Sau gần 1 năm quán cà phê Trung Nguyên Legend nhượng quyền đầu tiên ra mắt tại Mỹ, tháng 7-2024, Tập đoàn Trung Nguyên Legend tiếp tục mở thêm 2 quán nữa tại thành phố San Jose, bang California. Đây là hai không gian đầu tiên của mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend và là quán thứ tư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Mỹ.
Chinh phục thị trường toàn cầu
Cũng trong tháng 7, thương hiệu cà phê này khai trương thêm 8 không gian mới tại Thượng Hải, Tô Châu, Chiết Giang, nâng tổng số hàng quán cà phê của Trung Nguyên Legend tại Trung Quốc lên con số 18, tập trung tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô, Đông Hưng, Tô Châu, Chiết Giang…
Như vậy, chỉ sau gần 2 năm xuất ngoại, Trung Nguyên Legend đã có 22 điểm bán ở 2 nền kinh tế lớn, vừa để tìm kiếm lợi nhuận vừa quảng bá cà phê lẫn văn hóa cà phê Việt ra thế giới. Đại diện Trung Nguyên Legend cho biết kế hoạch năm 2024 sẽ phát triển gần 130 quán tại Trung Quốc, mở đầu cho kế hoạch dài hạn 1.000 quán tại thị trường này.
Ngoài Trung Nguyên Legend, một số thương hiệu như Cộng, Highlands Coffee, King Coffee… cũng lần lượt mở điểm bán ở châu Âu, châu Á và Đông Nam Á nhưng con số điểm bán còn khiêm tốn.
Trước đó, thương hiệu trà sữa Phúc Tea của Công ty CP Phúc Tea Franchise cũng đã nhượng quyền thành công 2 cửa hàng HappiTea (tên gọi quốc tế của Phúc Tea) tại Philippines. Trong khi thương hiệu Phở'S đang chuẩn bị những khâu cuối để đưa vào hoạt động cửa hàng nhượng quyền đầu tiên ở Philippines.
Ông Trần Nhật Vũ, Chủ tịch Phúc Tea Franchise, cho hay 2 cửa hàng Philippines hoạt động rất tốt, lưu lượng khách đông sau 4 tháng hoạt động. "Trước khi mở cửa hàng đầu tiên, chúng tôi mất đến 1 năm để chuẩn bị và chọn hình thức nhượng quyền sỉ, tức chỉ làm việc với một đầu mối tại một thị trường. Phía Philippines là một đối tác mạnh, họ cam kết đến năm 2029 sẽ mở 105 chi nhánh HappiTea" - ông Vũ tiết lộ.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện các chuỗi như: cà phê Guta, La Boong… cho biết dù chưa nhượng quyền ra nước ngoài nhưng nếu có đối tác phù hợp sẽ sẵn sàng triển khai.
Còn nhiều khó khăn
Theo các DN, ẩm thực Việt được người tiêu dùng nhiều quốc gia trên thế giới ưa thích. Đó là điều kiện thuận lợi, cũng là cơ hội lớn để các chuỗi F&B Việt Nam "xuất ngoại". Hiện nay, một trong các yếu tố quan trọng để gia tăng tỉ lệ thành công cho các thương hiệu là tính bản địa. Như các không gian cà phê Trung Nguyên Legend ở nước ngoài gây ấn tượng với khách hàng bản xứ bởi menu thuần Việt với cà phê pha phin, cà phê sữa đá đúng chuẩn. Bên cạnh đó là những món uống sáng tạo trên nền tảng espresso như Latte, Mocha, Cappuccino, Americano… sử dụng 100% nguồn nguyên liệu cà phê Robusta từ thủ phủ Buôn Ma Thuột, Việt Nam. "Những bài viết khen ngợi menu cà phê đậm dấu ấn Việt Nam tại các không gian cà phê ở Mỹ, Trung Quốc trên các chuyên trang nổi tiếng của nước ngoài càng làm gia tăng độ nhận diện và tín nhiệm cao của chuỗi cà phê thuần Việt trên thế giới" - đại diện Trung Nguyên Legend cho hay.
