Cái giá của việc mù quáng tin vào ‘luật hấp dẫn’ trên TikTok

07/03/2023 15:44

Trào lưu cho rằng chỉ cần lạc quan, tin vào vũ trụ, mọi ước muốn sẽ thành hiện thực không chỉ gây ảo tưởng, mà còn có thể mang lại hậu quả tiêu cực về lâu dài.

“Hội chứng cô gái may mắn” khuyến khích mọi người tin vào vũ trụ để mong cầu điều tốt đẹp đến với mình. Ảnh: Adriana/Pinterest.

“Chỉ cần tin rằng mình là người may mắn nhất thế gian, bạn sẽ được như ý. Điều này hiệu nghiệm là nhờ chúng ta sử dụng ‘luật hấp dẫn giả định’: những gì bạn tin là đúng sẽ trở thành hiện thực”.

Đây là cách TikToker @hothighpriestess giải thích về “hội chứng cô gái may mắn” (#luckygirlsyndrome) - xu hướng mà chính cô góp phần khiến nó xâm chiếm TikTok gần đây bằng cách bán các hội thảo trực tuyến, theo EL PAÍS.

“Mãi cho tới khi tôi bắt đầu tin rằng những điều tuyệt vời sẽ đến với mình, cơ hội cứ thế tăng lên”, một người dùng khác cho hay.

Aira, TikToker người Tây Ban Nha, cố gắng thêm vào khía cạnh khoa học bằng cách nói về hệ thống kích hoạt dạng lưới - một bó dây thần kinh ở thân não người có chức năng lọc ra những thông tin không cần thiết nhằm chỉ tiếp nhận thông tin quan trọng.

Trên TikTok, hàng triệu người khẳng định xu hướng này hiệu quả với họ khi ước mua nhà được mua nhà, muốn tăng lương được tăng lương, thậm chí là thắng cá cược. Trong khi đó, số khác cố gắng lật tẩy rằng đây chỉ là niềm tin mù quáng.

Biến thể

Về cơ bản, để trở thành “cô gái may mắn nhất thế giới”, bạn phải viết điều ước của mình vào ứng dụng trên điện thoại hoặc cầu kỳ hơn là thiết kế tờ ghi chú bắt mắt.

Ngoài ra, theo các TikToker khác, việc ghi “nhật ký biết ơn” để cảm ơn vũ trụ vì tất cả món quà mình được nhận cũng cần thiết.

Một số cách phổ biến để trở thành cô gái may mắn được lan truyền là “Manifestation 369” (viết điều ước 3 lần vào buổi sáng, 6 lần vào giữa ngày và 9 lần trước khi đi ngủ), 55x5 (viết điều ước 55 lần/ngày trong 5 hôm liên tiếp).

Trao luu TikTok doc hai anh 1
Hashtag #luckygirlsyndrome hiện thu về gần 557 triệu lượt xem trên TikTok. Ảnh: Keren Levand.

Nhiều người chỉ đơn giản đăng bài hoặc video chia sẻ những mục tiêu họ đang theo đuổi. Tuy nhiên, số khác bỏ tiền ra để được các “chuyên gia” về mảng này như Kristen Jenna, người thành lập “học viện áp dụng luật hấp dẫn” năm 2019, hay Marissa Moon, bỏ việc đến Bali (Indonesia) sống và giúp khách hàng đạt được điều tương tự.

Về cốt lõi, “hội chứng cô gái may mắn” là biến thể của lối suy nghĩ đã phổ biến từ lâu: mong cầu điều tích cực bằng cách suy nghĩ kịch liệt về chúng.

Các triết gia như Ralph Waldo Emerson từng giới thiệu khái niệm này trong tác phẩm của họ dưới dạng “quy tắc hấp dẫn”. Trong những thập kỷ gần đây, tính tích cực vô điều kiện đã tìm thấy mảnh đất màu mỡ trong văn hóa đại chúng, có thể là trong những cuốn sách bán chạy nhất như The Secret của Rhonda Byrne hay thông qua cái được gọi là “tư duy tích cực”.

Có lẽ, điều khiến “hội chứng cô gái may mắn” khác biệt với phần còn lại là cách tiếp cận thực dụng của nó.

“Tôi bắt đầu nói về việc mình nóng bỏng như thế nào thay vì chê bai bản thân xấu xí. Giờ đây, tôi thật sự nóng bỏng”, một người ủng hộ lý thuyết này giải thích.

Một người khác cho biết: “Một ngày sau khi bắt đầu thực hành phương pháp này, ai đó đã trả tiền làm nail cho tôi. Tôi cũng săn được vé máy bay với giá rẻ bất ngờ”.

Tác hại

Giống như các phiên bản trước của “tư duy tích cực”, xu hướng trên TikTok gần đây cố gắng thêm khoa học vào lý thuyết.

Những người ủng hộ thường trích dẫn các nghiên cứu về thần kinh học. Một trong số đó là nghiên cứu được thực hiện năm 2015 và được xuất bản trong cuốn sách Social Cognitive and Affective Neuroscience chứng minh rằng những lời khẳng định tích cực sẽ kích hoạt các phần não liên quan đến nhận thức bản thân.

Thiên kiến xác nhận (confirmation bias, ví dụ: một phụ nữ mang thai nhìn thấy phụ nữ mang bầu ở khắp nơi) cũng được đề cập thường xuyên.

Dựa trên ý tưởng này, người ta tin rằng nghĩ về tiền sẽ mang lại tiền.

Trao luu TikTok doc hai anh 2
Được phổ biến bởi người sáng tạo Laura Galebe, “hội chứng cô gái may mắn” về cơ bản là sự kết hợp giữa “luật hấp dẫn giả định” và những niềm tin vô lý trên TikTok. Ảnh: Glamour.

Những hiện tượng kể trên là một phần của “sự tích cực độc hại” - nỗi ám ảnh phải luôn mang suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh, dù là lúc trải qua nỗi buồn đau.

Edgar Cabanas, tác giả cuốn sách viết về niềm hạnh phúc, tin rằng “luật hấp dẫn” chỉ là “một dạng tư duy ma thuật”. Đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc nhận thức cá nhân.

“Việc nghĩ rằng chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh, thao túng kết quả bằng cách áp dụng suy nghĩ và thái độ tích cực không chỉ gây hiểu lầm mà còn dẫn đến cảm giác tội lỗi nếu mọi việc không như mong đợi. Ngoài ra, nó tạo ra cảm giác sai lệch rằng mọi thứ xảy ra đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta”, ông nói thêm.

Thực tế, “hội chứng cô gái may mắn” hay xu hướng tư duy tích cực đến mức độc hại không chỉ nhắm mục tiêu đến phụ nữ.

“Nhiều thập kỷ trước, hoạt động self-help (tự giúp đỡ) mang tính tâm linh thường tập trung vào đối tượng nữ, trong khi những gì liên quan đến kinh doanh hướng chủ yếu vào nam giới. Bây giờ, mọi thứ đã thay đổi. Không có ranh giới giới tính rõ ràng, nó có sức hấp dẫn phổ quát”, Cabanas kết luận.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cái giá của việc mù quáng tin vào ‘luật hấp dẫn’ trên TikTok
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO