Đau xót khi thấy chim trời biến thành mồi ngon trên bàn nhậu
Là cán bộ của Viện Sinh thái và Tài Nguyên Sinh Vật, TS Lê Mạnh Hùng có hơn 20 năm nghiên cứu về các loài chim Việt Nam. Ông cùng cộng sự đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn chim tự nhiên của Việt Nam, thâm nhập mật phục những kẻ có "máu" săn đồ hoang dã, kịp thời cấp báo cho cơ quan chức năng.
Có dịp đi đến khắp các vùng miền, ông Hùng đau xót nhận ra, nạn tận diệt chim trời ngày một diễn biến phức tạp, số lượng chim hoang dã dần giảm sút.
Vị tiến sĩ này kể, cách đây khoảng 20 năm có rất ít người bẫy bắt chim, cũng không có nhiều nhà hàng tiêu thụ chim trời. Việc bẫy bắt chỉ là hoạt động nhỏ lẻ và dừng lại ở nhu cầu cá nhân của một số người.
"Chim trời ngày đó còn rất nhiều. Về những khu vực như Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), tôi tận mắt thấy những đàn chim hàng nghìn cá thể bay rợp trời. Ngay tại Hà Nội, khu vực bãi giữa sông Hồng cũng là điểm đến của nhiều loài chim… Tuy nhiên, bây giờ thì số lượng đã giảm đi đáng kể", TS Hùng nói.
Theo chuyên gia này, sự nở rộ của công nghệ đã khiến nạn tận diệt chim trời diễn biến phức tạp, số lượng chim bị biến thành mồi ngon trong bữa nhậu ngày càng nhiều.
Làm công tác bảo tồn, TS Hùng từng gặp không ít câu chuyện ám ảnh về nạn tàn sát chim trời. Một lần, khi khảo sát ở tỉnh Thừa Thiên Huế, ông gặp hai đối tượng ngụy trang rất công phu đi bẫy chim.
Họ mặc trên người trang phục màu lá cây, mang theo loa, lưới tàng hình, lưới chụp, thiết bị sử dụng công nghệ của nước ngoài để dụ chim rừng… Ngoài các thiết bị công nghệ, hai thanh niên này còn mang theo một con gà rừng đã được thuần hóa làm mồi nhử.
Chúng còn khoe con gà được trả giá 30-40 triệu đồng nhưng cả hai không bán vì là công cụ làm ra tiền, làm mồi nhử hữu hiệu thu hút gà rừng, đem về cho chúng nguồn hàng dồi dào.
Một lần khác, khi về Quảng Yên, Quảng Ninh, ông Hùng và đồng nghiệp tận mắt thấy 3 người đàn ông dùng 3 chiếc súng thể thao bắn chim. Ông lập tức báo cho lực lượng kiểm lâm và cảnh sát môi trường tới xử lý.
"Nhiều đối tượng rất công phu, nhập khẩu các loại súng từ nước ngoài về. Nguy hiểm nhất phải kể tới súng cồn, người bắn chỉ cần bóp cò thì có thể tung ra hàng trăm miếng sát thương nhỏ khiến các con chim bị rơi vào tầm ngắm không thể thoát thân", vị chuyên gia này cho hay.
Theo TS Lê Mạnh Hùng, so với người dân các nước trong khu vực, nhiều người Việt chưa có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, nhận thức của một bộ phận vẫn còn hạn chế, chưa thấy được tầm quan trọng của các loài sinh vật tự nhiên.
Nhiều người coi bẫy bắt chim làm một đam mê, bất chấp tất cả để đưa chim trời vào bẫy.
"Một lần tôi tham gia giám định vụ án một thanh niên bẫy bắt 4 con gà tiền mặt vàng quý hiếm. Thanh niên này trước đó từng bị xử phạt hành chính vì tội săn bắt động vật hoang dã. Lần bị bắt ấy, anh ta khó tránh bị khởi tố, đi tù, tuy nhiên vẫn khẳng định sẵn sàng "chết vì đam mê", ông Hùng nói.
