Gặp nhiều ở trẻ ngoan và học khá
Bác sĩ Đỗ Thùy Dung - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết mới đây, một nam sinh 18 tuổi, sống ở Hà Nội được cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng luôn có cảm giác lo lắng, chóng mặt
Gia đình cho biết trước đây nam sinh cũng đã từng bị rối loạn cảm xúc nhưng đã điều trị thành công. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp nam sinh lại xuất hiện dấu hiệu hồi hộp trống ngực, căng thẳng, khó nhớ hay quên khi học, ngủ không sâu giấc, phải tới khám và điều trị tại viện.
Tương tự, một nam sinh khác 17 tuổi cũng ở Hà Nội đã nhập viện gần 1 tuần để điều trị stress, rối loạn cảm xúc. Theo phụ huynh nam bệnh nhân, dù đang giai đoạn quan trọng, nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp, nhưng con trai lại học "không vào".
Trước đó, từ lớp 11, em đã khó kiểm soát cảm xúc, trên tay có nhiều vết bầm tím, và luôn áp lực "vì không biết học nhiều để làm gì". Gần đây nam sinh này không theo được guồng ôn thi nên càng lo lắng và trốn học.
TS. Dương Minh Tâm - Trưởng phòng rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ trong một nghiên cứu năm 2019 -2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi thấy: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%).
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các cháu học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Điều đáng chú ý là stress gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá.
“Phần lớn, các trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress là đến từ các trường chuyên, lớp chọn. Với những trẻ ngoan, có thành tích cao trong học tập thường có những áp lực tự thân hơn là những trẻ mải chơi, áp lực vị trí trong trường lớp, hình ảnh bản thân trong mắt gia đình, thầy cô và thường sống, suy nghĩ có trách nhiệm hơn khiến trẻ phải nỗ lực không ngừng.
Những trẻ này thường căng thẳng và bị stress, nhất là khi không đạt được kỳ vọng sẽ bị nặng hơn trẻ khác. Điều này cho thấy các áp lực từ việc học tập, áp lực từ gia đình, áp lực thành tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress ở lứa tuổi học đường”, bác sĩ Tâm nhấn mạnh.
Dấu hiệu nào nhận biết
TS Minh Tâm cho biết stress thường diễn biến rất âm thầm, tuy nhiên khi trẻ có những hành vi sau, các bậc làm cha mẹ nên quan tâm: Đầu tiên là hành vi tự hủy hoại bản thân (các vết cứa ở cẳng tay hoặc đùi, cắn móng tay, bấm vào đầu ngón tay..). Việc tự làm đau bản thân này là cách để giải tỏa sự bấn loạn trong cảm xúc bản thân của trẻ.
Ngoài ra, trẻ có những hành vi bất thường, trái ngược với tính cách trước kia như trẻ trở nên hung hăng, chống đối hoặc tuân thủ quá mức, có sự rối loạn trong hành vi ăn uống như ăn quá ít hoặc quá nhiều, bị rối loạn giấc ngủ như ngủ quá nhiều hoặc quá ít, buồn chán, giảm kết nối với xã hội...
Hoặc có dạng stress cơ năng như trẻ bị đau bụng, đau đầu, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa... Những cơn đau này thường xuất hiện khi trẻ chuẩn bị bước vào kì thi hoặc trước sự kiện quan trọng. Khi sự kiện qua đi thì các cơn đau này giảm triệu chứng.
Tập luyện, hoạt động thể chất là một liều thuốc giảm căng thẳng cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài trời, dành thời gian trong thiên nhiên cũng là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
TS. Minh Tâm cũng đưa ra lời khuyên về việc tăng cường sự gắn kết gia đình thông qua những buổi tâm sự. Trò chuyện về những tình huống căng thẳng với một người lớn đáng tin cậy có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên nhìn nhận mọi thứ và tìm ra giải pháp. Đây là một trong những phương thức tốt nhất giúp trẻ nhận thức ra vấn đề của mình.
Dinh dưỡng mùa thi ra sao?
Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia ( Bộ Y tế), để đạt kết quả cao trong kỳ thi, ngoài yếu tố chính là do sức học của mình thì vấn đề sức khoẻ cũng rất quan trọng. Để có sức khoẻ tốt thì việc ăn uống và ngủ hợp lý cũng quan trọng không kém.
Vấn đề lựa chọn thực phẩm cũng rất quan trọng: Chọn thức ăn tươi, sạch để tránh ngộ độc thức ăn, nhất là những ngày đi thi không nên ăn thức ăn ngoài hàng quán hoặc thức ăn chế biến sẵn như: batê, súc xích, lạp sườn vì thức ăn này dễ có nguy cơ ngộ độc do chế biến lâu ngày.
Nên xoá bỏ quan niệm không đúng như: ăn chuối sẽ bị trượt vỏ chuối, hoặc ăn trứng bị điểm 0, ăn đậu đen không gặp may...những quan niệm này hoàn toàn sai lầm vì chuối là thức ăn bổ, sạch, an toàn, chứa nhiều vitamin và muối khoáng, trứng là thức ăn giàu chất đạm quý tốt trong lúc học và lúc thi, dù đậu đen hay đậu xanh, đậu đỏ đều chứa nhiều chất đạm như nhau.
Nên uống mỗi ngày 1-2 ly sữa để cung cấp thêm chất đạm và các vi chất cần thiết. Ngoài ra các em cần uống thêm các loại nước rau và hoa quả để cung cấp thêm cho cơ thể vitamin và muối khoáng Tổng lượng nước uống hàng ngày nên đạt 1,5-2 lít.
Các em cũng không nên uống trà đậm đặc hoặc cà phê vào buổi tối để thức khuya, vì các loại đồ uống này dễ gây mất ngủ, ngày hôm sau sẽ rất mệt mỏi không học được, dù phải học thi thì cũng không nên thức quá 12 giờ đêm, vì giấc ngủ ban đêm rất cần thiết cho lứa tuổi các em.