1 triệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ năn tượng đã bán ra toàn cầu
Với những đặc trưng địa lý – địa hình đặc biệt, tại Việt Nam, miền Tây – cụ thể là bán đảo Cà Mau, đang là vùng đất phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng nhất bởi tiến trình biến đổi khí hậu của trái đất.
Bán đảo Cà Mau – vùng đất cực Nam rộng khoảng 1,6 triệu ha, gồm thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần của Kiên Giang.
Việc các quốc gia ở đầu nguồn sông Mekong cấp tập xây đập đã khiến vùng đất này không còn đặc trưng mùa nước nổi như trước kia, các đồng bằng cũng thiếu lượng phù sa lớn bồi đắp hằng năm. Nước mặn xâm thực ngày càng sâu cộng với nắng nóng cao và kéo dài, khiến độ mặn trong đồng ruộng ở các tỉnh ven biển như Cà Mau hay Kiên Giang quá sức chịu đựng của cây lúa hoặc các cây hoa màu truyền thống.
Tác động kép nói trên khiến năng suất của các loại cây trồng thế mạnh như trái cây hay lúa gạo bị giảm sút, khiến người dân giảm thu nhập – thiếu việc làm. Thực trạng này đã làm tỷ lệ thanh niên ly hương lên các thành phố lớn để làm công nhân tăng cao, phụ nữ - người già ở quê thì thiếu việc làm, tỷ lệ trẻ em nghỉ học sớm cũng ngày càng tăng. Theo đà phát triển này, thì Miền Tây sẽ 'nghèo vẫn hoàn nghèo' nếu so với các khu vực khác của Việt Nam.
Trong khoảng vài năm gần đây, cỏ năn tượng bỗng nổi lên như một giải pháp khả dĩ có thể khiến miền Tây bớt khổ.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cây năn tượng thuộc họ lác (còn có tên gọi khác là hến biển) mọc tự nhiên trong các đầm lầy vùng ven biển. Với người dân ở bán đảo Cà Mau, thì cây năn tượng chẳng xa lạ gì với họ, từ lúc bắt đầu có nhận thức thì cây năn tượng đã ở trước mắt họ và đồng hành cùng với họ cho tới lúc chết đi.
Cách đây khoảng 20 năm, lúc phong trào nuôi tôm xen canh trồng lúa rộ lên, thì nhiều người dân ở Cà Mau hoặc Kiên Giang đã phải thuê người dọn sạch cỏ năn tượng để xuống lúa – tôm. Tuy nhiên, theo thời gian, khi mà độ mặn của các khu ruộng này ngày tăng khiến cây lúa không sống nổi nữa, thì mọi người lại nhớ đến cỏ năn tượng.
"Những năm 2015 – 2016, sau khoảng 10 năm nuôi tôm quảng canh hoặc theo kiểu xen canh, nước ở trong ruộng bốc hơi ngày càng nhiều, khiến nước ngày càng mặn và không trồng được cây gì nữa. Lúc đó mọi người mới bắt đầu nhớ tới cây nguyên bản của vùng đất này là cỏ năn tượng. Cỏ năn tượng có thể sống ở môi trường có độ mặn lên đến 20/1000, môi trường lý tưởng nhất là độ mặn từ 5/1000 đến 10/1000.
Tất nhiên, giai đoạn đầu tiên của sự chuyển đổi này là không dễ. Không ít lần, khi nghe tôi trình bày đến việc trồng cỏ năn tượng xen canh với tôm, nhiều lãnh đạo các xã/huyện đã rất ngạc nhiên, bởi họ nghĩ rằng: tôi phải đề nghị cây gì đó - nếu không có ích bằng lúa thì cũng phải ăn được, chứ ai lại đi trồng cỏ!", Tiến sĩ Dương Văn Ni – Nhà sáng lập Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long (MCF) chia sẻ trong Diễn đàn Quốc tế về kinh doanh sáng tạo 2024 do BSA phối hợp tổ chức.