Ông Trần Nhật Vũ tiết lộ khi nhượng quyền ra nước ngoài, Phúc Tea không bê nguyên xi mô hình tại Việt Nam sang mà có điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, các món sẽ thuần Việt hơn để mang hương vị đặc sản Việt Nam, một số món có thể sử dụng nguyên liệu tại chỗ để tối ưu chi phí. HappiTea có kế hoạch nhượng quyền tiếp sang Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Dubai (UAE). "Các thương hiệu F&B thường gặp tình huống đối tác nước ngoài muốn nhượng quyền nhưng năng lực có hạn, chỉ mở 1-2 chi nhánh, không bảo đảm hiệu quả. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi là mình cứ nhận trước vài khách như vậy và nói rõ sẽ tìm đầu mối sỉ, sau đó mới chuyển giao cho họ. Bản thân các nhà đầu tư nhỏ vẫn muốn làm việc với đầu mối tại chỗ hơn làm việc trực tiếp với mình" - ông Vũ chia sẻ.
Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền, Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á, cho biết DN F&B Việt Nam có nhiều cơ hội lẫn lợi thế để nhượng quyền ra nước ngoài nhưng hành trình hiện thực hóa các cơ hội này còn nhiều khó khăn. Muốn ra nước ngoài, DN phải có tầm nhìn toàn cầu, các hiểu biết thị trường, chuẩn bị về mô hình, con người… mang tính quốc tế. Đây là những thách thức và là điểm yếu của đại đa số DN Việt Nam. "Mới đây, tôi dẫn một nhóm DN tham gia triển lãm ở Thượng Hải, mọi người đều choáng ngợp bởi mức độ đầu tư chuyên nghiệp về hình ảnh và mô hình của các thương hiệu nhượng quyền Trung Quốc. Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam chưa có tầm quốc tế, chưa có sự chuyên nghiệp nên thường tự ti khi bước ra cạnh tranh với các mô hình và thương hiệu quốc tế" - bà Phi Vân nhìn nhận.
Theo bà Phi Vân, muốn có thêm nhiều DN xuất khẩu mô hình và thương hiệu ra nước ngoài, phải có sự hỗ trợ của Chính phủ và Nhà nước. Ngoài ra, cần có những DN lớn của Việt Nam hiểu được giá trị cao nhất của chuỗi giá trị là xuất khẩu mô hình và thương hiệu chứ không chỉ là xuất khẩu nguyên liệu/sản phẩm. Những DN lớn này sẽ đi trước, dẫn dắt và tạo làn sóng để các thương hiệu nhỏ đi theo. "Với hiện trạng các thương hiệu Việt Nam, rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận mua nhượng quyền thương hiệu Việt mà phải có đội ngũ dẫn dắt đứng ra hướng dẫn, đàm phán. Cần phải có cả một hệ sinh thái nhượng quyền để làm được những việc đó" - bà Phi Vân đúc kết.
Chuỗi F&B ngoại tiếp tục đổ bộ
Ở chiều ngược lại, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director - Horeca Business School, cho biết từ sau 2021 có nhiều chuỗi F&B ngoại đã thành công thâm nhập thị trường Việt Nam nên nhiều thương hiệu mới tiếp tục tìm đối tác nhượng quyền tại Việt Nam. Nhiều nhất là thương hiệu các F&B châu Á bởi văn hóa ẩm thực tương đồng, tần suất sử dụng của người Việt cao. Trong khi đó, các thương hiệu châu Âu, Mỹ chủ yếu là thức ăn nhanh còn mô hình nhà hàng đầy đủ dịch vụ ít hơn vì thực khách đến với mục đích chính là "trải nghiệm".
Theo ông Thanh, các chuỗi F&B ngoại khi đến Việt Nam có sự chuyên nghiệp trong quản trị, mô hình và thường xác định đầu tư dài hạn nên giữ được sự ổn định, đồng bộ về chất lượng, dịch vụ để giữ phân khúc, ngay cả các chuỗi bình dân cách làm cũng bài bản. Một yếu tố không kém phần quan trọng là người Việt có phần "sính ngoại" nên các thương hiệu F&B nước ngoài dễ tìm kiếm lợi nhuận khi đầu tư vào.