Các thành viên đảng Cộng hòa ngày càng phản đối viện trợ nước ngoài và cho rằng Mỹ cần chi tiêu nhiều hơn cho an ninh biên giới. Các cuộc tranh luận về viện trợ nước ngoài của Mỹ có thể sẽ là một trong những chủ đề của cuộc bầu cử Tổng thống năm nay và ứng cử viên Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump cùng chiến dịch Nước Mỹ trước tiên có thể nêu ra các câu hỏi về viện trợ của Mỹ dành cho một số nước đối tác.
Sau đây là danh sách các nước được nhận nhiều nhất viện trợ nước ngoài của Mỹ dựa trên số liệu của bộ Ngoại giao Mỹ năm 2023 cùng với ngân sách bổ sung nhằm viện trợ cho Israel và Ukraine mới được thông qua tháng trước.
Ukraine – 78,3 tỷ USD
Quốc hội Mỹ phân bổ 61 tỷ USD cho Ukraine trong gói viện trợ nước ngoài được thông qua cuối tháng trước sau nhiều tháng tranh cãi chính trị về việc có nên tiếp tục viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga hay không.
Khoản tiền này gần như nhiều hơn gấp đôi so với con số Mỹ viện trợ cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hồi tháng 2 năm 2022, nâng tổng giá trị viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Ukraine lên 137 tỷ USD, theo Viện Kiel. Con số 61 tỷ USD cũng bao gồm khoảng 8 tỷ USD giúp Ukraine phát triển kinh tế và tái thiết.
Israel – 21,6 tỷ USD
Israel là quốc gia nhận viện trợ nước ngoài của Mỹ lớn nhất kể từ Thế chiến thứ Hai. Nước này đã nhận hơn 300 tỷ USD từ Mỹ kể từ năm 1946, theo Hội đồng quan hệ đối ngoại, với hơn 220 tỷ USD là viện trợ quân sự.
Israel được coi là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông và Quốc hội Mỹ đã phân bổ từ 3-4 tỷ USD mỗi năm nhằm giúp Israel củng cố năng lực quốc phóng kể từ những năm 1970. Gần như toàn bộ số tiền này được cung cấp thông qua một chương trình của bộ Ngoại giao Mỹ cho phép Israel mua vũ khí và đạn dược do Mỹ sản xuất mà không mất phí.
Khoản ngân sách này đã tăng đáng kể cuối tháng trước khi gói viện trợ nước ngoài của Mỹ được thông qua bao gồm khoảng 15 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel trong cuộc xung đột với Hamas ở Gaza. Đây là đợt phân bổ viện trợ lớn nhất trong 1 năm dành cho Israel trong vòng ít nhất 50 năm qua, theo Hội đồng quan hệ đối ngoại.
Phát biểu khi ký duyệt gói viện trợ nước ngoài, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh “Chúng tôi sẽ luôn đảm bảo Israel có những thứ cần thiết để tự vệ trước Iran và các phần tử khủng bố được Iran hậu thuẫn.”
Tổng thống Biden đã tạm ngừng vận chuyển vũ khí cho Israel tuần trước nhằm gây sức ép và kêu gọi Israel không tiến hành chiến dịch quân sự ở thành phố Rafah ở miền Nam Gaza. Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh sẽ ngừng chuyển vũ khí cho Israel trong tương lai nếu Israel tiến vào Rafah, tuy nhiên, lãnh đạo Israel đã tuyên bố sẽ vẫn có thể thực hiện điều này kể cả không có sự ủng hộ của Mỹ.
Jordan – 3,2 tỷ USD
Jordan là nước nhận viện trợ nước ngoài của Mỹ lớn thứ 3, theo số liệu của bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ. Khoảng một nửa số tiền cung cấp cho nước này trong năm 2023 là viện trợ quân sự. Jordan đã phối hợp cùng Israel và Mỹ nhằm bao vệ Israel trước các cuộc không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran tháng trước. Jordan cũng hỗ trợ Mỹ trong việc thả viện trợ nhân đạo xuống Gaza hồi tháng 3.
Ai Cập – 2,9 tỷ USD
Viện trợ nước ngoài cho Ai Cập đang bị rà soát lại sau khi Thượng nghị sỹ Bob Menendez bị truy tố năm ngoái. Thượng nghị sỹ Menendez, người đã từ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong quá trình điều tra, bị cáo buộc đã nhận hối lộ hàng trăm nghìn USD từ các lợi ích ở Ai Cập.
Sau khi thay thế ông Menendez làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Thượng nghị sỹ Ben Cardin đã giữ lại 235 triệu USD viện trợ cho Ai Cập do một số vấn đề liên quan tới nhân quyền, quản trị và thượng tôn pháp luật.
Động thái này khá gây tranh cãi trong khi Ai Cập có vai trò trung tâm trong cuộc xung đột Israel-Hamas. Các nhà ngoại giao Ai Cập đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Israel, Mỹ và Hamas và Cairo đã đứng ra chủ trì các cuộc đàm phán ngừng bắn tuần trước.
Ethiopia – 2 tỷ USD
Ngân sách phân bổ cho Ethiopia gần như chủ yếu là viện trợ nhân đạo trong bối cảnh các khu vực ở quốc gia này đang phải đối mặt với nạn đói và bạo loạn dân sự. Khu vực Tigray ở phía Bắc rơi vào xung đột sắc tộc năm 2022 khiến hàng nghìn người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.
Hạn hán, xung đột và các yếu tố khác ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm đã khiến Ethiopia trở thành một trong những quốc gia nhận viện trợ nhân đạo của Mỹ nhiều nhất.
Nigeria – 1,5 tỷ USD
Viện trợ nước ngoài của Mỹ dành cho Nigeria tập trung cho chăm sóc y tế và thực phẩm. Mỹ chi khoảng 250 triệu USD nhằm ngăn chặn HIV/AIDS ở Nigeria năm 2023 và khoảng 130 triệu USD cho các nhu cầu y tế khác.
Hầu hết viện trợ của Mỹ được cung cấp thông qua các tổ chức phi chính phủ và nhân đạo ở Nigeria.
Somalia – 1,3 tỷ USD
Hầu hết viện trợ của Mỹ cho Somalia được dành cho tiếp cận thực phẩm trong bối cảnh quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn sau nhiều thập kỷ bạo loạn dân sự.
Khoảng 700 triệu USD đã được Mỹ phối hợp với Liên hợp quốc viện trợ cho Somalia vì cơ quan này đã hiện diện tại đây trong nhiều thập kỷ trong bối cảnh nội chiến ở Somalia.
Khoảng hơn 100 triệu USD được cấp cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Somalia.
Kenya – 1,1 tỷ USD
Ở Kenya, viện trợ nhân đạo của Mỹ được phân bổ cho các lĩnh vực y tế, tiếp cạn thực phẩm và phát triển kinh tế.
Khoản viện trợ lớn nhất của Mỹ cho Kenya là thông qua phối hợp với Chương trình thực Thế giới ở khu vực trong khi chính phủ cũng đầu tư đáng kể nhằm ngăn chặn HIV/AIDS và hỗ trợ ngành nông nghiệp địa phương.