Sự tái xuất hiện của cỏ năn tượng giúp môi trường các vuông tôm được cải thiện, ổn định nhiệt độ nước và giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra; nhờ vậy, tôm nuôi rất ít khi bị bệnh và mau lớn. Khi để ruộng trống, tôm nuôi 3 tháng chỉ đạt 30 - 35 con/kg, nhưng khi trồng cỏ năn tượng, cùng thời gian, tôm đạt 20 con/kg, cũng giống như môi trường có lúa trước kia.
Cũng theo vị Tiến sĩ này, thì năm 2004, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như túi xách/giỏ gia dụng/chậu cây… từ nguyên liệu cỏ năn tượng khô đã xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, những sản phẩm này lại rất khó tiêu thụ bởi nhiều nguyên nhân.
"Thị trường không chấp nhận đồ gia dụng từ cỏ năn tượng vì nhiều nguyên nhân: có thể tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp khi họ chuyển đổi sang nguyên liệu khác; người ta chưa biết nguyên liệu này sẽ như thế nào khi đưa vào sử dụng, thành thử không chấp nhận; doanh nghiệp đang làm tốt với lục bình, thì không có lý do gì tìm nguyên liệu khác để thay thế", Tiến sĩ Dương Văn Ni bày tỏ.
Đến những năm hạn mặn 2014-2016, lúa không sống được và lục bình cũng thế, khiến nguyên liệu truyền thống lục bình ngày càng khan hiếm, nên cỏ năn tượng mới được nhiều DN cân nhắc.
"Tuy nhiên, phải đến năm 2019, khi chúng tôi tìm đến với DN chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ - đồ gia dụng Việt Nam đến Úc – Mỹ tên Vietnam Housewares, thì nguyên liệu cỏ năn tượng mới lên được mặt bàn. Mới đầu, Vietnam Housewares cũng khá ngần ngại trước nguyên liệu mới này, nhưng dưới sự thuyết phục của chúng tôi, thì họ cũng phản hồi 'để em liều với anh xem sao'.
Bên cạnh đó, sau khi thử thăm dò ở thị trường châu Âu, thì sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ cỏ năn tượng được người tiêu dùng đón nhận tốt. Đầu tiên, vì bản thân cỏ năng tượng nhỏ hơn lục bình nên dễ tạo hình và trông cao cấp hơn. Thứ hai, khi vào mùa đông châu Âu, nguyên liệu lục bình trở nên dòn và dễ vỡ, còn cỏ năn tượng thì không", Tiến sĩ Dương Văn Ni phân tích.
Dưới sự giúp sức của Vietnam Housewares cùng nhiều đối tác khác, đã có 1 triệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cỏ năn tượng bán ra trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, thì tiềm năng của cỏ năng tượng không chỉ dừng lại ở những số liệu kể trên. 1ha ruộng sẽ cho ra 1 tấn cỏ năn tượng khô/vụ, tức 1.000.000ha sẽ cho ra 1 triệu tấn (bán đảo Cà Mau rộng 1,6 triệu ha). Vì là sản phẩm phụ trong quá trình canh tác tôm, tức là không ai đi bón phân cho cỏ năn tượng, nên nó sạch 100%. Ngoài làm giỏ/túi xách thì cỏ năn tượng có thể dùng như nguyên liệu cho ngành phân bón hay ngành giấy.
Cỏ năn tượng giúp nâng cao vị thế của người phụ nữ lớn tuổi ở nông thôn miền Tây
Sau khi cỏ năn tượng có thể biến thành đô la và vàng ròng, nó đã mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho các hộ gia đình và người dân ở bán đảo Cà Mau.
7kg cỏ năn tượng tươi sẽ thu được 1kg năn tượng khô, 1kg năn tượng khô có giá giao động từ 6.000 đến 10.000 (tùy khoảng cách và độ non già). Vòng đời sinh trưởng của cỏ năn tượng khoảng 4 tháng, mỗi năm có thể thu hoạch 3 lần.
Tức ngoài thu nhập chính từ tôm, trong 1 năm, hộ nuôi tôm còn có thể thu về khoảng 30 triệu đồng/ha khi bán cỏ năn tượng cho thương lái. Nhiều chủ hộ nuôi tôm không tự cắt mà thuê người để làm việc đó, nhiều người làm thuê sẵn sàng nhận cỏ để bù tiền công.
