VỀ UKRAINE: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia nên hành động nhất quán với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc trong tổng thể và mối tương quan. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao các đề xuất liên quan đến việc hòa giải và thiện chí, nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột thông qua đối thoại và ngoại giao”.
VỀ TRUNG ĐÔNG: “Chúng tôi nhắc lại mối quan ngại sâu sắc về tình hình tồi tệ và khủng hoảng nhân đạo tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đặc biệt là sự leo thang bạo lực chưa từng có tại Dải Gaza và Bờ Tây do cuộc tấn công quân sự của Israel, dẫn đến việc giết hại và làm bị thương hàng loạt thường dân, cưỡng chế di dời và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự trên diện rộng. Chúng tôi bày tỏ lo ngại về tình hình ở Nam Li-băng. Chúng tôi lên án việc giết hại dân thường và sự phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng dân sự do các cuộc tấn công của Israel vào khu vực dân cư ở Li-băng và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động quân sự”.
VỀ CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT CỦA PHƯƠNG TÂY: “Chúng tôi vô cùng lo ngại về tác động gây rối của các biện pháp cưỡng chế đơn phương bất hợp pháp, bao gồm các lệnh trừng phạt trái phép, đối với nền kinh tế thế giới, thương mại quốc tế và việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.
VỀ CẢI CÁCH HỆ THỐNG TÀI CHÍNH QUỐC TẾ: “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách kiến trúc tài chính quốc tế hiện tại để đáp ứng những thách thức tài chính toàn cầu, bao gồm quản trị kinh tế toàn cầu, nhằm làm cho hệ thống tài chính quốc tế trở nên bao trùm và công bằng hơn”.
VỀ SÀN GIAO DỊCH NGŨ CỐC BRICS: “Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến của Nga về việc thành lập một nền tảng giao dịch ngũ cốc (hàng hóa) trong BRICS (Sàn Giao dịch Ngũ cốc BRICS) và phát triển nó, bao gồm mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp khác”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Kazan, Nga ngày 23/10/2024. Ảnh: Reuters. |
VỀ HỆ THỐNG THANH TOÁN XUYÊN BIÊN GIỚI CỦA BRICS: “Chúng tôi nhận thấy lợi ích sâu rộng của các công cụ thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, chi phí thấp hơn, hiệu quả, minh bạch, an toàn và bao trùm, được xây dựng trên nguyên tắc giảm thiểu rào cản thương mại và tiếp cận không phân biệt đối xử. Chúng tôi hoan nghênh việc sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch tài chính giữa các quốc gia BRICS và đối tác thương mại của họ”.
VỀ BRICS CLEAR DEPOSITARY: “Chúng tôi đồng ý thảo luận và nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập một cơ sở hạ tầng thanh toán và lưu ký xuyên biên giới độc lập, BRICS Clear, như một sáng kiến bổ sung cho cơ sở hạ tầng thị trường tài chính hiện tại, cũng như khả năng tái bảo hiểm độc lập của BRICS, bao gồm Công ty (Tái) Bảo hiểm BRICS, với sự tham gia trên cơ sở tự nguyện”.
VỀ ĐỔI MỚI TÀI CHÍNH: “Chúng tôi hoan nghênh cơ chế hợp tác liên ngân hàng BRICS (ICM), tập trung vào việc tạo điều kiện và mở rộng các phương thức, cách tiếp cận tài chính sáng tạo cho các dự án, chương trình, bao gồm tìm kiếm các cơ chế tài trợ chấp nhận được bằng đồng nội tệ”.
VỀ IMF: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết duy trì một Mạng lưới An toàn Tài chính Toàn cầu mạnh mẽ và hiệu quả, với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là trung tâm dựa trên hạn ngạch và được cung cấp nguồn lực đầy đủ”.
VỀ G20: “Chúng tôi nhận thức tầm quan trọng của việc duy trì và hoạt động hiệu quả của G20, dựa trên sự đồng thuận với trọng tâm là kết quả định hướng”.
VỀ NGĂN NGỪA ĐẠI DỊCH TRONG TƯƠNG LAI: “Chúng tôi ủng hộ các sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vắc xin BRICS, và phát triển thêm Hệ thống Cảnh báo Sớm Tích hợp BRICS để ngăn chặn rủi ro bệnh truyền nhiễm hàng loạt”.
VỀ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ LỚN: “Trong khi đánh giá cao nỗ lực của các quốc gia của chúng tôi trong việc bảo tồn các loài quý hiếm và lưu ý đến tính dễ bị tổn thương cao của các loài mèo lớn, chúng tôi ghi nhận sáng kiến của Cộng hòa Ấn Độ về việc tạo ra Liên minh Quốc tế Bảo vệ Mèo lớn và khuyến khích các quốc gia BRICS hợp tác để đóng góp thêm cho việc bảo tồn các loài mèo lớn”.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Nga từ ngày 22-24/10/2024. Ảnh: Getty. |