Xu hướng các phim nước ngoài được phổ biến tại Việt Nam cài cắm bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp ngày càng tăng đang gây ra nhận thức sai lệch về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh không gian mạng ngày càng mở rộng và thế giới chưa thể vẽ được bản đồ chủ quyền cho nền tảng số.
Đây là hành động không thể chấp nhận được. Nó là một phần trong cái mà giới chuyên gia gọi là "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc, thông qua hình thức mới bằng cách đưa từ thực địa vào một không gian không có đường biên giới, khó kiểm soát hơn và đánh vào nhận thức của những người tiếp nhận hình ảnh - không gian mạng.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, cụm từ “chiến thuật vùng xám” trước đây không có trong bất cứ một từ điển bách khoa nào trên thế giới cả về quân sự và chính trị. Thuật ngữ này do TS Vũ Quang Việt (Chuyên viên cao cấp Liên hợp quốc, Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính công Singapore) sử dụng đầu tiên khi ông phân tích các thủ đoạn hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và trở thành một thuật ngữ. Thuật ngữ này tuy mới nhưng không phản ánh một hiện tượng mới.
Trong báo cáo năm 2022 của cơ quan nghiên cứu chính sách RAND (Mỹ), do nhóm tác giả Bonny Lin, Cristina L. Garafola, Bruce McClintock cùng một số tác giả khác thực hiện, “các chiến thuật vùng xám” được định nghĩa là “các hành động cưỡng chế tránh xung đột vũ trang nhưng vượt ra ngoài các hoạt động ngoại giao, kinh tế thông thường và các hoạt động khác”, nhằm “thúc đẩy các mục tiêu đối nội, kinh tế, đối ngoại và an ninh”.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các hành động để thực hiện chiến thuật vùng xám có trên nhiều lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, quân sự, hoạt động thông tin và không gian mạng (cyber). Về cơ chế và cách thức, các hoạt động này được cho là đi theo ba hướng tiếp cận - quốc tế, song phương và cấp cơ sở.
Trao đổi với VTC News, các chuyên gia cho rằng những vụ việc gần đây ít nhiều liên quan đến Chiến thuật vùng xám này.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, các cơ quan Trung Quốc đang tham gia vào ‘chiến tranh thông tin’ trên cơ sở toàn diện để định hướng dư luận trên toàn cầu, đặc biệt liên quan đến yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông”, ông Carl Thayer, chuyên gia về quan hệ quốc tế và Đông Nam Á, giáo sư danh dự Học viện quốc phòng Australia, trường Đại học New South Wales, bình luận.
Đối với trường hợp của Trung Quốc, “Chiến thuật vùng xám có thể mở rộng ra ngoài các hoạt động của lực lượng hải cảnh hay dân quân hàng hải, các đội tàu đánh cá Trung Quốc, để bao gồm cả chiến tranh thông tin và không gian mạng”, ông nói thêm.
Nhìn nhận các vụ việc hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện trong ấn phẩm văn hóa gần đây, chuyên gia Satoru Nagao, nhà nghiên cứu về chiến lược quốc phòng và chính sách đối ngoại tại Viện Hudson, cho rằng đó có thể là cách làm “thân thuộc hóa” để thuyết phục các bên thừa nhận những yêu sách khu vực của Trung Quốc.
Theo ông Nagao, đây là mặt trận thông tin, trong mặt trận thông tin sẽ bao gồm các biện pháp trên không gian mạng.
“Các yêu sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc có một số đặc điểm. Thứ nhất, khi đưa ra những yêu sách lãnh thổ, tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc nhiều lần coi thường luật pháp quốc tế. Những tuyên bố này là vô căn cứ, song nếu Trung Quốc liên tục thể hiện yêu sách, điều này sẽ khiến mọi người quen dần và bắt đầu chấp nhận”.
Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Takashi Hosoda từ Cộng hòa Séc nhận định các vụ việc là một phần trong lý thuyết "tam chiến" (tam chủng chiến pháp) của Trung Quốc, bao gồm chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Lý thuyết này được Quân ủy Trung ương Trung Quốc thông qua năm 2003.
Ba phong cách chiến đấu này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và là một phần của chiến tranh phi đối xứng trong vùng xám, nhằm mục đích sử dụng thông tin và tuyên truyền làm suy yếu đối thủ và tạo ra môi trường quốc tế có lợi.
“Tầm quan trọng đặc biệt trong cách tiếp cận của Trung Quốc là nó đang thúc đẩy cuộc chiến trong 'lĩnh vực nhận thức' (cognitive domain) quốc tế. ‘Chiến tranh nhận thức’ này vì vậy không chỉ đơn giản là chiến tranh thông tin như trước đây, mà nhằm mục đích tác động đến quá trình ra quyết định và mô hình hành vi của mọi người để đưa họ đến một tình huống có lợi cho Trung Quốc”.
Nếu chỉ nhìn nhận một bộ phim, với hình ảnh xuất hiện vài giây mà nhà sản xuất gọi là “nét vẽ màu sáp của trẻ con” thì các lo ngại có vẻ vô thưởng vô phạt. Song quyết định cấm phim của Việt Nam phải được hiểu trong bối cảnh nhiều vụ việc tương tự xuất hiện, cộng với ảnh hưởng ngày càng tăng của văn hóa, “quyền lực mềm” từ Trung Quốc - PGS tâm lý Jordan Richard Schoenherr, đại học Condordia (Canada) viết trên The Conversation xung quanh việc Việt Nam cấm phim Barbie.
