Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những người xuất hiện các triệu chứng thần kinh sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể có các điểm khác nhau trong hệ tế bào miễn dịch và rối loạn thần kinh thực vật.
Đây là kết quả nghiên cứu mới của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) được đăng ngày 5/5 trên tạp chí Neurology: Neuroimmunology & Neuroinflammation.
Những người chịu di chứng hậu COVID-19, trong đó có COVID-19 kéo dài, thường có nhiều triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, sốt, đau đầu, mất ngủ và "não sương mù" - một trạng thái sa sút nhận thức.
Những triệu chứng này có thể kéo dài nhiều tháng hoặc lâu hơn sau khi nhiễm virus. Tình trạng mệt mỏi và "não sương mù" nằm trong nhóm những triệu chứng phổ biến và gây suy nhược nhất, có thể bắt nguồn từ rối loạn hệ thần kinh.
Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận bằng phương pháp kiểu hình chuyên sâu (deep phenotyping) để đánh giá những đặc điểm lâm sàng và sinh học của tình trạng COVID kéo dài ở 12 người có những triệu chứng rối loạn thần kinh kéo dài sau khi mắc COVID-19.
Trong thời gian mắc bệnh, hầu hết người tham gia chỉ có những triệu chứng nhẹ. Người tham gia nghiên cứu được kiểm tra toàn diện từ khám lâm sàng, trả lời câu hỏi, chụp cắt lớp não, xét nghiệm máu và dịch tủy não và các chức năng thần kinh thực vật.
Kết quả chỉ ra những người bị COVID kéo dài có hàm lượng tế bào T mẫu CD4+ và CD8+ (những tế bào miễn dịch có tham gia phản ứng miễn dịch của cơ thể với các loại virus) so với những người khỏe mạnh.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện hàm lượng tế bào B và các tế bào miễn dịch khác tăng lên, cho thấy tình trạng rối loạn miễn dịch có thể đóng vai trò trong việc điều hòa hội chứng COVID kéo dài.
NIH tin rằng những kết quả mới này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy những thay đổi đáng kể trong hệ thống thần kinh thực vật và miễn dịch có thể dẫn tới tình trạng COVID kéo dài./.