“Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa nói chung, nhà hát nói riêng là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nhưng cũng cần cân nhắc kỹ ở nhiều phương diện”, đại biểu Bùi Hoài Sơn trả lời bên hành lang Quốc hội trước đề xuất xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam cạnh Nhà hát Lớn.
Ông Bùi Hoài Sơn là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Đề xuất xây nhà hát các dân tộc Việt Nam được Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ bên lề Quốc hội. Công trình chưa định ngày khởi công, đang trong giai đoạn xây dựng chủ trương.
Hà Nội đang thiếu hạ tầng văn hóa
Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng các thiết chế văn hóa không chỉ giúp tổ chức những chương trình văn hóa, nghệ thuật lớn, có thương hiệu khu vực và quốc tế, mà còn giúp cho các nghệ sĩ của chúng ta có thể thể hiện tài năng của mình, giao lưu với các nghệ sĩ quốc tế để từ đó phát triển tài năng.
Đại biểu đánh giá Hà Nội đang thiếu các thiết chế văn hóa như vậy. Đa phần các nhà hát đều được xây dựng từ khá lâu, có công năng chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện tại. Nhà hát tốt nhất đang có lại là Nhà hát Lớn đã xây dựng cách đây hơn 100 năm (từ năm 1911), luôn luôn quá tải, chuẩn bị phải bảo dưỡng.
“Sắp tới đây, Nhà hát Hồ Gươm sẽ được khánh thành nhưng kể cả như vậy cũng sẽ chưa đủ đáp ứng sự phát triển nghệ thuật ở thủ đô trong những năm sắp tới”, ông nói.
Nhìn bài học trên thế giới, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhắc đến khu vực West End ở London (Anh) nổi tiếng trên toàn thế giới với nhiều nhà hát nổi tiếng và được xem là trung tâm của ngành công nghiệp giải trí và văn hóa. Tại đây hiện có khoảng 40 nhà hát chính, trong đó có một số nhà hát nổi tiếng trong khu vực này như Her Majesty's Theatre, Prince of Wales Theatre, Savoy Theatre, Apollo Victoria…
Ở khu vực trung tâm Bangkok (Thái Lan), có nhiều nhà hát nổi tiếng như Bangkok Art and Culture Centre, Thailand Cultural Centre, Siam Niramit Bangkok, Bangkok Playhouse...
Singapore đang xây dựng mình trở thành trung tâm văn hóa và giải trí quan trọng của châu Á. Nước này đang có khoảng 20 nhà hát chính hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ nghệ thuật biểu diễn đến âm nhạc và phim ảnh. Một số nhà hát nổi tiếng ở Singapore gồm Esplanade - Theatres on the Bay, Victoria Theatre and Victoria Concert Hall, Drama Centre Singapore, Kallang Theatre, Sands Theatre at Marina Bay Sands, The Arts House, Capitol Theatre hay SOTA Concert Hall.
“Chúng ta cần có những thiết chế văn hóa nói chung, nhà hát nói riêng để đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa, đặc biệt là Hà Nội chính là trung tâm văn hóa của cả nước, nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế”, ông nói.
Lo ngại không gian bó hẹp và sự hiệu quả
Tuy nhiên, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng để xây dựng nhà hát ở đâu lại là một vấn đề cần phải xem xét. Việc xác định xây dựng nhà hát ở cạnh Nhà hát Lớn phù hợp ở việc thiết chế văn hóa cần ở vị trí trung tâm, dễ tiếp cận để từ đó thuận tiện cho việc thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
Tuy vậy, đây lại là một vị trí đặc biệt cả về kiến trúc, mật độ cư dân, điều kiện lịch sử nên luôn đòi hỏi cần có những công trình phù hợp. Không gian ở đây cũng khá nhỏ, không hoàn toàn phù hợp với việc xây dựng một thiết chế văn hóa hiện đại, vốn cần có không gian rộng rãi để phục vụ những nhu cầu đa dạng, phong phú. Thiết chế văn hóa cũng là một công trình có nhiều thiết kế phức tạp để phù hợp với sự phát triển công nghệ, tạo thành một không gian sáng tạo cho mọi người.
Địa điểm xây dựng nhà hát được đề xuất phía sau Nhà hát Lớn. Ảnh: NS. |
Như vậy, ông cho rằng cần có đánh giá tác động kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa cụ thể để hài hòa lợi ích của tất cả bên liên quan trước khi quyết định xây dựng một công trình quan trọng như Nhà hát các dân tộc ở khu vực này.
Ngoài ra, các nhà hát chuyên biệt ở Hà Nội khá nhiều như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng... nhưng không hiệu quả. Đó còn chưa kể quanh khu vực Nhà hát Lớn có Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Hồ Gươm, Rạp Đại Nam...
“Việc thêm một nhà hát như vậy liệu có đảm bảo sáng đèn, hay lại thêm một thiết chế lãng phí?”, ông đặt câu hỏi.
Tuy vậy, đại biểu cũng cho rằng Hà Nội không đủ các nhà hát phục vụ cho nhu cầu phát triển văn hóa hiện tại, nhất là khi đang xây dựng thành phố sáng tạo, đáng sống. Việc các nhà hát ở thành phố chưa hoạt động hết công suất không chỉ bởi năng lực hạn chế của các nhà hát này, mà còn bởi nhiều lý do khác nhau. Trong đó có cả những nguyên nhân ngoài chuyên môn như sự bó buộc bởi các cơ chế, chính sách về thuế, đất đai, đối tác công - tư, quản lý sử dụng tài sản công...
Ngoài ra, có cả sự thiếu năng động với thị trường, thiếu kỹ năng kinh doanh và xây dựng thương hiệu nữa. Hơn thế, mỗi thiết chế văn hóa hay mỗi nhà hát lại có những chức năng khác nhau.
“Tôi cũng rất lúng túng khi nhiều người bạn quốc tế nói rằng, để tổ chức một sự kiện nghệ thuật lớn ở Việt Nam rất khó có một nhà hát nào đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của họ, cả về sân khấu, âm thanh, ánh sáng hay các công nghệ mới cập nhật hiện nay. Vì thế, có thêm một công trình nhà hát có thể tổ chức các buổi biểu diễn, sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế vẫn là một việc làm cần thiết, đáng để đầu tư”, ông nói.
Đại biểu nhấn mạnh nếu biết cách khai thác với việc chuyên nghiệp trong xây dựng thương hiệu, kỹ năng kinh doanh, phát triển khán giả, hoàn toàn tin tưởng rằng, nhà hát mới có thể tạo điểm nhấn cho Hà Nội. Điều này giúp tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế để đánh dấu thương hiệu Việt Nam.