Trong các trường hợp đáng chú ý nhất gần đây liên quan đến việc sử dụng hình ảnh "đường lưỡi bò" trái phép ở ngoài Trung Quốc, phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ là do DreamWorks của Mỹ hợp tác sản xuất với công ty Pearl của Trung Quốc sản xuất; Pine Gap là series phim đề tài gián điệp do Australia sản xuất, chiếu trên Netflix từ năm 2018; Uncharted (Thợ săn cổ vật) do Colombia Pictures, PlayStation sản xuất; Barbie do Waner Bros Mỹ sản xuất; gần đây nhất là trong các sản phẩm quảng cáo cho ban nhạc Hàn Quốc BlackPink của công ty iME (trụ sở chính tại Trung Quốc) đăng tải.
Khi nổi lên các vụ việc bản đồ "đường lưỡi bò" trái phép xuất hiện trong các ấn phẩm truyền thông, một câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp hay những đơn vị phát hành các ấn phẩm này có vai trò như thế nào.
Sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các bộ phim Hollywood từ lâu cũng đã được đặt ra. Trả lời phỏng vấn VTC News, theo ông James Kraska, chuyên gia Học viện Hải chiến Mỹ, Trung Quốc có ảnh hưởng ở Hollywood và các hãng phim muốn cẩn thận để tránh bị Trung Quốc chỉ trích, cũng như để có được khả năng tiếp cận cho phim của họ tại thị trường lớn thứ hai trên thế giới.
Các doanh nghiệp ở Trung Quốc thậm chí “có nguy cơ mất tài sản trí tuệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường. Hơn nữa, Trung Quốc có thể thực hiện các hành động chống lại các công ty trong nước hoặc quốc tế mà họ cho là khó đoán dựa trên các mối quan tâm chính trị”, chuyên gia này nói.
Điều này dẫn đến các doanh nghiệp nước ngoài có thể “tự kiểm duyệt” phim và các hoạt động văn hóa của mình, theo ông Carl Thayer.
Trong hầu hết các vụ việc, các doanh nghiệp nước ngoài phủ nhận việc họ đang đưa ra bất cứ “tuyên bố” nào liên quan đến yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, đã đến lúc họ không thể phớt lờ, không thể hoạt động ở Việt Nam, giao lưu văn hóa với Việt Nam mà lại không tôn trọng pháp luật Việt Nam, độc lập chủ quyền của Việt Nam.
Chuyên gia Hosoda bình luận: “Điều chúng ta cần xem xét ở đây là làm thế nào để Hollywood và các ngành công nghiệp truyền thông khác nhận ra rằng thị trường 1,3 tỷ dân Trung Quốc không phải là thị trường quốc tế duy nhất. Nói cách khác, thị trường ASEAN với 600 triệu dân cũng là một thị trường đủ quan trọng”.
Hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền lẫn nhau, trực tiếp chống lại thông tin sai lệch và đưa ra thông tin đúng là những cách tiếp cận tốt nhất đối với vấn đề, theo các chuyên gia.
Tất cả các nước đều có lợi khi đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế và chính trị, cùng với đó, việc chống lại ảnh hưởng bên ngoài trong thông tin, truyền thông và không gian mạng là rất quan trọng. Tuy nhiên trong thời đại thông tin toàn cầu thì không dễ để đối mặt với những thách thức này, trong khi vẫn đảm bảo dòng thông tin tự do.
“Trong trường hợp này, cách tiếp cận tốt nhất dường như chính là chống lại thông tin sai lệch và đưa ra các phản bác”, chuyên gia James Kraska nói.
Ông Takashi Hosoda gợi ý về việc Việt Nam có thể hợp tác với cộng đồng quốc tế bằng cách xây dựng các thực thể OSINT (tình báo nguồn mở) có sự tham gia của nhà nước, các viện hàn lâm, truyền thông và các chuyên gia nước ngoài,... để phát hiện và bác bỏ các thông tin sai lệch.
Bên cạnh đó, theo ông Carl Thayer, các quốc gia như Việt Nam nên liên tục theo dõi các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và cập nhật công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. “Chống lại thông tin xấu từ nước ngoài và các hoạt động mạng là một thách thức không ngừng thay đổi và phải được đánh giá lại thường xuyên”, ông bình luận.
Ở lĩnh vực này, chuyên gia Australia cho rằng Việt Nam đã có các viện và nhân lực tham gia vào các hoạt động chống lại thông tin sai lệch từ nước ngoài, cũng như các mối đe dọa an ninh trên không gian mạng. Việt Nam có thể tăng cường hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất.
Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên trì chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các quốc gia, với mọi dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, không chọn phe mà chọn công lý, lẽ phải và hòa bình. Điều kiện hàng đầu trong tất cả các mối quan hệ đó là các đối tác, dù là thân hay sơ, dù là xa hay gần đều phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của Việt Nam. Đây là chính sách có tính nguyên tắc, bất di bất dịch, dồng thời cũng là chính sách có tính chủ đạo quan trọng nhất để hạn chế “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc - Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân trả lời VTC News.