Một lần khác, TS Hùng chứng kiến lực lượng kiểm lâm và cảnh sát môi trường quận Cầu Giấy bắt một sinh viên đại học bán chim hoang dã ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội.
Sinh viên này khi về quê đã xách tay ra Hà Nội một số cá thể chim hoang dã. Chỉ vì hám lợi, nam sinh viên này đã tự hủy hoại tương lai của mình.
Nhiều loài quý hiếm chỉ thấy được trên lưới bẫy
Theo ông Nguyễn Hoàng Hào, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Thư ký Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ đa dạng sinh học, sinh vật tương đối cao trên thế giới.
Tuy nhiên người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của các loài chim đối với môi trường sinh thái. Nhiều người không cần biết đó là loài chim gì, chim quý hiếm hay đã vào sách đỏ vẫn cứ vô tư bắt bẫy.
"Chẳng hạn con vịt mỏ nhọn (chỉ còn khoảng 2.000 con trên thế giới) nhưng đến Việt Nam vẫn cứ bị cho vào nồi bình thường. Có loài giới chuyên gia hay nhiếp ảnh yêu chim không có ảnh ngoài tự nhiên nhưng giới săn bắt lại có ảnh trong lưới bẫy", chuyên gia này đau xót nói.
Nhìn rộng ra các nước, TS Lê Mạnh Hùng nhận thấy, nhiều quốc gia đã phân khu vực bảo vệ chim hoang dã, nhiều nơi người dân có ý thức rất cao.
Vị chuyên gia này kể, ở Trung Quốc, người dân tuyệt đối không dám đến gần các khu vực khoanh vùng, các khu bảo tồn để bẫy bắt, các loài nằm trong danh sách bảo tồn cũng được bảo vệ tối ưu.
"Ở Việt Nam thì ngược lại, ở quanh các khu bảo tồn, nạn bẫy bắt chim trời vẫn diễn ra rất nhức nhối. Ở những nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan… dân không tiêu thụ thịt chim rừng, chim chóc thậm chí còn bay tự do trong phố.
Nhiều nước còn thả thêm chim vào trong thành phố, người dân không bẫy bắt nên các loài chim vẫn tồn tại, sinh sôi, nảy nở. Ở trung tâm Hà Nội thì chỉ có thể thấy được chim ở khu vực Bách Thảo, quanh Lăng Bác… bởi nơi đây còn giữ được sinh cảnh và khá an toàn", ông Hùng nói.
Chuyên gia sinh vật này cũng chỉ ra một số bất cập khiến việc xử lý những kẻ tàn sát chim trời chưa được triệt để.
Cụ thể, hiện nay nước ta còn thiếu các trung tâm cứu hộ. Tại miền Bắc chỉ có 3 trung tâm cứu hộ (Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Hà Nội, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật Cúc Phương và Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật Hoàng Liên).
Thực tế, nhiều đơn vị kiểm lâm bắt được các vụ buôn bán chim trời nhưng thiếu trung tâm cứu hộ, không biết đem về đâu để nuôi nhốt trong giai đoạn chờ xử lý.
Ngoài ra, việc không có cơ quan định giá động vật cũng gây khó cho quá trình xử lý các đối tượng vi phạm. Lực lượng cảnh sát môi trường đôi khi quá tải công việc, kiểm lâm có quyền lập biên bản xử phạt nhưng các đối tượng lại không chịu nộp tiền.
"Nếu cảnh sát khu vực và chính quyền địa phương kết hợp cùng kiểm lâm vào cuộc thì mới xử lý nhanh chóng được các vụ buôn bán trái phép chim hoang dã", ông Hùng kiến nghị.
Bàn về các giải pháp nhằm ngăn chặn nạn tận diệt chim trời, TS Lê Mạnh Hùng cho rằng, điều quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức của người dân, tiếp đến là củng cố công tác thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.