Cảng Phước An nằm trong nhóm cảng biển số 5, Hệ thống cảng biển khu vực TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu. Theo quy hoạch, cảng Phước An cũng là cảng biển lớn nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Cảng Phước An nằm bên bờ sông Thị Vải có tuyến luồng được đánh giá là tốt nhất hiện nay của Việt Nam. Mặt khác, cảng nằm trong vùng kinh tế động lực phía Nam, đây là khu vực có lượng hàng container thông qua chiếm 70% lượng hàng thông qua cảng biển Việt Nam.
Dự án cảng Phước An được chia thành các phân khu cảng và phân khu dịch vụ hậu cần. Trong đó, phân khu cảng có tổng diện tích 183 ha, tổng chiều dài bến cảng hơn 3.000m, gồm 6 bến container, 4 bến tổng hợp có khả năng đón tàu có tải trọng 60.000 DWT.
Để xây dựng công trình cảng Phước An, các nhà thầu thi công phải huy động nhiều sà lan, cẩu tháp để phục vụ thi công. Việc thi công tại vị trí chưa kết nối giao thông đường bộ, toàn bộ máy móc, vật liệu xây dựng được vận chuyển bằng đường thủy.
Khu dịch vụ hậu cần cảng có diện tích trên 550 ha với hệ thống dịch vụ, kho bãi, hàng hóa... Đầu tháng 12, các hạng mục cầu cảng chính, mặt bằng kho bãi container cơ bản đã hoàn thiện.
Về tiến độ thi công, theo chủ đầu tư, hiện nay tiến độ hạng mục ép cọc dự án đã hoàn thành khoảng 90%. Để đẩy nhanh tiến độ dự án cảng Phước An, chủ đầu tư cũng đã kiến nghị tỉnh Đồng Nai hỗ trợ trong công tác điều chỉnh quy hoạch cục bộ dự án.
Đầu tháng 12, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ sớm các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Phước An.
Theo dự kiến, trong quý II năm 2024, cầu cảng đầu tiên của cảng Phước An sẽ được đưa vào khai thác. Trên công trường, các nhà thầu đẩy nhanh thi công để kịp đưa bến cảng đầu tiên vào khai thác vào quý II năm 2024 theo kế hoạch.
Lượng lớn vật liệu sắt, thép được tập kết tại bến cảng. Các vật liệu, máy móc thi công cầu cảng được vận chuyển bằng đường thủy đến công trình cảng Phước An. Cảng Phước An có vị trí kết nối với các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 51... giúp các doanh nghiệp vận tải thuận tiện trong giao dịch.
Cảng Phước An đưa vào hoạt động sẽ giải tỏa lượng hàng rất lớn của tỉnh Đồng Nai và khu vực Đông Nam Bộ. Đặc biệt rất nhiều khu công nghiệp có tuyến đường kết nối rất gần với Cảng Phước An như Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Long Thành, Phú Mỹ...
Cảng biển lớn nhất tỉnh Đồng Nai này vừa được UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất quy hoạch trở thành 1 trong 4 trung tâm logistics quy mô lớn của tỉnh gồm: trung tâm tổng kho miền Đông - Trảng Bom (620 ha); trung tâm hậu cần cảng Phước An (234 ha); trung tâm phía Bắc sân bay Long Thành (100 ha); trung tâm phía Nam sân bay Long Thành phối cảnh một trung tâm logistics.
Tuyến đường kết nối vào cảng Phước An thuộc huyện Nhơn Trạch, đoạn từ nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến cảng Phước An dài gần 6km có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng đang dần thành hình. Đây là tuyến đường bộ duy nhất kết nối với cảng Phước An khi đưa vào hoạt động.
Vị trí cảng Phước An, tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Google Maps).