nhỏ bị tay chân miệng độ 2B, độ 3. 
tcm-nhi-1-1-581.jpg
Y bác sĩ Khoa Nhiễm thần kinh tất bật trong buổi sáng 11/7.

Khoảng 3 tuần trước, Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Khi đó, bệnh viện điều trị cho khoảng 50 ca nội trú tay chân miệng. Lúc này, con số đã tăng gấp 3-4 lần và biến động từng ngày.

Theo bác sĩ Quy, hiện có 8 phòng khám ngoại trú cho trẻ bị tay chân miệng với khoảng 400 lượt/ngày. Trẻ được tái khám liên tục để kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng. Bệnh nhi nhập viện và xuất viện liên tục, dồn ứ vào những ngày cuối tuần và đầu tuần. Tính đến sáng nay, Khoa Nhiễm thần kinh có 124 trẻ tay chân miệng điều trị nội trú, xu hướng sẽ tiếp tục tăng.

Trước tình hình trên, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở rộng thêm một tầng lầu (tầng 5) để Khoa Nhiễm thần kinh nhận thêm trẻ mắc bệnh. Công suất tối đa có thể lên đến 300 giường, chưa kể khu vực các khoa hồi sức. Tạm thời tầng mới sẽ tiếp nhận trẻ tay chân miệng điều trị dịch vụ.

Phòng ốc mới, rộng rãi là điều kiện thuận lợi để ứng phó với dịch bệnh sau rất nhiều năm bệnh viện này chịu cảnh quá tải và cũ kỹ. Mặc dù vậy, do lượng bệnh tăng cao và dồn ứ, tình trạng quá tải cục bộ cũng đã diễn ra.

Chị Nguyễn Thị Thu Trinh (21 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM) cho biết con trai nhập viện vào cuối tuần trước. Bé phải nằm chung với 4-5 trẻ khác. Chị Trinh và nhiều phụ huynh đã đưa con ra hành lang nghỉ ngơi.

Chị Trinh (bên phải) đưa con ra hành lang nằm để tránh ngột ngạt.
Khối lượng công việc quá lớn, y bác sĩ phải tăng ca, thêm người. 

Theo bác sĩ Tiêu Châu Thy, Khoa Nhiễm thần kinh, điều đáng sợ nhất là trẻ tay chân miệng chuyển nặng nhanh và đột ngột. Có trường hợp chỉ sau vài tiếng, trẻ phải đặt nội khí quản thở máy trong sự bàng hoàng của phụ huynh.

“Các con quá nhỏ nên không hợp tác, khóc nhiều. Chúng tôi cũng rất thương phụ huynh khi mỗi ngày chỉ được vào thăm con 2 lần trong phòng cấp cứu. Hiện nay, lượng bệnh quá đông, ca nặng quá nhiều nên chúng tôi buộc phải tăng ta, tăng giờ. Riêng phòng cấp cứu được bổ sung thêm một điều dưỡng để theo dõi sát các con”, bác sĩ Thy nói.

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã trải qua các đợt dịch tay chân miệng lớn: 2011, 2018 và nay. Với kinh nghiệm “trận mạc”, bệnh viện sẵn sàng các phương án theo từng mức độ. Ngoài việc mở rộng tầng lầu, Khoa Nhiễm Thần kinh còn xin thêm nhân lực là bác sĩ nội trú của các khoa khác.

“Chúng tôi phải tăng ca mới đáp ứng lượng bệnh đang có. Thông thường 1 đêm chỉ có 5 điều dưỡng và 2 bác sĩ, hiện nay tăng lên 6 điều dưỡng, 3 bác sĩ chính và 2 bác sĩ phụ. Vào ban ngày, chúng tôi tăng cường thêm 2 điều dưỡng cho 2 tầng lầu, các khung giờ từ sáng đến 11h và 16h đến 21h”, bác sĩ Quy cho hay.

Trong khi đó, Khoa Hồi sức tích cực Chống độc có 12 trẻ tay chân miệng phải nằm hồi sức với một nửa phải thở máy, 2 ca lọc máu thành công. Trường hợp nhỏ nhất là bé 6 tháng tuổi ngụ tại TP.HCM. Khoa này đã sẵn sàng dành 20 trong tổng số 30 giường bệnh phục vụ riêng các bé mắc tay chân miệng nặng và rất nặng.

Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính khiến tay chân miệng năm nay đến sớm và nặng nề là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. Bộ Y tế cũng đã có phương án đảm bảo về thuốc điều trị. Riêng tại TP.HCM, các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh lý này gồm: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

TP.HCM cũng đã lên các phương án ứng phó với từng mức độ diễn tiến, đặc biệt trước nguy cơ dịch chồng dịch (tay chân miệng và sốt xuất huyết).

Một trường hợp tay chân miệng nặng phải thở máy, đang nằm tại Khoa Hồi sức tích cực. 

“Điều quan trọng nhất là kịp thời phát hiện dấu hiệu biến chứng của trẻ khi mắc tay chân miệng. Trẻ có thể đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp, nguy kịch chỉ trong vài giờ. Do đó, khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh, theo dõi sát tình hình.

Cha mẹ không nên vì quá lo lắng mà đổ xô lên TP.HCM gây quá tải. Các bệnh viện tỉnh hiện điều trị tốt bệnh lý này với thuốc men và nhân lực có chuyên môn. Nếu không được chăm sóc ban đầu, trẻ có thể chuyển nặng và nguy kịch trên đường chuyển viện lên TP.HCM", bác sĩ Quy cảnh bảo.

Linh Giao

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh tượng ngột ngạt tại bệnh viện nhi ở TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO