Cẩn thận với 'Alo là có tiền'

28/09/2023 12:00

Đến cùng, mạng sống của con người vẫn là quan trọng nhất.

Vụ án người giúp việc ra tay sát hại cháu bé mới 21 tháng tuổi sau khi đòi tiền chuộc 1,5 tỷ đồng khiến tôi nghĩ mãi mấy hôm nay. Tôi đọc gần như hết mọi bài báo chính thống lẫn cả những chuyện thị phi trên mạng xã hội hòng đi tìm một lý giải: Tại sao xảy ra cớ sự này?

Một cô gái chưa đầy 30 tuổi, tốt nghiệp trường Sư phạm chứ không phải có hạn chế về nhận thức; chưa từng có tiền án, tiền sự; gia đình ở địa phương không bị điều tiếng nào. Vậy tại sao lại người này có hành vi tàn nhẫn đến thế, sau đó thì tự kết liễu đời mình?

Theo phân tích của tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu trên báo Dân trí, động cơ bắt cóc bé gái của Giáp Thị Huyền Trang, có thể do túng quẫn, khó khăn từ việc vay nợ, ma túy, cờ bạc... là nguyên nhân đối tượng cần tiền gấp. Thực tế, có nhiều thông tin cho rằng Trang nợ nần từ việc chơi cờ bạc, đầu tư trên mạng...

Cẩn thận với Alo là có tiền - 1

Vụ bắt cóc bé gái 21 tháng tuổi gây rúng động dư luận gần đây được cho có căn nguyên từ việc bị can túng quẫn, nợ nần.

Nợ nần. Nếu đúng như vậy, đây cũng là khởi đầu nguyên nhân của vụ bắt cóc ở khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội) tháng trước. Nó cũng là lý do của rất nhiều bi kịch khác, thậm chí có những người cha, người mẹ tìm đến giải pháp tiêu cực nhất. Nợ nần biến những người hiền lành trở nên máu lạnh, làm liều; có trường hợp cướp ngân hàng, tiệm vàng…, mới đây là cướp cả nhà sách ở Long Thành (Đồng Nai). Mấy tháng trước, ở khu chung cư nơi tôi sống, một người giúp việc gieo mình từ tầng 28 xuống chỉ vì con của chị nợ nần.

Thực ra trong cuộc sống thì nợ nần là chuyện bình thường. Ở tầm quốc gia, ngay cả các cường quốc còn nợ nần. Chính chúng ta, rất nhiều người đang gánh một vài khoản nợ trong thẻ tín dụng. Thời của tiêu trước trả sau khiến ai cũng có những khoản nợ phải trả.

Gia đình tôi làm dịch vụ liên quan đến trang trí nhà cửa, cũng có một tổ chức tài chính tín dụng đến mời chào gói… trả góp dành cho khách hàng. Theo đó, khách sử dụng dịch vụ của gia đình tôi có thể trả góp thông qua app tài chính và chúng tôi thì được trả toàn bộ tiền làm dịch vụ của mình ngay sau khi khách đăng ký thành công khoản vay.

Vợ tôi đã từ chối tổ chức tài chính này, vì sau khi xem biểu lãi suất vay thì giật mình biết khách hàng có thể trở thành con nợ với mức trả cả gốc lẫn lãi có thể lên tới 300%. Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều hiểu và quan tâm đến điều đó khi mà sản phẩm mình bán ra là "tiền tươi thóc thật" về tay ngay như vậy.

Thời của tiêu trước trả sau cũng không xấu. Nước ngoài họ đã triển khai từ lâu rồi. Nhưng ở Việt Nam, với sự bùng phát của tín dụng đen thì đây thực sự là một điều đáng sợ. Đáng sợ trước hết với các bạn trẻ, sinh viên và những người mới đi làm, xung quanh nơi họ ở trọ luôn có những tờ rơi, những lời mời chào vay mượn dễ dàng, "5 phút là có tiền" hay "alo là có tiền". Nhiều tiệm cầm đồ gần trường đại học hầu như không có chiếc xe máy nào cắm lại, mà chỉ có căn cước công dân, thẻ sinh viên, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe...

Các lực lượng chức năng đã và đang vào cuộc, triệt phát rất nhiều đường dây, băng nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Nhưng thực tế thì tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng, bất cứ ai cần vay tiền thì luôn có thể tiếp cận với những khoản vay dễ dàng về điều kiện giải ngân song lãi suất "trên trời". Thử vào một trang quảng cáo cờ bạc trái phép trên mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy hàng trăm bình luận giới thiệu dịch vụ cho vay tiền, thực chất là tín dụng đen.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc dẹp bỏ tín dụng đen, cho vay nặng lãi là cần thiết, nhưng, chúng ta cũng cần đến những giải pháp căn cơ hơn, đi từ gốc rễ vấn đề.

Trước hết tôi cho rằng các trường đại học và cả trong chương trình giáo dục phổ thông, chúng ta cần dạy các em kiến thức tài chính cá nhân, hiểu về "lãi mẹ đẻ lãi con"; việc quản lý các khoản vay, học cách tiêu dùng phù hợp… Các bậc phụ huynh cũng cần dạy con về giá trị đồng tiền gắn liền với lao động, thay vì chỉ quan tâm đến sức khỏe và kết quả học tập của con.

Các chương trình tín dụng của ngân hàng với khoản vay nhỏ, lãi suất theo đúng quy định pháp luật (vi tín dụng) cần được mở rộng hơn, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ như chấm điểm uy tín tín dụng của khách hàng để khuyến khích trả nợ đúng hạn. Mở rộng cánh cửa tín dụng chính thức sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Nên chăng có những tổ chức xã hội làm công tác tư vấn, hỗ trợ các trường hợp đang trong cảnh cùng quẫn vì nợ nần. Chúng ta không dung túng cho các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng hoàn toàn có thể cùng nhau trợ giúp một ai đó, hoặc ít nhất là thông qua tổ chức công tác xã hội, để tư vấn cho họ không "túng quá làm liều". Bởi cuối cùng, mạng sống của con người vẫn là quan trọng nhất.

Tác giảNhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cẩn thận với 'Alo là có tiền'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO