Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội là một phương tiện giao tiếp, học tập, giải trí và kết nối với bạn bè, người thân của nhiều người, đặc biệt là sinh viên, người trẻ. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tấn công uy tín, danh dự hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người dùng.
Mới đây, tại buổi họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra vào ngày 6/11, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH-TTĐT) cho biết Cục đã rà quét được 47 nhóm trên Facebook chuyên hướng dẫn bùng nợ ngân hàng, lừa đảo bằng thế chấp tín dụng.
Ngay sau đó, Cục đã làm việc với Facebook và yêu cầu nền tảng này ngăn chặn vấn nạn trên. Facebook đã thực hiện ngăn chặn ngay với 43/47 nhóm, 4 nhóm còn lại được xác định là hành vi vi phạm chưa rõ ràng.
Hiện nay, tín dụng đen là hình thức vay tiền không qua các tổ chức tín dụng chính thống, mà thông qua các cá nhân, tổ chức hoặc ứng dụng trên mạng có lãi suất cao, thời hạn ngắn và áp dụng các biện pháp đòi nợ bạo lực, khủng bố. Nhiều người không đủ điều kiện vay chính thống đã tìm đến tín dụng đen bởi cách thức vay tiền nhanh gọn và đơn giản. Đây cũng chính là lý do khiến không ít người đã rủ nhau để bùng nợ.
Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, trong năm 2022 Bộ Công an đã khởi tố 90 vụ án với hơn 400 bị can cho vay nặng lãi. Trong đó có nhiều băng nhóm, đối tượng hoạt động liên quan đến công nghệ cao (cho vay qua app), và có cả các đối tượng là người nước ngoài núp bóng các công ty do người Việt đứng tên để hoạt động “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, không chỉ các nhóm cho vay nặng lãi mà cả các nhóm hướng dẫn bùng nợ, trốn nợ tín dụng đen cũng đang hoành hành trên mạng xã hội, đặc biệt là trên nền tảng Facebook. Chỉ với một số từ khóa tìm kiếm đơn giản, người dùng có thể dễ dàng tìm được hàng chục hội nhóm khác nhau hướng dẫn cách bùng nợ, trốn nợ tín dụng đen trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Trên thực tế, những hội nhóm khác nhau hướng dẫn cách bùng nợ, trốn nợ tín dụng đen trên nền tảng mạng xã hội Facebook đã được thành lập và hoạt động trong một khoảng thời gian dài, số lượng thành viên mỗi nhóm từ vài nghìn, vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên.
Những nhóm này thường đăng tải những bài viết, video, hình ảnh khuyến khích, hướng dẫn các cách bùng nợ, trốn nợ tín dụng đen hay vay tiền lừa đảo hoặc lừa đảo bằng thế chấp tín dụng. Những nội dung này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe, đạo đức của người xem, mà còn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về pháp lý, tài chính, an ninh.
Việc xuất hiện ngày càng nhiều những hội nhóm tiêu cực trên Facebook hiện nay đang là một hồi chuông đáng báo động. Nhất là trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội đang dần trở thành một phần của cuộc sống chúng ta, con người lại càng dễ bị ảnh hưởng nhiều bởi bất kỳ điều gì trên môi trường này dù là tích cực hay tiêu cực.
Đặc biệt là với người trẻ, đối tượng dành nhiều thời gian để sử dụng mạng xã hội. Núp bóng đằng sau những nội dung hướng dẫn cách trốn nợ, bùng nợ, cho vay,... có thể là những kẻ lừa đảo, có ý đồ xấu, lợi dụng tình trạng yếu thế của người tham gia để chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân, hoặc thậm chí là gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng.
Trong buổi tọa đàm với chủ đề: ‘An toàn không gian mạng cho sinh viên’. Bà Đinh Như Hoa - Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) có chia sẻ: "Lừa đảo không chừa một ai, với tất cả người dân sử dụng Internet, nhưng đối tượng thanh thiếu niên, học sinh thì được “focus”. Trong cẩm nang về lừa đảo trực tuyến mà Bộ TT - TT đưa lên thông tin đại chúng thì có đề cập đến 13 hình thức lừa đảo với học sinh, sinh viên Việt Nam".
Anh Nguyễn Nhất Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo (T.Ư Đoàn) cho rằng: “Tham gia mạng xã hội là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu không có cách tham gia phù hợp, chúng ta sẽ bị tụt hậu và gặp phải nhiều nguy cơ. Khi tham gia không gian mạng, giới trẻ có thể gặp phải những nguy cơ như: bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị bắt nạt trực tuyến, quấy rối trên không gian mạng và các tệ nạn khác như buôn bán người, nghiện game… hoặc tiếp xúc với tin giả”.
Những hội nhóm trên Facebook tưởng chừng như chỉ là không gian để giải trí nhưng thật chất đang tác động đến tâm lý của hàng nghìn, hàng chục nghìn những người tham gia. Do đó, hãy cân nhắc, tỉnh táo trước khi tham gia vào bất cứ hội nhóm trên Facebook, giữ một chiếc đầu lạnh và cân nhắc trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào khi sử dụng mạng xã hội.