"Hiện đang có từ 2.000 đến 3.000 phụ nữ ở các vùng nông thôn ở bán đảo Cà Mau tham gia đan lát các sản phẩm từ cỏ năn tượng. Trong đó 80% đến 90% là nữ - phần lớn là người trong độ tuổi 40-60. Một lần tôi có hỏi một cô lớn tuổi tham gia hợp tác xã đan lát, thì niềm vui của cô hiện tại là gì? Tôi nghĩ cô ấy sẽ trả lời là 'kiếm được tiền', nhưng cuối cùng cô ấy lại bảo 'vui nhất là già rồi mà không bị khi dễ!'", Nhà sáng lập MCF kể.
Với mỗi sản phẩm đạt chất lượng, người dân sẽ được trả 20.000 – 30.000 đồng, trung bình thu nhập 80.000 – 100.000 đồng/ngày; chị em nào đan giỏi có thể kiếm được khoảng 500.000 đồng/tuần. Thường thì phụ nữ tham gia đan lát trong thời gian rảnh rỗi, sau khi hoàn thành các công việc nội trợ trong gia đình như giặt giũ, nấu ăn hay chăm chồng con.
Trong một lần gặp gỡ, qua chia sẻ của Tiến sĩ Dương Văn Ni, Tổng lãnh sự Úc tại Việt Nam biết rằng: đã có 200.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ năn tượng đến Úc, giúp người tiêu dùng Úc không gây hại đáng kể đến môi trường. Sau đó, Tổng lãnh sự Úc đã đề nghị Chính phủ Úc tài trợ một số tiền đáng kể để phát triển ngành hàng này.
Sáng kiến Tạo sinh kế bền vững thông qua cây trồng thích ứng với khí hậu, trị giá 1,1 triệu đô la Úc được tài trợ bởi Chính phủ Úc trong giai đoạn 2023-2025. MCF đang là đối tác chính của sáng kiến này, cung cấp việc quản lý tổng thể, bao gồm cả giám sát và đánh giá. MCF hiện quản lý và điều phối trên 20 tổ hợp tác và 2 HTX xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây năn tượng.
Theo đó, cơ chế vận hành của dự án như thế này: MCF sẽ cung cấp mẫu mã theo yêu cầu từ Vietnam Housewares và nguồn nguyên liệu đến các cơ sở thành viên. Từ đây, các HTX và tổ hợp tác sẽ điều phối sản xuất tiếp xuống bên dưới và thành phẩm sau đó được thu gom chuyển ngược lại trung tâm điều phối MCF. Tiếp theo, nguồn hàng được vận chuyển về Vietnam Housewares ở Bình Dương để xử lý những khâu cuối cùng và xuất khẩu 100% đi nước ngoài.
"Với chúng tôi, một dự án phát triển bền vững không chỉ đến từ sản phẩm mà còn từ các vận hành – logistic.
Người già thì thường hay quên – nói trước quên sau. Nếu để một bạn nào đó trong MCF suốt ngày chạy xe từ chỗ này đến chỗ kia để huấn luyện lại thì quá mất thời gian, tài lực và xăng xe cũng gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết điểm tắc nghẽn này, chúng tôi đã đề cao văn hóa bản địa 'tình làng nghĩa xóm', hàng xóm trẻ bày hàng xóm già, người nhanh nhẹn trong HTX kèm người chậm hơn. Với tôi, chuyện gì mà chúng ta chưa ưng ý thì hãy xúm vào làm để tốt hơn!
Từ khi có vụ lúa trái mùa, thì nhà màng không phải là điều gì quá xa lạ ở bán đảo Cà Mau. Chúng tôi đã tận dụng nhà màng nilon – năng lượng mặt trời để sấy cỏ năn tượng. Vậy nên, ở tổ hợp hoặc HTX của chúng tôi, chỉ tốn điện của nhà nước cho thắp sáng vào buổi tối", Tiến sĩ Dương Văn Ni chia sẻ thêm.